'Nói Việt Nam là một trong 10 nền giáo dục hàng đầu thế giới thì thật khó hiểu'

Hà Ánh
Hà Ánh
02/05/2019 19:53 GMT+7

Thông tin Việt Nam là một trong 10 nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới là nội dung gây nhiều tranh cãi trong buổi tọa đàm về Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số diễn ra tại Trường ĐH Sài Gòn hôm nay 2.5.

Chiều 2.5, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức toạ đàm Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số tại Trường ĐH Sài Gòn. Tham dự có lãnh đạo nhiều trường ĐH và phổ thông trên địa bàn.

"Giáo dục Việt Nam đang kém nhất thế giới"

Phát biểu tại tọa đàm, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, báo cáo kinh tế xã hội của Bộ Kế hoạch Đầu tư gửi Ủy ban kinh tế Quốc hội có nội dung Việt Nam là một trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới.
Trước thông tin này, hiệu trưởng một trường ĐH có mặt trong tọa đàm nói ngay: “Giáo dục Việt Nam đang kém nhất thế giới chứ không phải hàng đầu thế giới”.
“Thực trạng giáo dục nước ta hiện nay đang kém nhất thế giới, nếu chúng ta không kịp thay đổi trong 5 năm nữa thì mình tiếp tục thua kém thế giới cả 10 lần”, vị hiệu trưởng nhấn mạnh. 

Còn GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, chuyên gia văn hóa học và ngôn ngữ học, nêu quan điểm: “Nếu nói giáo dục Việt Nam là một trong 10 nền giáo dục tệ nhất thế giới thì còn có thể hiểu được, còn là một trong 10 nền giáo dục hàng đầu thế giới thì thật khó hiểu”.

Giáo dục Việt Nam đang theo kiểu đối phó

Phát biểu tại tọa đàm, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng giáo dục Việt Nam đang theo kiểu đối phó. 

Ông Thêm phân tích: “Trường học đối phó, nhờ đối phó mà chúng ta có kết quả PISA rất cao. Hiện chúng ta kiểm định chất lượng, dù biết kết quả ra sao nhưng tất cả đều qua hết. Có những trường, người học gần như bị lừa vì khi vào học thấy rất tệ”.

 
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm trao đổi tại hội thảo Bảo Hân
 

Cũng theo ông Thêm, nhiều trường đang phải loay hoay trong xây dựng chương trình, thay vì sắp xếp những môn học chung ở năm đầu tiên nhưng điều này sẽ khiến sinh viên bỏ học hàng loạt vì chán nản. Cuối cùng, có trường đối phó bằng cách sắp xếp những môn học chung vào học kỳ cuối cùng, đẩy những môn học hấp dẫn cho năm đầu tiên.


“Kể cả bài báo quốc tế cũng đối phó nốt, mà điều này chúng ta ngồi đây đều biết hết”, ông Thêm nói.

Theo ông Thêm, vấn đề cần bắt đầu ở đây là từ con người, trong đó cần xem lại hệ giá trị hướng đến cái gì. “Giáo dục phải hướng đến chất lượng thực sự chứ không phải hướng đến tiền, thành tích, không phải đối phó”, ông Thêm nói.

Công nghệ không thể thay thế giáo viên

 
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết từ năm 2009 Nhật Bản đưa robot dạy tiếng Anh trong nhà trường, Phần Lan tháng 3 vừa rồi cũng đưa robot dạy các thứ tiếng như tiếng Anh, Phần Lan và tiếng Đức ở trường phổ thông. Trong chương trình thời sự hôm qua cũng có thấy xuất hiện người dẫn chương trình là robot. Theo ông Hồng, sự tham gia của công nghệ vào việc giảng dạy không tránh khỏi nhưng vai trò của giáo viên sẽ không thể thay thế được, đặc biệt ở bậc tiểu học.
“CNTT làm giảm sự giao tiếp của con người, đề nghị có nghiên cứu thật tốt về trường phổ thông cần làm gì để con người giao tiếp với nhau. Con người khi giao tiếp trực tiếp cảm xúc hơn nhiều, mà trường học mất đi giao tiếp thì nguy hiểm”, ông Hồng tâm tư.
PGS-TS Trần Minh Triết, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng cần có sự liên kết đào tạo giữa các ngành, môn học với nhau.
Cụ thể là khuyến khích cách tiếp cận theo từng nhóm khác nhau, ví dụ sinh viên định hướng nghiên cứu, khởi nghiệp… để cá thể và chuyên biệt hóa từng người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.