Trường đào tạo chuyên nghiệp phải có đồng phục!
Vừa qua câu chuyện nên hay không nên mặc đồng phục dấy lên ở Khoa Quản trị du lịch nhà hàng - khách sạn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Tiến sĩ Nguyễn Quyết Thắng, Trưởng khoa, khẳng định: “Không có trường đào tạo chuyên nghiệp về du lịch nào trên thế giới mà không có đồng phục cho sinh viên (SV) cả!”. Theo ông Thắng, một lý do nữa để quyết định áp dụng đồng phục là một số SV phản ánh muốn có đồng phục để đi thực tập.
Còn tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Việc trang bị đồng phục là tùy sự thống nhất giữa SV và quản lý các khoa, trường không can thiệp. Trang bị đồng phục thế nào tùy vào chuyên ngành học. Đặc biệt những ngành liên quan đến dịch vụ thường đòi hỏi khắt khe về trang phục khi đi làm nhất. Vì vậy, ngành du lịch tới năm thứ hai đi thực tập thì năm nhất khoa cũng đề xuất trang bị đồng phục để phục vụ về nghiệp vụ. Đồng phục của khoa này là nữ mặc váy - áo sơ mi thắt nơ, nam mặc quần tây - áo sơ mi, đeo cà vạt. Khoa kế toán thì mặc áo dài. Những trang phục, mẫu mã thường do SV quyết định”.
Điều này cũng diễn ra ở một số trường khác. Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết trường không quy định đồng phục chung. Tuy nhiên, với ý kiến của SV, mỗi khoa sẽ theo đó thiết kế đồng phục riêng.
|
Hiện nay, vẫn có trường quy định đồng phục chung cho tất cả SV mặc vào các ngày cố định trong tuần. Trường từng có tranh cãi nhiều nhất suốt những năm qua là Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Cho đến giờ, trường này vẫn quy định SV mặc đồng phục vào ngày thứ hai và thứ năm hằng tuần: nam mặc quần tây, sơ mi trắng, nữ mặc áo dài hồng. Năm 2015, trường còn phạt lao động công ích đối với những SV không chấp hành quy định, gây ra nhiều phản đối. Lãnh đạo trường này cho biết đây là một trong những quy định áp dụng trong trường để SV có ý thức kỷ luật, giúp ích khi ra trường làm việc.
Mới đây nhất, một SV vừa tốt nghiệp trường này tâm sự trên diễn đàn của SV: “Nhắc đến Trường ĐH Tôn Đức Thắng là nhắc đến kỷ luật thép. Mang dép lào, không “đóng thùng”, không mặc trang phục truyền thống, không đeo bảng tên và muôn vàn nội quy khác. Nếu không chấp hành thì từ nhắc nhở, phê bình, nghiêm khắc phê bình, cảnh cáo đến cho nghỉ học vô thời hạn”.
Ngoại trừ các ngày mặc đồng phục, những ngày khác SV được mặc áo thun đi học cho thoải mái nhưng áo phải bỏ trong quần! “Con gái ngày thứ hai và thứ năm phải mặc áo dài... Ngày thường thì chẳng sao chứ ngày mưa quá hay nắng quá thì thật là một cực hình...”, SV này viết.
Cẩm nang SV Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng quy định SV mặc đồng phục vào thứ hai và thứ sáu hằng tuần. Tùy vào số lần SV vi phạm, trường sẽ có hình thức xử lý kỷ luật. Theo lãnh đạo nhà trường, quy định này bắt nguồn từ việc ký túc xá ở ngay trong khuôn viên trường nên nhiều SV mặc cả áo ngủ, đi dép lê đến lớp. Trường ra văn bản để chấn chỉnh kỷ cương. Đến nay, quy định này vẫn còn tồn tại.
Không đồng phục để tạo cảm giác thoải mái cho SV
Trong khi đó, nhiều trường không bắt buộc SV mặc đồng phục. Chẳng hạn, Trường ĐH Thủ Dầu Một quy định rõ SV mặc trang phục lịch sự, gọn gàng, phù hợp thuần phong mỹ tục, môi trường giáo dục và giới tính (trừ SV ngành sư phạm nam mặc quần tây, áo sơ mi trắng, nữ mặc áo dài vào thứ hai hằng tuần).
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM không quy định đồng phục đi học cho SV. Lãnh đạo trường này cho biết: “Hiện nay, hầu hết các trường ĐH trên thế giới đều không bắt SV phải mặc đồng phục khi tới giảng đường. Nhà trường muốn tạo cho các bạn cảm giác thoải mái nhất khi đi học. Trường cũng đã có thông báo là SV phải mặc trang phục lịch sự, phù hợp với môi trường giáo dục. Việc mặc trang phục thế nào cho phù hợp cũng là cách rèn luyện nhận thức của SV”.
|
Bình luận (0)