Ông Nguyễn Văn Vọng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT thừa nhận: "Hơn thập kỷ qua đã có nhiều chủ trương đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) và phương pháp đánh giá chất lượng (PPĐG). Nhiều hội thảo được tổ chức, song kết quả đem lại chưa được là bao. Phải chăng chúng ta chưa tìm được mắt xích quan trọng nhất trong các giải pháp làm đòn bẩy thực sự, đưa các biện pháp đổi mới đi vào hiện thực? Phải chăng phương pháp cũ vẫn còn chỗ đứng, không dễ gạt bỏ được?". Bản đề dẫn của PGS-TS Nguyễn Văn Bính (ĐH Sư phạm Hà Nội) về thực trạng hoạt động đổi mới PPDH trong các trường cho thấy một thực tế là phần lớn giáo viên vẫn lúng túng với câu hỏi: Đổi mới PPDH là gì? Một bài dạy như thế nào được coi là đổi mới PPDH? Về phía các trường cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH), giảng viên ít quan tâm, thiếu hứng thú với việc đổi mới PPDH nhưng lại không có cơ chế rõ ràng về trách nhiệm của giáo viên, chỉ nặng về động viên, khuyến khích... Cái gọi là đổi mới PPĐG trong các trường từ phổ thông (PT) đến CĐ, ĐH còn mang tính hình thức, nếu như không muốn nói là các trường... né tránh cụm từ này.
GS-TS Phan Ngọc Liên (ĐH Sư phạm Hà Nội) đã chỉ ra 2 nguyên nhân cơ bản cản trở đổi mới PPDH ở trung học phổ thông: Thứ nhất là lối dạy "truyền thống" theo kiểu thầy đọc trò chép đã ăn sâu vào suy nghĩ, thói quen, lối làm việc của cả thầy và trò. Theo ông "phải xóa bỏ triệt để lối học cho sinh viên "bú mớm" kiến thức của thầy". Thứ hai là việc đổi mới PPDH, đào tạo giáo viên ở các trường CĐ-ĐH sư phạm chưa mạnh!
Cũng theo PGS-TS Lã Nhâm Thìn thì giáo dục Việt Nam đã và đang tồn tại nhiều nghịch lý. Không chỉ ở các trường sư phạm, mà ĐH còn đi sau phổ thông về đổi mới nội dung và PPDH. Đóng vai trò là "chiếc máy cái" của ngành giáo dục, nhưng các trường sư phạm cũng bị các trường phổ thông "bỏ rơi"! Một vị giáo sư có tiếng đã phải thốt lên: Ở các nước, người ta "đổi mới" người thầy rồi mới đổi mới trò. Nghĩa là phải thay đổi PPDH trong các trường sư phạm trước, sau đó mới bàn đến đổi mới phương pháp học trong các trường PT, CĐ và ĐH. Song theo PGS-TS Trần Quốc Thành: "Mặc dù được dành một thời lượng khá lớn cho thời gian thực tập, các hoạt động rèn kỹ năng sư phạm... nhưng tay nghề sinh viên sư phạm còn nhiều vấn đề phải bàn. Trong lúc chúng ta đang hô hào cải tiến PPDH thì đa số sinh viên mới tốt nghiệp chỉ cố gắng thuộc giáo án để có thể... đọc cho học sinh chép. Nhiều giáo sinh không nói được những gì mình định truyền đạt cho học sinh, vì vậy chất lượng giờ dạy rất thấp. Chưa nói đến sự dàn trải trong quá trình dạy, Các giáo sinh cố gắng không cháy giáo án, chứ không thể khắc sâu kiến thức cho học sinh...".
T.H
Bình luận (0)