Món nợ từ một bài tập tết

18/01/2020 08:05 GMT+7

Cách đây mấy năm, tôi xin hưu trước tuổi vì một vài lý do riêng. Nghỉ thì nghỉ nhưng tôi vẫn nhớ trường nhớ lớp. Nhớ nhất là bài tập tết tôi đã ra cho lớp 9A mà tôi dạy văn kiêm chủ nhiệm.

Năm đó, tiết học cuối cùng trước khi nghỉ tết trôi qua một cách nhàm chán vì mấy chục học sinh (HS) cứ “tám” chuyện tết. Tôi không trách vì tôi cũng từng… như các em trong thời khắc nhạy cảm này. Trước khi trống điểm hết giờ, tôi ghi bài tập tết lên bảng: “Hãy viết một đoạn văn (không quá 5 dòng) nói về điều em quan tâm nhất trong tết này”.
HS đồng thanh: “Hả!”. Tôi nghe trong tiếng “hả” ấy chứa “hỗn hợp” tâm trạng ngạc nhiên, bất mãn và... oán trách.
Tôi bình tĩnh: “Thầy chưa nói hết! Đề này... free và chỉ mất vài phút làm bài. Viết thì tốt, để thầy hiểu các em hơn. Không viết cũng chẳng sao. Bài không có điểm. Bù lại thầy sẽ phản hồi từng bài một. Ngày còn đi học, thầy rất thích dạng bài tập khai bút đầu năm như này. Các em thử một lần đi. Đêm giao thừa, đón thêm một tuổi, viết lại điều mình nghĩ, mình ước mơ, các em sẽ thấy thú vị lắm”.
Sau một lúc bàn tán, các em hí hoáy chép đề vào vở. Nhưng tôi đã không ngờ rằng bài tập đó đã khiến tôi “canh cánh bên lòng” cả tháng giêng. Không chỉ vậy, nhiều “vấn đề” các em viết trong bài cứ bám riết lấy tôi cho đến tận bây giờ.
Qua tết, cả lớp nộp bài không thiếu một em. Tối đó, tôi pha cà phê đậm, sẵn sàng “chiến đấu”. Tôi thấy rằng các bài viết không chỉ đơn thuần là để tâm sự mà còn là hy vọng ở tôi một điều gì đó.
Trong hàng chục tình huống không vui, xin kể ra đây vài tình huống “gai góc” nhất.
1. Mỗi năm có cái tết cho em kiếm chút lì xì, để dành lâu lâu đi chơi với bạn. Ba thì không để ý nhưng má thì “mượn” để đánh bài mà không trả. Năm nay em ghét, cô chú cậu mợ dì dượng lì xì em không lấy. Má la em, nói mày chảnh hả? Em ước có ông tiên nào đó khuyên má em trả lại tiền. Nhiều năm rồi thầy ơi!
2. Uớc mơ của em xuân này là ba em bớt nhậu, bớt hát karaoke loa kẹo kéo. Ổng nói làm lụng quanh năm, giờ là tết, không chơi thì uổng phí. Suốt cả tháng giêng, cứ mỗi lần nhậu là ổng lôi cái loa ra, rủ bạn gần nhà hát tới hơn 12 giờ đêm. Em học bài đâu có được. Má em ngủ cũng không được. Anh Hai em nói, ổng đòi đánh, nói anh Hai là con nít biết gì, đồ mất dạy! Đầu xuân năm nào em cũng học dở. Thầy la em hoài mà thầy đâu biết hoàn cảnh của em.
3. Ai mơ tới tết chứ em hết mơ rồi. Em có ăn tết được đâu mà mơ! Em chán lắm. Tết nào ba mẹ em cũng nộp danh sách gia đình cho chùa bảo hộ cả năm. Sư thầy nói nhà em ai cũng dính sao, mà toàn là sao xấu. Phải sửa soạn mâm cúng mấy triệu để giải hạn. Từ mùng một đến mùng ba, mùng nào cũng có người của chùa tới nhà cúng bái. Cả nhà phải quỳ lạy van vái cả buổi.
Ở tình huống 1, nhờ má em này là học sinh cũ của tôi nên tôi thuyết phục được. Sau gần một tuần nói thiệt nói hơn, “chủ nợ” vui vẻ trả lại tiền lì xì của cái tết gần nhất (hơn 3 triệu đồng). Hai mẹ con còn đi đến “thỏa thuận” là tiền lì xì của những cái tết... xa xôi thì xí xóa. Đây là thành tích... chói lọi của tôi trong đời nhà giáo.
Riêng tình huống thứ 2 và 3, tôi có mấy lần mon men đến gặp phụ huynh để trao đổi nhưng bất thành vì họ không hợp tác. Hai học trò tôi còn suýt ăn đòn vì bị nghi làm rò rỉ “thông tin nội bộ gia đình”.
Từ chuyện này, tôi nghĩ thầy cô giáo rất cần kỹ năng thương thuyết. Có vậy mới giúp các em vượt qua “tuổi thơ dữ dội” để vui học và vui sống. Nếu chưa có kỹ năng trên thì đừng “bài tập tết” kiểu như tôi để rồi áy náy, luôn thấy mình còn nợ các em.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.