Thí sinh xét tuyển vào trường quân đội lại 'kêu cứu'

21/07/2017 15:20 GMT+7

Em Nguyễn Viết Kiên có điểm xét tuyển khối B là 27,35, đăng ký NV1 vào Học viện quân y, nay bị trả lời là không đủ điều kiện xét tuyển vào trường do không qua sơ tuyển.

Báo Thanh Niên vừa nhận được đơn kêu cứu gửi tới các cơ quan chức năng của em Nguyễn Viết Kiên, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Mỹ Đức A, Hà Nội năm học 2016-2017.
Theo đơn mà em Kiên trình bày, khi đăng ký dự thi THPT quốc gia, em đã đăng ký NV1 vào HV quân y. Sau đó, em cũng đã dự vòng sơ tuyển vào các trường quân đội do Ban tuyển sinh quân sự huyện Mỹ Đức tổ chức. Tại vòng sơ tuyển này, em được thông báo là đã đủ tiêu chuẩn đăng ký xét tuyển vào trường quân sự.

tin liên quan

Điểm chuẩn ngành kỹ thuật, công nghệ sẽ không quá cao
Công nghệ thông tin và cơ khí là 2 ngành “nóng” được nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển trong khối ngành công nghệ, kỹ thuật năm nay. Tuy nhiên, theo dự báo của đại diện các trường, điểm trúng tuyển sẽ không quá cao.

Tuy nhiên, gần đây, khi lên Ban chỉ huy quân sự huyện để nhận giấy báo kết quả sơ tuyển thì em ngã ngửa người khi biết hồ sơ của em bị “quên” gửi lên HV quân y. Trên trang web của HV quân y, trong danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển vào học viện nhưng không đăng ký sơ tuyển (bao gồm 345 thí sinh) cũng có tên Nguyễn Viết Kiên.
Kiên cho biết, nhận được thông tin này em và gia đình rất sốc. Kiên rất yêu thích ngành y, trong khi gia đình em có hoàn cảnh khó khăn (mẹ bán phế liệu, bố làm thợ xây), nên quyết tâm thi đạt điểm cao để được xét vào HV Quân y, vừa không phải ăn bám gia đình trong thời gian học ĐH, vừa không phải lo xin việc sau khi ra trường.
Sau khi được biết đã đủ điều kiện xét tuyển vào trường quân đội, Kiên dốc sức học và đạt được kết quả khá cao (điểm xét tuyển khối B là 27,35). Vì thế khi nhận được câu trả lời của Ban tuyển sinh quân sự huyện Mỹ Đức, cảm giác của Kiên là uất ức trước sự làm ăn tắc trách, vô trách nhiệm của “người lớn”.

tin liên quan

Điểm chuẩn sẽ tăng từ trường/ngành tốp giữa
Theo PGS-TS Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, dựa theo phổ điểm và cách xét tuyển năm nay, dự báo một số ngành tốp năm trước có thể sẽ nhích điểm chuẩn lên một chút.

Chia sẻ với Thanh Niên, chị Đỗ Thị Ninh cũng cho biết: “Các chú ấy nhận lỗi đây là sơ suất của bộ phận tiếp nhận hồ sơ, đã “quên” không gửi hồ sơ của cháu Kiên đến HV quân y. Nhưng chẳng lẽ xin lỗi là xong? Còn việc học, tương lai của cháu Kiên thì sẽ ra sao đây khi mà hy vọng cuối cùng (được học trường quân đội nên không phải lo tiền ăn học - PV) bị dập tắt?”.
Được biết, sau khi gửi đơn kêu cứu tới khắp nơi thì chiều 20.7 Ban tuyển sinh quân sự huyện Mỹ Đức đã cử người đến gặp gia đình chị Ninh, “nói lại” rằng việc hồ sơ của Kiên không được gửi lên HV quân y không phải do “quên” mà vì Kiên không đủ sức khỏe (mắt cận 5 đi ốp). Sáng nay, 21.7, đại diện Ban tuyển sinh quân sự huyện lại tiếp tục đến gặp gia đình, cầm theo giấy khám sức khỏe của cháu Kiên để làm bằng chứng, rồi thuyết phục gia đình bãi nại.
“Chúng tôi dân quê ít học nên cũng không biết thế nào nên nhờ một người quen xem xét giúp tờ giấy khám sức khỏe, người này cho rằng giấy khám sức khỏe đó có vấn đề, bởi trong mục khám mắt vẫn ghi thị lực 10/10, dù ở dưới thì ghi sức khỏe loại 3. Còn con số 5 đi ốp thì nếu muốn họ vẫn có thể ghi chèn vào”, chị Ninh chia sẻ.
Chị Ninh cũng công nhận con mình có bị cận, nhưng thời điểm đi khám sức khỏe Kiên chỉ bị cận một mắt 2,5 đi ốp (còn mắt kia bình thường). Việc đi khám giám định lại vào thời điểm này cho cháu Kiên, theo chị Ninh là không cần thiết, nên gia đình không thực hiện.
Chị Ninh cho rằng với áp lực học hành như thời gian vừa rồi, con có tăng độ cũng là điều dễ hiểu. Không thể lấy thị lực mắt của em Kiên vào thời điểm này để làm căn cứ đối sánh cho một kết quả mà gia đình em không hề được thông báo hoặc tiếp cận ngay từ đầu.
“Nhưng kể cả thị lực con kém đi, mà HV quân y yêu cầu thì chúng tôi cũng có thể vay mượn cho con đi mổ cận, để khi nhập học (nếu trúng tuyển) mắt con là bình thường”, chị Ninh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.