Nói không với giáo dục áp đặt: Dạy đạo đức theo kiểu mới

03/09/2015 07:35 GMT+7

Nghe nói đến học đạo đức, nhiều học sinh rất sợ. Nhưng có những người thầy xây dựng bài giảng đạo đức khiến học trò rơi nước mắt hoặc đưa ra phương pháp giảng dạy giúp học sinh hứng thú, sáng tạo, chủ động trong học tập, tạo ra nhiều giá trị khác ngoài kiến thức.

Nghe nói đến học đạo đức, nhiều học sinh rất sợ. Nhưng có những người thầy xây dựng bài giảng đạo đức khiến học trò rơi nước mắt hoặc đưa ra phương pháp giảng dạy giúp học sinh hứng thú, sáng tạo, chủ động trong học tập, tạo ra nhiều giá trị khác ngoài kiến thức. 
Tiến sĩ Nguyễn Đông Hải nói chuyện chuyên đề về đạo đức qua kiến thức vật lý - Ảnh: N.Đ.H
Tiến sĩ Nguyễn Đông Hải nói chuyện chuyên đề về đạo đức qua kiến thức vật lý - Ảnh: N.Đ.H
Thông qua kiến thức vật lý
Vật lý là môn khoa học ở lĩnh vực tự nhiên còn đạo đức là một phạm trù chi phối hành vi của con người tưởng chừng không thể gắn liền với nhau. Nhưng tiến sĩ Nguyễn Đông Hải, Khoa Vật lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đã hướng cho những giáo sinh sư phạm dạy đạo đức cho học sinh (HS) từ kiến thức vật lý.
Từ một kiến thức trong bài Cân bằng của vật trên mặt chân đế rằng với cùng mặt chân đế, vật có trọng tâm càng thấp thì càng vững vàng, tiến sĩ Hải liên hệ trọng tâm của vật là điểm đại diện cho toàn bộ vật trong chuyển động và tương tác với các vật khác, nên nó tương tự như bản ngã, cái tôi của mỗi người (là cái đại diện cho mỗi người trong mối quan hệ với những người khác). Vậy người nào càng hạ thấp cái tôi của mình thì càng vững vàng hơn trước những cám dỗ, sóng gió của cuộc đời, như phẩm chất của người quân tử. Ví dụ, người có bản ngã cao thường coi cái tôi này là quan trọng, coi mình cao hơn mọi người, thích hưởng thụ cho bản thân, do đó họ dễ bị cám dỗ bởi tiền tài, danh vọng, sự tôn sùng nịnh hót của người khác và cũng dễ bị sa ngã khi bị hao tổn tiền tài, danh vọng, bị chê bai, gặp những điều trái ý nghịch lòng. Do đó, mỗi người cần ý thức kìm hãm cái tôi của mình.
Tiến sĩ Hải còn xây dựng một tập hợp khoảng 20 chủ đề như tri ân và trưởng thành, lý tưởng tuổi trẻ và trách nhiệm, lời yêu thương… đều bắt đầu bằng kiến thức vật lý để truyền những ý nghĩa giáo dục đạo đức cho HS.
Nhiều sinh viên đã khóc qua những buổi nói chuyện về đạo đức của tiến sĩ Nguyễn Đông Hải - Ảnh: Minh LuânNhiều sinh viên đã khóc qua những buổi nói chuyện về đạo đức của tiến sĩ Nguyễn Đông Hải - Ảnh: Minh Luân
Từ những điều bình dị
Trong quá trình dạy môn đạo đức, giáo viên Trần Tuấn Anh, Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM), thấy sách giáo khoa đơn điệu, bài học khô khan, xa vời, khó hiểu. Phụ huynh và HS lại cho rằng đây là môn học phụ nên ít quan tâm, ít đầu tư thích đáng. Nhiều HS hững hờ, thiếu nghiêm túc đối với môn học này. Phần lớn HS chỉ học tủ, học vẹt, nhằm đối phó với giáo viên…
Để HS hứng thú với môn học, thầy Tuấn Anh đã xây dựng nội dung bài giảng bằng những hình ảnh trực quan sinh động, những câu chuyện có thật gần gũi trong cuộc sống thường ngày… để lay động các giác quan của học trò. Chẳng hạn với chủ đề biết ơn cha mẹ, giờ học của thầy Tuấn Anh đã khiến bao học trò không ngừng rơi nước mắt bắt đầu từ hình ảnh bào thai trong bụng và quá trình phát triển, sự nuôi dưỡng của cha mẹ. Đan xen cùng hình ảnh che nắng cho con, tần tảo kiếm sống… là lời hát ru, những bài hát ca ngợi tình mẫu tử.
Sau tiết học, Hồ Nguyễn Minh Thành, lớp 10C7 Trường THPT Nhân Việt, chia sẻ: “Một giờ đồng hồ ngắn ngủi nhưng em được lắng lòng trong những cảm xúc, thầy cho em hiểu hơn về công ơn của cha mẹ, em biết phải làm gì trong thời gian sắp tới”. Thầy Tuấn Anh thường xuyên đến các trung tâm học tập cộng đồng, các mái ấm, nhà mở để dạy miễn phí cho HS những bài giảng về đạo đức.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, đạo đức - công dân sẽ là một trong 4 môn bắt buộc với các tên gọi khác nhau xuyên suốt các bậc học. Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (TP.HCM), cho biết để trang bị cho HS kỹ năng sống cơ bản giúp vững vàng bước vào đời, có ý thức tổ chức kỷ luật, có thái độ đúng đắn trong nhận thức là trách nhiệm không của riêng bộ môn nào.
Tiến sĩ Nguyễn Đông Hải cho rằng mọi người thường nghĩ đến việc tích hợp các môn có liên quan với nhau như lý - hóa - sinh - công nghệ hay sử - địa..., ít ai nghĩ đến sự tích hợp giáo dục đạo đức vào các môn khác như vật lý chẳng hạn. Thật ra, giáo dục đạo đức cho HS phải là nhiệm vụ của mọi giáo viên chứ không riêng của chủ nhiệm hay bộ môn giáo dục công dân.
Chuyển từ dạy sang cách giải quyết vấn đề
Ông Phạm Ngọc Tiến, Phó phòng Giáo dục THPT Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng giáo viên cần xây dựng một phương pháp dạy học tích cực. Mục tiêu chuyển từ trọng tâm trang bị tri thức sang rèn luyện năng lực vận dụng thực tiễn cho HS. Chuyển từ dạy HS học sang dạy HS cách học, cách giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Ông Tiến cho rằng nếu giáo viên biết "giao việc" cho HS thì dù là HS yếu cũng có thể gợi được không khí học tập chủ động.
Nhiều giáo viên dạy toán cho rằng muốn vực dậy đam mê, sáng tạo, bản lĩnh nơi HS trước hết cần xác định 2 yếu tố chính là tư duy và kỹ năng. HS khá, giỏi thì chú trọng tư duy còn HS trung bình và yếu cần coi trọng kỹ năng. Để tạo sự thích thú, kích thích đam mê toán học, cần đặt HS vào tình huống để "nảy sinh phương pháp". Nghĩa là trên cơ sở của bài học lý thuyết, giáo viên đặt ra vấn đề có bao nhiêu cách giải, HS tự tìm ra cách giải riêng cho mình.
Theo các giáo viên dạy hóa, để tạo hứng thú cho HS, cần kéo môn hóa về gần với cuộc sống hơn. Như tổ chức các cuộc thi hóa học vui; vận dụng bài học vào các trò giải trí (ảo thuật); các bài tập ứng dụng yêu cầu tổ chức sản xuất nhỏ những sản phẩm có giá trị sử dụng hằng ngày...
Trần Ngọc Tuấn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.