Sao không minh bạch thông tin?

24/09/2016 09:12 GMT+7

Mấy ngày qua, dư luận ồn ào quanh chuyện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 giai đoạn tiếp theo sẽ thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung như ngoại ngữ thứ nhất.

Thôi thì đủ loại ý kiến, biết bao bình luận xoay quanh chuyện tại sao chọn tiếng Nga, tiếng Trung, có phù hợp không? Thậm chí có ý kiến sẽ cho con nghỉ học nếu trường thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung. Trong những lúc thông tin nhiễu loạn như thế này, đặc biệt trên các trang mạng xã hội, người dân cần có những thông tin chính thống, giải thích rõ ràng của tổ chức có trách nhiệm, ở đây là Bộ GD-ĐT.
Thế nhưng mấy ngày trôi qua, mặc dư luận xôn xao, mặc người dân chờ đợi, Bộ GD-ĐT vẫn im hơi lặng tiếng như là chuyện của ai khác. Ngay cả khi phóng viên đặt những câu hỏi này cho Bộ thì cũng một hai hôm sau mới nhận được câu trả lời từ một… thông cáo báo chí. Mà những giải thích đó cũng chẳng giải đáp được băn khoăn của xã hội, không phải là một câu trả lời đi thẳng vào vấn đề. Vẫn là trích dẫn quyết định này, quy định nọ hết sức cẩn trọng nhưng lại không có thông tin nào cần thiết, đáp ứng mong chờ của dư luận.
Xã hội đang muốn biết trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới cùng với điều kiện về giáo viên, các phương tiện giảng dạy, học tập, kinh phí, nhu cầu của xã hội... thì tại sao chọn ngôn ngữ này làm ngoại ngữ 1, ngôn ngữ kia làm ngoại ngữ 2? Làm sao để khi thực hiện dạy và học các ngoại ngữ này phải đạt được những hiệu quả nhất định chứ không như kiểu "cưỡi ngựa xem hoa", làm cho có hoặc đi vào vết xe đổ của tiếng Anh trong thời gian qua... Nhưng giải thích của Bộ thì quá “an toàn”!
Chưa kể những câu hỏi khác về giai đoạn tiếp theo của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 vẫn không có câu trả lời. Chẳng hạn như có phải đề án sẽ kéo dài đến năm 2025? Tại sao? Có phải bổ sung thêm kinh phí cho một đề án tiêu tốn gần 10.000 tỉ đồng?
Thật ra, đây không phải lần đầu tiên Bộ GD-ĐT né tránh những vấn đề dư luận đặt ra. Năm 2015, khi giới sử học lên tiếng phản đối chương trình giáo dục phổ thông mới đưa phương án tích hợp môn sử vào các môn khác, trả lời chất vấn trước Quốc hội vào kỳ họp tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lúc bấy giờ là ông Phạm Vũ Luận cũng giải thích lòng vòng, không đi trực tiếp vào câu hỏi của đại biểu. Rồi cuối cùng cho biết sẽ hội thảo với Ban Tuyên giáo T.Ư, Hội đồng lý luận T.Ư... báo cáo với Thủ tướng vì đây là một việc hết sức hệ trọng...
Trước đó, năm 2014, dư luận bất bình khi Bộ GD-ĐT dự tính kinh phí cho đề án chương trình, sách giáo khoa mới lên đến trên 34.000 tỉ đồng thì lãnh đạo bộ này cũng giải thích vòng vo khiến xã hội càng hoang mang.
Tại sao không chủ động đưa ra thông tin chuẩn xác, giải thích rõ ràng trước những vấn đề xã hội quan tâm? Việc làm này không những giúp người dân an tâm mà còn tạo niềm tin để trong những trường hợp nhiễu thông tin người dân biết cần phải dựa vào nguồn nào đáng tin cậy. Việc này không khó, nhưng sao các cơ quan chức năng lại hay tìm cách đùn đẩy, không chịu minh bạch thông tin để dư luận cứ mãi ngờ vực rằng chắc có chuyện gì không rõ ràng?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.