Nguy hiểm rình rập trẻ mầm non

16/04/2016 05:12 GMT+7

Từng centimet trong các trường mầm non, nếu bất cẩn đều có thể xảy ra tai nạn, gây mất an toàn cho trẻ.

Tai nạn từ đồ chơi
Vào năm 2014, các bậc phụ huynh tại TP.HCM quá sợ hãi trước sự việc một trẻ mầm non ở Q.9 khi tham quan trường tiểu học bị tủ sách đè dẫn đến tử vong.
Chúng tôi từng tận mắt chứng kiến học sinh của một trường mầm non trên đường Nguyễn Trãi (Q.5), trong lúc nô đùa trên sân vấp chân, đập mặt vào các mô hình thân cây làm bằng xi măng khiến trán bị chảy máu phải đưa vào bệnh viện.
Thử đến một số trường mầm non, chúng tôi đều nhận thấy sân chơi của trẻ rất thiếu an toàn. Tại Trường mầm non 5 (trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3), các đồ chơi ngoài trời đều đặt ở vị trí sát tường bao và trên nền xi măng. Trường mầm non Họa Mi 3 (đường An Dương Vương, Q.5) cũng sắp xếp đồ chơi ở những vị trí không đảm bảo an toàn. Những đồ chơi này đặt trên sân gạch, không trải thảm bảo vệ cho học sinh khi vận động và ngay sát đó là các chậu cây cảnh. Ở vị trí này, chỉ cần trượt chân là các bé rất dễ va đầu vào các chậu cây. Ngay tại trường mầm non tọa lạc trên đường Trần Quốc Thảo (Q.3), hầu hết đồ chơi của học sinh đều không trải thảm lót như quy định của ngành giáo dục.
Bà Trần Thị Ngọc Tuyết, Hiệu trưởng Trường mầm non Mặt trời hồng (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), cho rằng với trẻ mầm non điều kiện đảm bảo an toàn phải đặt lên trên hết trong bất cứ hoạt động vui chơi hay sinh hoạt.
Bà Tuyết nhấn mạnh: “Nếu không bao quát và lường trước mọi tình huống thì tai nạn có thể xảy ra từng centimet ở bất cứ vị trí nào trên sân chơi, trong lớp học hay nhà vệ sinh… và gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ”.
Theo quy định của ngành giáo dục, những trò chơi vận động dành cho trẻ như cầu tuột, xích đu, thang dây… nếu không đặt trên cát thì phải trải thảm dưới chân để phòng tránh chấn thương khi vui chơi. Nhưng một hiệu trưởng tại Q.Phú Nhuận cho biết: “Rất ít trường có hố cát, còn nếu có thì làm theo kiểu cho có không đảm bảo độ văng khi trẻ té xuống. Còn thảm cỏ chỉ trải khi có đoàn kiểm tra, sau đó chà rửa cất luôn vì nếu không để ngoài trời sẽ phải vệ sinh thường xuyên”.
Hiểm họa từ ổ điện, giá treo ti vi…
Đề cập đến việc phòng tránh tai nạn cho học sinh, bà Văn Thị Diệu, Hiệu trưởng Trường mầm non 9 (Q.5), chia sẻ: “Không thể lơ là, hời hợt mà phải lưu tâm, lưu ý từ việc mua sắm trang thiết bị, đồ dùng đến sắp xếp vị trí”.
Không chỉ đồng tình với điều này, bà Ngọc Tuyết còn cảnh báo những tình huống dễ gây nguy hiểm. Theo bà Tuyết, các trường phải chú ý từ ổ điện, giá treo ti vi… bởi đã từng xảy ra trường hợp giá treo ti vi bằng sắt sử dụng lâu ngày bị gãy khiến ti vi rơi xuống gây thương tích cho trẻ.
Phụ huynh của một trường mầm non tại Q.5 cũng từng phản ánh trường bố trí tủ sắt đựng đồ của học sinh ở vị trí không hợp lý. Theo phụ huynh này mô tả, tủ đựng đồ có góc cạnh để ngay sát bậc cầu thang, vừa chiếm đường lên xuống và khi trẻ chạy cũng dễ va đập nguy hiểm.
Để trẻ mỗi ngày đến trường là một ngày vui, phụ huynh an tâm khi gửi con đi học cũng như nhà trường không phải ân hận thốt lên 2 từ “giá như”, lãnh đạo Phòng Giáo dục Q.5 chỉ đạo mỗi trường thành lập một bộ phận phụ trách cơ sở vật chất do phó hiệu trưởng hành chính chịu trách nhiệm. Hằng tháng phải có kiểm tra tổng quát, từ tủ đèn đến hệ thống điện… Đồng thời, đội ngũ giáo viên, bảo mẫu nâng cao tinh thần trách nhiệm, cần quan sát hằng ngày, thấy có vấn đề gì phát sinh, ảnh hưởng đến an toàn của học sinh phải báo cáo ngay. Một cán bộ Phòng Giáo dục Q.Tân Bình cho biết sẽ đưa vấn đề này ra cuộc họp giao ban các hiệu trưởng để nhắc nhở và yêu cầu các trường rà soát lại công tác đảm bảo an toàn cho học sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.