Những lá thư ngoài bậu cửa của học trò

Bích Thanh
Bích Thanh
15/05/2019 17:26 GMT+7

Ngày 15.5, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) đã tổ chức buổi tổng kết dự án dạy học Có thư ngoài bậu cửa và ra mắt tập sách tập hợp 50 lá thư viết bằng tay của học sinh thực hiện khi tham gia dự án này.

Theo đó, dự án dạy học Có thư ngoài bậu cửa do 2 giáo viên của Trường THPT Bùi Thị Xuân là thầy Đỗ Đức Anh và cô Lê Cúc Anh sáng lập, điều hành.

Để tham gia dự án, học sinh sẽ chia theo nhóm, mỗi nhóm khoảng 8-10 em và tự viết những bức thư tay truyền thống bí mật gửi đến những người mình ấn tượng, có nhiều tình cảm hoặc mình ngưỡng mộ. Đó có thể là một người bạn thân, là một giáo viên, là người thân trong gia đình hay chỉ là chú bán kẹo bông, cô bán trà sữa, anh thợ sửa giày...

Thầy Đỗ Đức Anh (áo sọc) cùng học trò gặp gỡ nhân vật Bảo Châu

Từ những lá thư tay được viết rất nắn nót ấy, học sinh bắt đầu chia nhau đi phỏng vấn nhân vật chính trong thư của mình. Sau đó, mỗi nhóm chọn ra một nhân vật tâm đắc nhất, để làm thành những thước phim sống động, chân thật về nhân vật đó.

Bên cạnh đó, mỗi lớp có một Trạm thư chờ ở cửa lớp và trên trang fanpage của dự án để nhận những lá thư chia sẻ của các bạn học sinh muốn gửi gắm đến những người mà mình yêu thương, ngưỡng mộ, quý mến... hay chỉ là những lá thư giãi bày tâm tư tình cảm của mình. Khi có thư, các bạn trong nhóm hồi đáp lại bằng thư tay cho những lá thư gửi đến.

Thầy Đỗ Đức Anh cùng học sinh tham gia dự án đến gặp nhân vật là chú sửa giày Bảo Châu

Là một trong những nhân vật được học sinh gửi thư,  anh Thanh Tuấn, người sửa giày tại một con hẻm ở quận 1, TP.HCM, chia sẻ:“Thực sự rất xúc động và cảm thấy ý nghĩa khi nhận được lá thư của các em học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân gửi. Những gì mà các em viết, gửi gắm sẽ là món quà tinh thần lớn để giúp tôi ngày mỗi cố gắng hơn trong công việc và giúp đỡ được nhiều người hơn nữa”.

Là người sáng lập dự án nhằm mục đích học văn từ cuộc sống, thầy Đỗ Đức Anh chia sẻ: “Hy vọng, qua dự án, học sinh có được những trải nghiệm về cuộc sống, hiểu hơn về hơi thở của xã hội. Từ đó các em sẽ rút ra được bài học cho mình, các em đi để cảm nhận, đi để yêu cuộc đời hơn, để biết san sẻ với những người xung quanh mình hơn…”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.