Ngày 20.11 buồn của thạc sĩ sư phạm đi bán cá

20/11/2017 17:52 GMT+7

Hôm nay, 20.11, cũng như Ngày Nhà giáo Việt Nam của nhiều năm trước, Nguyễn Thị Thu, 26 tuổi, thạc sĩ sư phạm văn, đang sống ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nhận được nhiều lời chúc mừng của bạn bè.

Họ chúc mừng Thu nhân ngày đặc biệt, tôn vinh những người làm nghề dạy học. Thu nghĩ rằng, rất nhiều nhà giáo được nhận hoa, thiệp, trong ngày này rất vui, riêng cô vẫn có những nỗi buồn không thể khỏa lấp.
Thu ra trường đến nay đã gần 5 năm, cô nhận tấm bằng thạc sĩ cũng 2 năm, tuy nhiên, cô chưa được đứng trên bục giảng theo đúng nghĩa một ngày nào cả.
Ngày mới ra trường, Thu mang tấm bằng cử nhân xếp loại giỏi của Đại học Quốc gia Hà Nội đi xin việc, khấp khởi niềm vui sắp được làm nghề cao quý. Thế nhưng, thực tế phũ phàng không như mong đợi của Thu.
Hà Nội, Thái Bình (quê ngoại của Thu), Quảng Ninh (nơi Thu sinh ra và lớn lên) đều lắc đầu vì đã đủ chỉ tiêu công chức, họ tuyên bố sẽ không thi tuyển trong một thời gian dài nữa. Thu tới trường dân lập xin việc, mong muốn chỉ cần một việc làm để có kinh nghiệm, tuy nhiên cũng chờ đợi mà người có trách nhiệm không liên lạc lại.
Thu thất nghiệp, may mắn, chứng chỉ trung cấp kế toán cô có được trong thời gian học đại học giúp cô có được một việc làm, lương khoảng 4 triệu đồng ở Hà Nội. Tranh thủ vừa đi làm kế toán, Thu học tiếp lên cao học, hy vọng vị trí thạc sĩ sẽ dễ xin việc hơn cử nhân. Thế nhưng, đã hơn 2 năm kể từ ngày Thu có tấm bằng thạc sĩ trong tay, cô vẫn chưa xin được việc.
“Có những địa phương tôi hỏi thăm, để có một suất biên chế mất vài trăm triệu đồng, đấy là phải có người thân quen giới thiệu. Tôi không có tiền. Nếu có từng đó tiền, tôi cũng sẽ bỏ ngân hàng tiết kiệm, bởi nếu xin được việc rồi, làm bao giờ mới đủ vài trăm triệu đi vay mượn?”, Thu chua xót.
Thu lập gia đình, có đứa con đầu tiên, chi tiêu cuộc sống nhiều hơn, cô buộc phải kiêm thêm nghề buôn bán cá tôm trên mạng. Nhờ người thân quen có được mối hàng tươi và rẻ, Thu rao bán trên facebook, kiếm thêm vài chục ngàn mỗi ngày mong cho con có thêm hộp sữa, bữa cơm gia đình có thêm món này món khác.


Bấp bênh nhà giáo hợp đồng
Lương 3 cọc 3 đồng, cống hiến nhiều năm trời không thua gì giáo viên biên chế nhưng vẫn mãi thiệt thòi và dễ dàng bị tước đi giấc mơ làm nghề vì... cơ chế. Họ là những nhà giáo hợp đồng.
Điều chua chát là, chị gái của Thu, Nguyễn Thị Hà, hơn cô 2 tuổi, có bằng cử nhân loại giỏi, đồng thời là thạc sĩ sư phạm môn lịch sử, cũng mỏi mòn trên hành trình chờ việc. Hiện, chị Nguyễn Thị Hà đi dạy hợp đồng cho một trung tâm giáo dục thường xuyên tại Hà Nội. Mỗi tiết học được trả tiền 50.000 đồng, một tuần chỉ được dạy vài tiết.
Hôm nay, 20.11, gia đình, người thân gửi lời chúc mừng đến Thu, Hà, hai chị em cô cười mà trong lòng ngậm ngùi. Với Hà, ít nhất chị đã được làm giáo viên đúng nghĩa. Còn Thu, ước mơ được đứng trên bục giảng, cầm phấn trắng với cô đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực.
Chúng tôi hỏi Thu, bây giờ cô còn muốn được làm giáo viên nữa không. Cô gái 26 tuổi cười buồn: “Vẫn còn chứ. Nhưng không đủ dũng cảm để bước qua rào cản kinh tế. Giờ tôi có con rồi, chúng cần một tương lai tốt. Tôi đi dạy thêm vào 2 ngày cuối tuần cho đỡ nhớ nghề, giờ hành chính thì đi làm việc khác, có tiền mà cũng có thời gian dành cho con hơn...”.
20.11 này, còn bao nhiêu thạc sĩ sư phạm ngậm ngùi với nỗi buồn thất nghiệp?

tin liên quan

Đãi ngộ công bằng sẽ xóa áp lực biên chế giáo dục
Lương thấp so với các ngành nghề khác trình độ tương đương nên giáo viên có xu hướng bỏ việc khi tìm được công việc với mức lương và phúc lợi cao hơn. Để giữ chân giáo viên, điều quan trọng không chỉ biên chế mà chính là chế độ đãi ngộ công bằng, đặc biệt cho những người giỏi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.