Xuất hiện nhiều nhóm nghề mới
|
|
Theo ông Tuấn, cả 4 xu hướng việc làm này đều tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, điện tử, công nghệ. Trong đó, ngành công nghệ thông tin trong giai đoạn hội nhập có cơ hội phát triển và hình thành một số nhóm nghề mới như bảo mật mạng, lập trình ứng dụng di động, lập trình game, lập trình thiết kế game 3D, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D. Những nhóm nghề này vẫn dựa trên nền tảng của ngành đào tạo là công nghệ thông tin và được phát triển theo hướng chuyên sâu hơn.
Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa nhóm ngành công nghệ và kỹ thuật dẫn đến sự xuất hiện một số nhóm ngành như kỹ thuật thương mại, quản trị viên của các ngành kỹ thuật. Ngoài ra, những ngành như quản trị rủi ro, quản lý chất lượng chuyên ngành công nghiệp - công nghệ kỹ thuật và y tế, quản lý hệ thống thông tin, kế hoạch và dự báo kinh tế - nhân lực - xã hội - kinh doanh, tư vấn tài chính cá nhân, quản lý dự án khoa học môi trường - hàng không, logistic, quản lý văn phòng cao cấp, tư vấn học đường, tâm lý xã hội, tâm lý điều trị bệnh lý... đều xuất phát từ nhu cầu thực tế và hiện nay một số đã được đưa vào thành các môn học và chuyên ngành ở nhiều trường ĐH. Cùng đó, xu hướng ứng dụng các kỹ thuật cao vào y tế cũng hình thành các nhóm ngành mới như quản trị cơ sở dữ liệu ngành y tế, kỹ sư nghiên cứu tế bào gốc, công nghệ y sinh, chuyên viên nghiên cứu các vấn đề về gien...
“Tất cả các nhóm ngành mới này đều đã hoặc sẽ xuất hiện trong giai đoạn 2017 - 2020 và 2025, chú trọng đến tính chuyên sâu, khả năng ứng dụng vào trong thực tiễn hơn là mang tính học thuật”, ông Tuấn chia sẻ.
Phải tăng tốc đào tạo nhân lực chất lượng cao
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Hằng năm, ngay sau tết, các khu chế xuất và công nghiệp tại TP.HCM cần từ 7.000 - 8.000 lao động, trong đó 30% là trình độ ĐH, CĐ và TC. Những ngành tuyển dụng nhiều nhất là điện tử, may mặc và cơ khí. Trong năm 2017 và một vài năm tiếp theo, nhu cầu này tiếp tục tăng mạnh”.
Thế nhưng, theo ông Tùng, hiện nay các cơ sở đào tạo mới chỉ tạm thời đáp ứng được nhu cầu về số lượng, còn chất lượng vẫn chưa thực sự được chú trọng. Bằng chứng là việc cần người nhưng tuyển dụng luôn thiếu do ứng viên không đáp ứng được yêu cầu công việc. Ông Tùng cho rằng: “Nếu các trường ĐH không thay đổi và tăng tốc trong vấn đề đào tạo nhân lực chất lượng cao thì người tốt nghiệp sẽ tiếp tục thất nghiệp và doanh nghiệp lại tiếp tục khan hiếm nhân sự”.
tin liên quan
Cần đến 870.000 người làm trực tiếp trong ngành du lịchHội thảo phát triển nguồn nhân lực du lịch VN chất lượng cao trong thời kỳ hội nhập ASEAN do Hiệp hội Đào tạo du lịch VN phối hợp với Sở Du lịch TP.HCM đã được tổ chức sáng 9.12, tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành của cơ quan tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search, bên cạnh những ngành mũi nhọn như sản xuất, ngân hàng, bán lẻ, công nghệ thông tin vẫn luôn có nhu cầu tuyển dụng liên tục, thì năm 2017 có thể có thêm một số lĩnh vực mới như ngành quảng cáo, truyền thông có khả năng tăng trưởng mạnh sau một loạt thương vụ mua bán và sáp nhập trong năm 2016. Ngoài ra, mảng bảo hiểm phi nhân thọ cũng được dự báo tăng trưởng do các công ty trong ngành này đang giới thiệu nhiều sản phẩm mới trên thị trường, trong đó xuất hiện cả những sản phẩm chưa từng có tại thị trường VN và chưa người VN nào có kinh nghiệm. “Chính vì vậy, việc đào tạo mảng này sẽ có thêm nhiều thử thách mới. Các trường ĐH, CĐ cần nắm bắt nhanh và sâu nhu cầu thực tế để có thể cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội”, bà Mai nêu quan điểm.
Bà Hồ Thị Ánh Tuyết, Trưởng phòng Quan hệ công chúng và doanh nghiệp, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết mỗi năm các doanh nghiệp lớn về sản xuất thường tới trường đề nghị cung cấp hàng ngàn nhân sự, trong đó có các ngành cơ khí chế tạo máy, cơ điện tử, kỹ thuật công nghiệp, điện tử… “Năm nay và những năm tiếp theo, nhu cầu nhân lực các ngành kỹ thuật công nghệ sẽ tiếp tục tăng không chỉ về số lượng mà yêu cầu chất lượng cũng phải được nâng cao. Trước xu hướng này, các trường ĐH sẽ phải đào tạo chuyên sâu không chỉ về chuyên môn mà còn cả về kỹ năng, ngoại ngữ”. Theo bà Tuyết, ngày nay, biết một ngoại ngữ không còn là thế mạnh, mà doanh nghiệp luôn ưu tiên ứng viên ngoài tiếng Anh còn biết thêm cả tiếng Nhật, Hàn, Trung Quốc…
Bình luận (0)