Đây là thực trạng đang diễn ra tại nhiều trường nghề ở VN nên cần tái cấu trúc hệ thống để nâng cao chất lượng.
Tại hội thảo “Các giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng dạy nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế” do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức vào cuối tuần qua, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết mặc dù bộ này đã đưa dạy nghề vượt qua giai đoạn suy giảm nghiêm trọng, phục hồi và có bước phát triển mới nhưng công tác dạy nghề vẫn còn những hạn chế và bất cập.
“Chất lượng dạy nghề dù được nâng cao nhưng phần nào vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động về tay nghề, các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm... Các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề còn bất cập; giáo viên còn hạn chế về kỹ năng nghề; chương trình ít được cập nhật, bổ sung theo sự phát triển của khoa học công nghệ; sự gắn kết doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề vẫn còn lỏng lẻo”, ông Minh nhận định.
Đại diện sở LĐ-TB-XH một số địa phương cũng cho hay yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và của người học nghề chưa thống nhất. Nhiều nghề rất cần lao động có trình độ nhưng ít người đăng ký.
Ông Klaus Michel, Tổng giám đốc Tập đoàn Avestos (CHLB Đức), cũng cho rằng đào tạo nghề ở VN ít theo tiêu chuẩn quốc tế, chủ yếu nặng về lý thuyết. Do vậy, các doanh nghiệp vẫn thiếu nguồn nhân lực có tay nghề.
Theo ông Minh, để khắc phục những hạn chế, Bộ LĐ-TB-XH đưa ra các giải pháp đột phá về chất lượng đào tạo, trong đó chú trọng gắn kết chặt chẽ giữa dạy nghề và thị trường lao động, kết nối cung, cầu giữa nhà trường và doanh nghiệp, bảo đảm người học phải có việc làm sau tốt nghiệp.
“Bộ đẩy nhanh việc xây dựng chuẩn đầu ra, đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học nghề. Cụ thể, chương trình và nội dung phải phù hợp, linh hoạt, sát với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; thời gian học lý thuyết tối đa 30%, thực hành từ 70% trở lên”, ông Minh cho biết.
Trong khi đó, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, đề nghị: “Chính phủ sớm xác định cơ quan quản lý nhà nước ở T.Ư về giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở đánh giá hiệu quả quản lý điều hành cũng như thuận lợi cho việc gắn kết với việc làm và thị trường lao động”.
Bình luận (0)