SV Duy Tân giành Á quân khu vực Đông Á Cuộc thi 'Go Green in the City'

02/07/2016 23:00 GMT+7

Vượt qua nhiều đội mạnh đến từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore... hai sinh viên của ĐH Duy Tân là Nguyễn Công Đức, Huỳnh Minh Trang đã giành giải Á quân khu vực Đông Á cuộc thi Go Green in the City 2016.

Cuộc thi do Tập đoàn năng lượng toàn cầu Schneider tổ chức, diễn ra vào ngày 10.6 vừa qua.
Tại vòng Chung kết khu vực Đông Á & Nhật Bản (East Asia & Japan) cuộc thi Go Green in the City 2016, giải pháp “Hệ thống nuôi tôm sạch không thay nước” của đội tuyển ĐH Duy Tân (nhà Vô địch cuộc thi năm nay tại Việt Nam), đã được Hội đồng Ban Giám khảo đánh giá rất cao bởi tính khả thi và thực tế.
Với việc tích hợp có hiệu quả các công nghệ tiên tiến là công nghệ vi sinh, công nghệ tự động hóa và kỹ thuật lưu trữ điện toán đám mây, sinh viên ĐH Duy Tân không chỉ xây dựng được một giải pháp nuôi tôm thông minh, thân thiện với môi trường mà còn giải quyết được những bài toán “khó” về tài chính, giúp tiết kiệm năng lượng và góp phần nâng cao hiệu suất lao động của bà con nông dân nuôi tôm.
Với giải pháp “Hệ thống nuôi tôm sạch không thay nước”, sinh viên ĐH Duy Tân đã giải quyết được những vấn đề nan giải thường gặp phải trong suốt quá trình nuôi tôm.
Với giải pháp “Hệ thống nuôi tôm sạch không thay nước”, sinh viên ĐH Duy Tân đã giải quyết được những vấn đề nan giải thường gặp phải trong suốt quá trình nuôi tôm

“Hệ thống nuôi tôm sạch không thay nước” là dự án đầy tâm huyết được thực hiện bởi Nguyễn Công Đức, sinh viên Khoa Dược và Huỳnh Minh Trang, sinh viên Khoa Đào tạo quốc tế của ĐH Duy Tân.
Qua quá trình khảo sát thực tế tại vùng nuôi tôm Trường Định (TP.Đà Nẵng) và Núi Thành (Quảng Nam), Nguyễn Công Đức cùng Huỳnh Minh Trang đã hiểu được những vấn đề “nan giải” mà người nông dân gặp phải trong việc nuôi tôm. Trong đó phải kể đến là việc thiếu hụt phương tiện xử lý nước thải trong hệ thống nuôi tôm, gây ô nhiễm môi trường khi nước thải được thải trực tiếp ra ngoài, khó lòng kiểm soát được dịch bệnh khiến sản lượng cũng như chất lượng tôm nuôi bị giảm sút, đồng thời gây tình trạng lãng phí thức ăn nuôi tôm.
Bằng phương pháp nuôi cấy vi sinh phát triển tự nhiên trong các ao/hồ nuôi tôm, Công Đức và Minh Trang đã thành công trong việc giải quyết những vấn đề trên.
Theo đó, vi sinh được thả trong ao/hồ nuôi tôm sẽ sử dụng nitơ và cacbon từ thức ăn thừa cũng như các chất thải của tôm nuôi để tổng hợp nên sinh khối của chúng. Qua quá trình đó, vi sinh sẽ thực hiện nhiệm vụ làm sạch nước cho ao/hồ và người nông dân không cần thay nước hay tốn thêm chi phí xử lý ao/hồ mà chỉ cần bổ sung lượng nước đã bị bốc hơi do thời tiết.
Điều này vừa giúp bảo vệ môi trường bởi hạn chế được việc xả thải ra ngoài, đồng thời tiết kiệm được 70% đến 80% chi phí về điện nước, giảm thiểu bệnh tật mà không cần sử dụng kháng sinh cho tôm nuôi giúp nâng cao năng suất cũng như chất lượng tôm nuôi.
Với kỹ năng trình bày bằng tiếng Anh lưu loát, sinh viên Duy Tân tự tin tranh tài cùng bạn bè quốc tế tại Vòng chung kết Đông Á & Nhật Bản
Với kỹ năng trình bày bằng tiếng Anh lưu loát, sinh viên Duy Tân tự tin tranh tài cùng bạn bè quốc tế tại Vòng chung kết Đông Á & Nhật Bản

Bên cạnh đó, bản thân vi sinh cũng trở thành nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho tôm nuôi giúp người nuôi tôm tiết kiệm được chi phí thức ăn và lượng vi sinh dư thừa sau mỗi vụ có thể được tận dụng để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm hay làm phân bón cho cây trồng.
Ngoài ra, Công Đức và Minh Trang đã tích hợp thành công hệ thống quan trắc cùng điều khiển tự động vào trong tổng hệ thống nuôi tôm để người nông dân có thể giám sát quá trình nuôi thông qua phần mềm được cài đặt sẵn trên thiết bị di động cho phép việc tự động cho ăn, quạt nước để cung cấp oxy hay gửi thông báo khi có sự cố bất ngờ, giúp người nông dân có các xử lý một cách kịp thời.
Sinh viên Nguyễn Công Đức cho biết: “Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều công nghệ và giải pháp được đưa ra nhằm hỗ trợ người nông dân giải quyết những vấn đề khó khăn gặp phải khi nuôi tôm. Tuy nhiên, những giải pháp đó vẫn chưa được áp dụng rộng rãi bởi cần đầu tư nhiều vốn, xây dựng thêm các hệ thống phụ và đòi hỏi người nông dân phải có một trình độ kiến thức nhất định để sử dụng hiệu quả các giải pháp đó. Bởi vậy, thông qua giải pháp ‘Hệ thống nuôi tôm sạch không thay nước’, chúng em muốn mang đến một mô hình nuôi tôm bền vững với chi phí hợp lý và có thể áp dụng được ngay lên hệ thống sẵn có của người nông dân. Giải pháp này thích hợp với mọi mô hình nuôi tôm quy mô nhỏ, vừa, lớn và cả những mô trình trang trại Vườn-Ao-Chuồng, giúp người nông dân cho ra những nông phẩm có chất lượng nhất và thu được lợi nhuận tối ưu nhất”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.