“Mấy hôm nay trời mưa, đường trơn nên phải dậy sớm hơn một chút để kịp đưa các em đến lớp”, thầy Phạm Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Đăk Roong (H.K’Bang, Gia Lai) nói.
Tìm trò để đưa đến lớp lúc... 3 giờ sáng - Ảnh: Trần Hiếu |
Các thầy cô ở đây dậy từ 2 giờ sáng, vượt hơn chục cây số đường rừng, đến từng nhà chở học sinh đến lớp.
Khoác vội tấm áo ấm để sẵn đầu giường, thầy Tuấn gọi một số thầy cô thức giấc, chuẩn bị đến các làng đón học sinh (HS). Chúng tôi cùng các thầy cô giáo dắt xe máy “xé” màn sương buốt giá, chạy lên những con đường gồ ghề đến với các làng bản địa.
Đỏ mắt tìm trò
Đi hơn 10 cây số đường rừng, chúng tôi mới đến được làng Đăk Hro, xã Đăk Roong. Vượt lên con dốc cao, trơn trượt là nhà của HS Đinh Văn Eu. Cả nhà Eu đang ngủ say. Thầy Nguyễn Văn Linh bước khẽ lay vai anh Đinh Văn Khai, bố của Eu, hỏi. “Nó đi ngủ đâu rồi, mình không biết”, anh Khai hồn nhiên trả lời.
Chúng tôi lại phải đến nhà khác gọi HS. Một em trong nhóm cho biết Eu đi lên nhà đầm (nhà dựng ở trên rẫy). Vậy là vượt thêm một con dốc lởm chởm đá để đến ngôi nhà đầm. Ở đó, Eu đang ngủ với 2 người trong làng. Bộ áo quần màu trắng đến lớp loang lổ màu bụi đất. Eu mở mắt trong cơn ngái ngủ khi thầy Linh lay rồi bước ra khỏi nhà đầm lên xe máy đợi sẵn để đến trường. Lúc đó mới hơn 3 giờ sáng. Cô Hoàng Thị Kim Oanh, người có hơn 3 năm dạy học ở đây, bước lên nhà sàn gọi em Đinh Thị Huey đến lớp. Cô Oanh vỗ nhẹ vào vai Huey: “Huey, dậy đi học nào!”. Đã quen với thanh âm này, chỉ nghe gọi đến lần thứ hai, Huey đã ngồi bật dậy, vơ vội đôi dép theo cô bước ra ngoài. Cô Giang với lấy tấm áo ấm mặc vào cho Huey. Hai cô trò lặng lẽ bước xuống nhà sàn lên xe vượt rừng về trường. Lúc này, cả nhà Huey đang say giấc. Mất hơn một giờ, các thầy cô mới tập hợp đủ gần 10 HS để đến lớp.
“Muốn học sinh không thất học, chỉ còn cách đó”
“Đây là các HS lớp 1 của trường. Nếu không đón sớm như vậy, khoảng 5 giờ sáng là các em theo bố mẹ ra rừng, lên rẫy. Lúc đó có tìm cũng chả ra. Cuộc sống ở đây còn rất nhiều khó khăn. Người dân còn nặng gánh mưu sinh nên việc học của con cái chưa được chú trọng. Các em được chúng tôi đón về giờ đó, rồi cho các em ngủ chờ trời sáng, vệ sinh cho các em, cho ăn sáng rồi lên lớp. Chúng tôi đã làm việc này từ nhiều năm. Nếu muốn HS ra lớp đầy đủ, giúp các em không lâm cảnh thất học thì chỉ còn cách đó thôi”, thầy Linh giãi bày.
Chỉ tay vào ngầm nước lút nửa bánh xe máy, thầy Tuấn nói vào mùa mưa, có khi HS phải ở lại trường vì nước suối lên nhanh, không thể qua được. Lần lượt cứ 3 - 4 HS được các thầy cô đưa ra trường. Cứ mỗi 3 - 4 hôm, các em lại được về nhà. Chuyện trượt ngã xe đối với những thầy cô giáo nơi đây là chuyện thường tình bởi nhiều đoạn đường chỉ một chiếc xe đi lọt. Vào mùa mưa, đường bùn đất trơn nhẫy. Chỉ sơ suất chạy nhanh hơn bình thường rồi phanh gấp là cả xe lẫn người bị trượt vào bụi cây.
Thầy Tuấn cho biết: “Xã có 14 thôn làng nằm rải rác ở các cung đường dọc bìa rừng, khe suối, đa số là người bản địa Bahnar. Đây là một trong những xã đặc biệt khó khăn của H.K’Bang. Nhà các em đông người, đa số trong diện nghèo nên việc học của các em ít được chú trọng. Lắm khi chúng tôi đến tận nhà tìm các em lúc 3 - 4 giờ sáng, nhiều gia đình không biết con mình ngủ ở đâu. Chúng tôi lại tự đi tìm để kịp đưa các em về đúng giờ học. Nhiều em khoảng 5 giờ sáng là theo bố mẹ lên rẫy, bỏ đi chơi cả ngày. Lúc đó tìm các em chả khác nào mò kim đáy bể…”.
Đi học được ăn ngon hơn ở nhà !
Cứ đến chiều thứ sáu, những HS ở xa được các thầy cô chở về nhà. Toàn bộ tiền xăng xe các thầy cô trong trường tự nguyện bỏ tiền túi ra lo cho HS. Rồi cứ chiều chủ nhật các thầy cô phải tranh thủ có mặt tại trường để chuẩn bị những cuốc xe đêm “hộ tống” HS đến lớp. Mỗi lần HS bệnh, thầy cô lại phải thức canh. Ngôi trường nằm lọt thỏm trong một thung sâu đại ngàn hơn 5 năm thành lập là một nơi rất đẹp. Toàn bộ nơi sinh hoạt tập thể của HS được dựng trụ, lợp tôn chắc chắn, đảm bảo che nắng mưa. Trường còn có một sân bóng bằng cỏ nhân tạo. Trường không hề có rác xả bừa bãi vì HS được dạy phải bỏ rác đúng chỗ và dọn vệ sinh thường xuyên.
Đinh Thị Hay, ở làng Đăk Trum, xã Đăk Roong, HS lớp 5 của trường, nói: “Em thích đi học hơn thích đi nhà đầm, đi học vui có nhiều bạn, có thầy cô chăm sóc, được ăn ngon hơn ở nhà! Thầy cô dạy chúng em cách gấp chăn màn khi ngủ dậy, cách đi vệ sinh sạch sẽ, cách cầm đũa ăn. Mỗi tối thầy cô còn hướng dẫn thêm cho các bạn chưa hiểu bài”.
|
Bình luận (0)