Thầy giáo tự tạo bể bơi di động tặng học sinh

04/10/2016 11:01 GMT+7

Đau lòng trước tình trạng học sinh (HS) chết vì đuối nước, thầy giáo Ngô Minh Thanh (chuyên viên Phòng Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT Nghệ An) đã tự tạo bể bơi di động, với kinh phí chỉ hơn 10 triệu đồng.

Thầy Thanh cho biết, ý tưởng tạo ra bể bơi di động, ít tốn kém để dạy bơi cho HS, manh nha từ cuối tháng 5.2006, khi ông nghe tin 5 HS ở Nghệ An tử vong do đuối nước chỉ trong 1 ngày. Thầy trăn trở, tại sao năm nào cũng có nhiều HS phải chết oan? Tại sao chỉ là báo cáo HS đuối nước mà không phải là số liệu HS được trang bị kỹ năng bơi lội? Trong khi đó, phòng chống đuối nước ở trẻ em đã được được bàn nhiều, có nhiều văn bản chỉ đạo, nhưng cứ đợi phải có bể bơi mới tổ chức dạy học thì còn lâu mới có thể làm được, nhất là với những vùng quê nghèo.

Thầy Thanh mày mò, tự nghiên cứu, quyết định sử dụng các thanh thép làm khung, cố định với nhau bằng vít, tháo lắp dễ dàng để tạo ra bể bơi di động. Thành bể được lót bằng những tấm tôn, sau đó phủ thêm một lớp bạt chống thấm để giữ nước. Chỉ sau gần 1 tháng, bể bơi thử nghiệm đã được “ra lò” với chiều dài 6 m, rộng 4 m, cao 1 m, có thể chứa từ 14 -17 m3 nước và chỉ tốn chi phí khoảng 10 triệu đồng. Đặc biệt, bể bơi có thể vận chuyển dễ dàng nên rất thuận tiện lắp ở các trường học.

Tiếp tục cải tiến thêm trục đỡ tập bơi
Để thẩm định chất lượng và tính năng của sản phẩm, thầy giáo Thanh tự tập bơi trong chiếc bể này. “Trước khi làm bể bơi di động, tôi không biết bơi. Hồi nhỏ bố tôi cấm con cái học bơi vì sợ nguy hiểm”, thầy Thanh kể. Đầu tháng 9, bể bơi di động của thầy Thanh được đưa đến lắp đặt tại một trường học trên địa bàn TP.Vinh để thử nghiệm. Thấy chiếc bể đã ổn, đạt được mục tiêu dạy bơi cho trẻ, thầy giáo Thanh tặng chiếc bể bơi cho Trường tiểu học TT.Anh Sơn (H.Anh Sơn, Nghệ An). “Sau 3 ngày lắp đặt và đưa vào sử dụng, tôi đã lên kiểm tra và thấy bể sử dụng tốt", thầy Thanh phấn khởi nói.

Ông Nguyễn Tất Trường, Hiệu trưởng Trường tiểu học TT.Anh Sơn cho biết, sau một thời gian đưa vào sử dụng, bước đầu các thầy cô trong trường nhận thấy bể bơi di động do thầy Thanh tặng rất tiện dụng, độ an toàn cao. "Chúng tôi đã dạy bơi cho 10 em và cả 10 em đã biết bơi. Tôi thấy bể bơi này là một sự sáng tạo rất giá trị, tiện ích vì giá thành phù hợp, dễ sử dụng, di chuyển được. Mô hình bể bơi này nên được nhân rộng cho các trường khó khăn về kinh phí", ông Trường nói.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Thanh cho biết, đang tiếp tục cải tiến chiếc bể bằng cách sẽ nghiên cứu gắn thêm các trục đỡ để nâng HS, giúp các em không bị chới với khi mới làm quen với việc học bơi. Chia sẻ về việc làm của mình, thầy Thanh nói: “Mục tiêu của tôi khi làm chiếc bể này là để HS có bể học bơi, không có ý đồ thương mại. Tôi sẵn sàng chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm, cho bất cứ trường nào có nhu cầu làm bể bơi cho HS”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.