Phó giáo sư trẻ nhất Võ Hoàng Hưng: Lớp 11 đứng nhất kỳ thi toán lớp 12

Hà Ánh
Hà Ánh
13/02/2021 09:28 GMT+7

Võ Hoàng Hưng (34 tuổi) là một trong 4 phó giáo sư trẻ nhất được công nhận năm 2020. Anh được biết đến với nhiều thành tích vượt trội trong toán học.

Lớp 3 giải được toán lớp 5

Trong số hơn 300 ứng viên phó giáo sư đạt đủ phiếu tín nhiệm được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố năm 2020, Võ Hoàng Hưng, giảng viên Trường ĐH Sài Gòn, là một trong 4 phó giáo sư trẻ nhất cùng sinh năm 1987.
Ngay từ nhỏ Hưng đã bộc lộ những năng khiếu toán học đặc biệt.Từ khi còn là học sinh lớp 3, Hưng đã giải được những bài toán lớp 5 khiến thầy giáo phải bất ngờ. Suốt các năm THCS và THPT, Hưng luôn là một trong các học sinh đứng đầu lớp môn toán. Khi học lớp 10, Hưng đạt huy chương vàng kỳ thi Olympic 30/4 dù trước ngày thi bị tai nạn gãy tay. Tiếp tục năm lớp 11, Hưng tham dự kỳ thi học sinh giỏi ĐBSCL - kỳ thi dành cho học sinh lớp 12 nhưng cậu học trò lớp 11 này vẫn được hạng nhất.

PGS Võ Hoàng Hưng (ngồi) trao đổi thông tin với các cộng sự

Hà Ánh

Tiếp tục với những thành tích vượt trội, năm lớp 12 cậu học trò Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (Cần Thơ) tiếp tục giành được giải 3 kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn toán. Giải quốc gia này của Hưng cũng một lần nữa trở nên rất đặc biệt khi mà suốt 10 năm liên tục trước đó Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng  chưa có học sinh đoạt giải kỳ thi này.
Với giải toán quốc gia đạt được, Hưng đã đăng ký và được tuyển thẳng vào ngành toán-tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Cùng năm ấy, Hưng cũng đã dự thi đại học và trúng tuyến ngành xây dựng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
"Mình có chút đắn đo khi đứng trước 2 lựa chọn học ĐH. Cuối cùng mình đã chọn học toán đúng như lời khuyên của thầy giáo dạy chuyên toán mình - học toán và làm nghiên cứu khoa học để giúp ích cho nhiều người hơn", PGS trẻ kể lại.

PGS trẻ nhất năm 2020 trao đổi với phóng viên

Hà Ánh

Và đúng như lựa chọn ấy, với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi hệ cử nhân tài năng, Hưng là một trong số 8 sinh viên theo hướng giải tích được giữ lại làm trợ giảng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Rồi tại chính ngôi trường này, anh tiếp tục hoàn thành chương trình thạc sĩ tài năng Việt-Pháp của ĐH Quốc gia TP.HCM chuyên ngành toán giải tích. Đáng nói, thời gian hoàn tất chương trình cao học này chỉ hơn một năm.

Học tiến sĩ nhận lương 2.500 euro/ tháng

Năm 2011, thạc sĩ Võ Hoàng Hưng quyết định dừng công việc hiện tại để tập trung cho việc học cao hơn ở nước ngoài. Với hồ sơ có nhiều điểm vượt trội của mình, anh đã nhận được 3 học bổng cùng lúc để học lên tiến sĩ. Cuối cùng, anh chọn chương trình học bổng Marie Curie của ĐH Paris VI (Pháp) để theo học đúng chuyên ngành yêu thích của mình là toán giải tích và phương trình đạo hàm riêng. Với học bổng toàn phần này, anh được trả mức lương nghiên cứu sinh lên tới 2.500 euro/ tháng (tương đương trên 60 triệu đồng).
"Ở lại hay về nước là câu hỏi mình khá trăn trở sau khi hoàn thành tiến sĩ. Nhưng mình quyết định từ chối các học bổng sau tiến sĩ để về nước, tiếp tục nghiên cứu toán học theo hướng mà mình đã được học", Hưng cho biết. Đến thời điểm này, PGS trẻ là một trong những người đầu tiên theo đuổi hướng nghiên cứu phương trình đạo hàm riêng có ứng dụng trong sinh học tại Việt Nam.

Tiến sĩ ngành toán  từng từ chối ba học bổng nghiên cứu sinh tại châu Âu để được học với GS Henri Berestycki về phương trình đạo hàm riêng

Hà Ánh

Năm 2015, anh trở về nước làm việc, công tác tại nhiều nơi, và cuối cùng anh chọn Trường ĐH Sài Gòn làm nơi làm việc, giảng dạy và nghiên cứu toán học từ năm 2018 đến nay trong vai trò một giảng viên.
Tài sản nghiên cứu khoa học của PGS Hưng đến thời điểm này là 14 công bố được đăng trên tạp chí quốc tế. Đáng chú ý trong số này có trên 10 bài thuộc danh mục tạp chí ISI uy tín của Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Các bài báo khoa học của anh đều tập trung theo 2 hướng: phát triển lý thuyết phổ cho toán tử không địa phương và bài toán tiến hóa với các phương trình đạo hàm riêng có ứng dụng trong sinh học.
Bên cạnh đó, Hưng cũng được mời báo cáo tại các hội nghị uy tín quốc tế và trong nước, có thể kể đến như: Hội nghị quốc tế về động lực học của các dạng toán tử không địa phương tại Trung Quốc (năm 2018), Đại hội toán học Việt Nam lần 9 (20180, hội nghị toán học Việt-Mỹ (2019). Đặc biệt, anh còn được Viện nghiên cứu cao cấp về toán mời dạy phương trình đạo hàm riêng.
Chia sẻ về hướng đi sắp tới, PGS trẻ này cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu về phương trình đạo hàm riêng có ứng dụng trong sinh học ngay tại Việt Nam. Ví dụ xây dựng các mô hình toán học bằng phương trình đạo hàm riêng để dự đoán sự lây lan của dịch bệnh như các mô hình về bệnh dịch tả, bệnh sốt xuất huyết và một số mô hình động học dân số mô tả sự phát triển của sinh vật dưới tác động của biến đổi khí hậu,…,
Thời gian này, nhóm nghiên cứu của Hưng vẫn miệt mài trong phòng làm việc dành cho nhóm nghiên cứu tại Trường ĐH Sài Gòn. Từ ngày về nước, tiến sĩ toán học tốt nghiệp từ ĐH Paris VI của Pháp này miệt mài với công việc chính của một giảng viên: dạy học và nghiên cứu.
Khi được hỏi về triết lý nghiên cứu toán học của mình, Phó giáo sư trẻ nhất năm 2020 trả lời: "Nghiên cứu toán học cần phải được gắn liền với giảng dạy và có thể áp dụng vào cuộc sống".
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.