Thi THPT quốc gia: Nhiều trường tự xây dựng tài liệu ôn tập

31/03/2016 07:45 GMT+7

Số liệu ban đầu cho thấy ở nhiều tỉnh thành học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia chỉ xét tốt nghiệp tăng hơn so với năm ngoái.

Số liệu ban đầu cho thấy ở nhiều tỉnh thành học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia chỉ xét tốt nghiệp tăng hơn so với năm ngoái.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM) trong giờ học môn toán - Ảnh: Đào Ngọc ThạchHọc sinh lớp 12 Trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM) trong giờ học môn toán - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
 Liên quan đến kỳ thi này, trước thông tin Bộ GD-ĐT không ban hành tài liệu ôn thi, các trường đã tự biên soạn tài liệu phù hợp với nhu cầu của học sinh.
Nhiều học sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp
Nhiều địa phương đã tiến hành khảo sát nguyện vọng dự thi của học sinh (HS) lớp 12 trong kỳ thi năm nay.
Tại Hà Nội, tổng số HS dự thi là 66.006, trong đó có 51.290 thi với mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, CĐ; 14.716 dự thi chỉ để xét tốt nghiệp (tỷ lệ gần 23%). Trong đó, những trường ở các huyện khó khăn của Hà Nội tỷ lệ HS chỉ dự thi để xét tốt nghiệp chiếm số lượng áp đảo. Ví dụ, Trường THPT Bất Bạt (Ba Vì) có tới hơn 2/3 HS thi chỉ để xét tốt nghiệp.
Tại Bắc Ninh, theo báo cáo ban đầu, toàn tỉnh có khoảng 14.000 HS dự thi (bao gồm cả thí sinh tự do). Trong đó, 10.000 dự thi để xét tốt nghiệp và xét vào ĐH, CĐ; 4.000 dự thi chỉ để xét tốt nghiệp. Dù là tỉnh có địa bàn nhỏ nhất toàn quốc và việc đi lại tương đối dễ dàng nhưng Bắc Ninh cũng đã quyết định lập cụm thi do địa phương chủ trì với các điểm thi dự kiến đặt tại tất cả các huyện, thị trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Khảo thí Sở GD-ĐT Hòa Bình, thông tin năm nay có tới 70% HS lớp 12 chỉ dự thi để xét tốt nghiệp, tăng khoảng 10% so với năm 2015. Lý giải về điều này, ông Vinh nói: “Do HS miền núi có học lực không cao nên các em chỉ có nguyện vọng thi để có tấm bằng tốt nghiệp rồi đi làm hoặc đi học CĐ vì năm nay bậc CĐ chỉ xét tuyển với điều kiện tốt nghiệp. Bên cạnh đó, HS cũng có nhiều lựa chọn hơn ở các trường ĐH có đề án thi và xét tuyển riêng”.
Đại diện Sở GD-ĐT Điện Biên cho biết có khoảng 60% HS dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Với Lạng Sơn, con số này là khoảng hơn 50%. Tỷ lệ này ở hai tỉnh đều tăng nhẹ so với năm 2015.
Tài liệu tự biên phù hợp hơn với thầy và trò
Trong hướng dẫn tổ chức ôn thi, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ không phát hành tài liệu phục vụ việc ôn tập kỳ thi này và khuyến khích các địa phương tổ chức ôn tập phù hợp với từng nhóm đối tượng HS; các địa phương không được tổ chức phát hành, ép buộc HS mua tài liệu tham khảo nói chung, các bộ sách ôn tập kỳ thi THPT quốc gia nói riêng...
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hiện trên thị trường có ít nhất 2 bộ tài liệu ôn tập tốt nghiệp THPT các môn do Nhà xuất bản Giáo dục VN và Nhà xuất bản ĐH Sư phạm Hà Nội ấn hành.
Bà Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội), cho rằng một số giáo viên và HS của trường có thể cũng mua những bộ tài liệu này nhưng nếu có cũng chỉ để tham khảo và nhà trường không khuyến khích. “Lý do là vì những bộ tài liệu này chỉ phục vụ cho nhu cầu ôn tập để xét tốt nghiệp, còn với mục tiêu xa hơn là xét tuyển ĐH, CĐ thì chưa đủ”, bà Phương Anh nhận xét.
Bà Phương Anh cho hay từ vài năm nay giáo viên các tổ bộ môn của trường đã tự biên soạn tài liệu ôn tập cho HS, hằng năm đều có điều chỉnh, bổ sung theo yêu cầu mới về đề thi theo công bố của Bộ. Việc tự biên soạn tài liệu như vậy rất hiệu quả vì bám sát nhu cầu và đối tượng HS, phù hợp với cả năng lực giảng dạy của giáo viên. “Chúng tôi dạy và ôn thi theo hình thức cuốn chiếu, hoàn thành chương trình đến đâu thì ôn thi tới đó nên giáo viên không phát cho HS cả bộ mà dạy đến đâu thì photo cho HS đến đó”, bà Phương Anh thông tin.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho biết theo thăm dò bước đầu 100% HS của trường sẽ dự thi với 2 mục đích nhưng nhà trường sẽ chú trọng học và ôn bám sát chương trình, sách giáo khoa để HS trước hết phải đáp ứng được yêu cầu tốt nghiệp. Còn việc ôn tập để nhằm mục đích xét tuyển ĐH, CĐ thì nhà trường chỉ hỗ trợ phần nào, HS sẽ phải tự học, tự bổ sung kiến thức nâng cao theo từng nguyện vọng chuyên biệt.
Tương tự, ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho hay tài liệu ôn tập hiệu quả nhất chính là tài liệu mà giáo viên của trường tự biên soạn trên cơ sở chắt lọc những yêu cầu cơ bản nhất của chương trình và quan trọng là phù hợp với khả năng “thẩm thấu” của HS. “HS trường tôi đa phần chỉ thi để xét tốt nghiệp nên yêu cầu của tài liệu là phải nắm chắc kiến thức cơ bản nhưng làm cho HS dễ hiểu, dễ nhớ nhất”, ông Tùng Lâm nói.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng có trường hợp giáo viên chỉ chú trọng tới HS khá giỏi mà vô tình bỏ rơi HS yếu kém. Trong khi đó, chính những HS này mới cần được quan tâm nhiều hơn. “Vì vậy, trong quá trình ôn thi, chúng tôi yêu cầu các trường tuyệt đối không để HS yếu kém nào bị bỏ rơi. Mô hình mỗi nhà giáo nhận đỡ đầu một số HS yếu kém được khuyến khích thực hiện và nhân rộng trong quá trình ôn thi năm nay”, ông Độ nói.
Không chỉ riêng Hà Nội, các tỉnh vùng sâu, vùng xa cũng nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng tài liệu ôn tập cho HS bên cạnh sách giáo khoa hiện hành. Theo ông Nguyễn Sỹ Quân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên, các trường đều biên soạn tài liệu giảng dạy ôn tập trên cơ sở tài liệu chuẩn kiến thức kỹ năng bộ môn, sách giáo khoa, sách bài tập; đề thi năm 2015; năng lực và nguyện vọng của HS.
Gần 40% học sinh Nghệ An không đăng ký thi xét tuyển ĐH, CĐ
Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết số lượng HS đăng ký dự thi năm nay tại 109 trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên trong tỉnh là 31.698.
Trong đó có 19.585 dự thi để lấy kết quả công nhận tốt nghiệp và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ; số còn lại 12.113 HS (chiếm 38,21%) chỉ đăng ký dự thi THPT do cụm thi địa phương chủ trì (cao hơn 1% so với năm ngoái).
Số không đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ chiếm tỷ lệ cao ở các trung tâm giáo dục thường xuyên và một số trường dân lập.
K.Hoan
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.