Nhiêu khê nhận lại tiền miễn giảm học phí

15/10/2016 04:49 GMT+7

Việc giải quyết chế độ miễn giảm học phí cho học sinh (HS) tốt nghiệp THCS đăng ký học trung cấp còn rất nhiều khó khăn, khiến chủ trương khuyến khích HS theo học nghề gặp trở ngại.

Nghị định 49 (năm 2010) và 74 (năm 2013) của Chính phủ quy định HS tốt nghiệp THCS đi học nghề và TCCN được giảm 50% học phí. Từ năm 2015, sau khi luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, Nghị định 86 quy định từ năm học 2015 - 2016 đến 2020 - 2021, người tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp sẽ được miễn 100% học phí. Chính sách này đưa ra nhằm tăng cường công tác phân luồng, thu hút HS sau lớp 9 đi học nghề.
Thế nhưng, việc thực hiện miễn giảm học phí thời gian qua tại TP.HCM có nhiều bất cập. Bà Lâm Thị Bích Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường TC Kinh tế - kỹ thuật Vạn Tường, cho biết HS tốt nghiệp THCS học ở các trường trung cấp ngoài công lập gặp nhiều khó khăn khi đi làm thủ tục ở các phòng LĐ-TB-XH để nhận lại khoản tiền này. Có nơi bắt chờ đợi rất lâu, có nơi không giải quyết.

tin liên quan

Phụ huynh phản ứng nhiều khoản thu đầu năm học
Nhiều phụ huynh Trường THCS Võ Trường Toản (TT.Dĩ An, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bày tỏ bức xúc về việc nhà trường đưa ra mức phí bình quân 120.000 đồng/học sinh để bù đắp vào khoản tiền mà Ban giám hiệu nhà trường tự lót gạch nền một số phòng học…

Tại Trường TC Bách khoa TP.HCM, mỗi năm có khoảng hơn 200 HS tốt nghiệp THCS theo học. Ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “HS rất mệt mỏi vì phải chờ đợi lâu dù hồ sơ đã đầy đủ. Riêng TP.HCM, các phòng LĐ-TB-XH ở quận, huyện nơi thì nhận hồ sơ nhưng để đó, nơi thì từ chối thẳng. Lý do họ đưa ra là vì phải đợi hướng dẫn riêng của các sở LĐ-TB-XH, GD-ĐT và Tài chính TP.HCM”.
Có năm, ông Sáng phải giả làm phụ huynh đến các phòng LĐ-TB-XH nhiều lần để giúp HS và đưa ra nhiều minh chứng thuyết phục nhân viên phụ trách mới được nộp hồ sơ. Nhưng phải rất lâu sau đó, khi có hướng dẫn của liên sở LĐ-TB-XH, GD-ĐT và Tài chính, HS mới được nhận lại tiền. Tuy nhiên, không ít HS đã ra trường, do phải chờ đợi quá lâu nên cũng bỏ luôn.

tin liên quan

TP.HCM quy định các khoản thu trong trường học
Ngày 21.9, Sở GD-ĐT TP.HCM, và Sở Tài chính đã thống nhất việc hướng dẫn công tác thu, sử dụng học phí và thu khác của các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2016-2017.

Ngày 30.3.2016, liên bộ GD-ĐT, Tài chính và LĐ-TB-XH đã ban hành Thông tư số 9 để hướng dẫn phương thức hỗ trợ người học. HS các tỉnh khác theo học tại Trường TC Bách khoa TP.HCM đều đã nhận được hỗ trợ, riêng HS của TP.HCM vẫn chưa nhận do chưa có hướng dẫn của liên sở.
Ông Phan Anh Nhân, Trưởng phòng LĐ-TB-XH Q.Tân Phú (TP.HCM), nhìn nhận: “Lý do mà HS phải chờ đợi lâu nếu có, vì chúng tôi cũng phải chờ văn bản hướng dẫn riêng của TP. Chẳng hạn Nghị định 86 đã có hướng dẫn liên bộ nhưng liên sở của TP.HCM đến nay vẫn chưa xong. Nếu HS đến trong thời điểm đã có hướng dẫn, hồ sơ đầy đủ thì chúng tôi sẽ chi trả ngay chứ không bắt HS phải đợi lâu”.
Lý giải về vấn đề này, ông Dương Trí Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD-ĐT TP.HCM, nói: “Sở dĩ TP.HCM phải có hướng dẫn riêng về việc miễn giảm học phí cho các đối tượng vì TP có những đặc thù riêng, chỉ số giá riêng... Chúng tôi phải lấy ý kiến của các sở LĐ-TB-XH, Tài chính, sau đó UBND và HĐND duyệt thì mới bắt đầu áp dụng. Nếu HS phải chờ đợi thì chỉ rơi vào năm 2015, khi nghị định cũ (giảm 50%) hết hiệu lực mà nghị định mới (miễn 100%) ra chậm. Chúng tôi phải trình HĐND và UBND tiếp tục sử dụng chế độ miễn giảm này trong năm học 2015 - 2016. Riêng hướng dẫn thực hiện miễn 100% học phí theo Nghị định 86 thì trong tuần tới sẽ hoàn thành”.

Sở dĩ có những khó khăn này là theo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện nghị định 46, 74 và mới nhất là 86 quy định HS các trường ngoài công lập phải ứng tiền đóng học phí trước, sau đó trường xuất hóa đơn, cấp giấy xác nhận để HS nộp về các phòng LĐ-TB-XH địa phương nhận lại số tiền hỗ trợ. Đối với các trường công lập, HS không phải đóng học phí ngay từ đầu. Hiệu trưởng lập danh sách HS tốt nghiệp THCS đang theo học, chuẩn bị hồ sơ theo quy định gửi lên cơ quan quản lý trực tiếp, nhà nước sẽ cấp kinh phí thực hiện trong dự toán ngân sách hằng năm.
Chính vì vậy, có ý kiến đề xuất việc thực thi chính sách phải công bằng, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích cho người học dù là trường công hay tư. Nhà nước nên có cơ chế rót kinh phí trên đầu người để các trường chỉ cần lập danh sách, làm hồ sơ là được cấp mà không phải bắt HS đi nhận lại tiền ở các phòng LĐ-TB-XH.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.