Trời mưa, chỉ 5 trong tổng số gần 400 sinh viên tham dự, giảng viên hụt hẫng

11/10/2017 15:07 GMT+7

Sáng 7.10, trong một buổi nói chuyện đầu năm về pháp luật và kỹ năng sống, chỉ có 5 trong tổng số gần 400 sinh viên tại một trường ĐH lớn ở TP.HCM tham dự khiến giảng viên hụt hẫng.

Giảng đường vắng bóng sinh viên Ảnh: chuyên gia Đ. cung cấp

Theo chị Đ., chuyên gia được mời để nói chuyện trong buổi sáng 7.10, chị cũng hoàn toàn bất ngờ trước sự việc diễn ra. Trước đó, chị được trường mời xuống cơ sở 2 của trường ở P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, để nói chuyện đầu năm học với tân sinh viên về pháp luật và kỹ năng sống. Mặc dù trời mưa rất to, chị phải dậy từ 5 giờ sáng để kịp giờ nói chuyện. Tuy nhiên, chờ một lúc lâu thì giảng đường vắng ngắt. Chỉ có 5 trong số gần 400 sinh viên có danh sách tham dự trong ngày hôm đó có mặt. Các sinh viên có mặt cũng dần bỏ về dưới cơn mưa nặng hạt.

Kể lại câu chuyên này trên Facebook cá nhân của mình, ông Vũ Tuấn Anh, chuyên gia đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cảm thán là mình “vừa viết vừa muốn khóc”. Câu chuyên được chia sẻ trong cộng đồng mạng đang tạo nên nhiều ý kiến khác nhau.

Rất nhiều ý kiến cho rằng việc nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp cũng bắt nguồn từ tâm thế không nghiêm túc trong việc học tập như thế này. Một số ý kiến khác đưa ra câu hỏi về nội dung chuyên đề ra sao để dẫn đến tình cảnh này?

Trao đổi với chị Đ., chị cho biết đây là lần đầu tiên trường tổ chức buổi nói chuyện này. Buổi nói chuyện có nội dung là cách tiếp cận kỹ năng sống để phù hợp pháp luật. Những chủ đề được chia sẻ rất thực tế. Chẳng hạn, xử lý như thế nào khi bị mất cắp tại ký túc xá, nhà trọ. Hoặc là gặp người chết đuối, bị tai nạn giao thông, mang thai ở lứa tuổi sinh viên… phải xử lý thế nào? Hoặc thời sự hơn là quay phim, đưa thông tin lên mạng xã hội thế nào là vi phạm pháp luật? Sinh viên sẽ cùng đưa ra phản ứng thực tế, sau đó giảng viên phân tích tình huống làm sao để phù hợp pháp luật.

Những sinh viên hiếm hoi đến buổi nói chuyện đành bỏ về khi giảng đường vắng ngắt Ảnh chuyên gia Đ. cung cấp

“Khi sự việc xảy ra, tôi hơi bị hụt hẫng, ngơ ngác. Nhưng ngẫm lại thì có thể có 2 lý do. Một là vì thời tiết, lúc này mưa quá to. Hai là có thể đây là lần đầu áp dụng tại trường nên chưa phổ biến thông tin đến sinh viên thật tốt để tham dự... Với những lý do đó, là người rơi vào tình huống không vui như vậy nhưng tôi vẫn muốn chuyên đề này sẽ tiếp tục vì rất bổ ích cho sinh viên”, chị Đ cho biết.

Trao đổi thêm về điều này, ông Vũ Tuấn Anh cho rằng cũng không thể nói thầy cô giảng không hấp dẫn thì sinh viên không chịu học. Chẳng hạn, ai cũng biết muốn có võ giỏi thì phải học đứng tấn. Đây là quá trình rất nhàm chán nhưng là cơ bản ai cũng cần phải học. Khi đi học, có nhiều thứ chúng ta không thích nhưng vẫn phải ngấu nghiến vì nó có ích cho bản thân.

“Tuy nhiên, có thể nói trong chuyện này lỗi sinh viên chỉ ở 50%. Lỗi của trường cao hơn sinh viên. Tân sinh viên chưa biết gì nhiều và chính trường phải nói cho sinh viên biết việc cần thiết của chuyện học kỹ năng. Một cá nhân muốn ra trường làm việc tốt cần có kiến thức, kỹ năng, thái độ, tư duy. Nhưng trường học mới chỉ dạy cho sinh viên về kiến thức là chủ yếu...", ông Tuấn Anh nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.