Trường có tự ra đề thi?

25/01/2016 05:14 GMT+7

Sáng qua 24.1, chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức đã khởi động tại Trường THCS - THPT Trí Đức, TP.HCM.

Sáng qua 24.1, chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức đã khởi động tại Trường THCS - THPT Trí Đức, TP.HCM.

Học sinh Trường Trí Đức đặt câu hỏi trong buổi tư vấn - Ảnh: Đào Ngọc ThạchHọc sinh Trường Trí Đức đặt câu hỏi trong buổi tư vấn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Chuyên gia đến từ các trường ĐH, CĐ và TC đã giải đáp hàng loạt băn khoăn của thí sinh về ngành nghề, thông tin xét tuyển các trường.
Trông mong quy chế chính thức
Cho đến thời điểm này, vì Bộ GD-ĐT vẫn chưa có quy chế chính thức về kỳ thi THPT quốc gia 2016 nên nhiều học sinh (HS) không biết sẽ thi như thế nào. Đặt câu hỏi đầu tiên của chương trình, Lê Mạnh Cường (HS lớp 12C) cho biết đang rất băn khoăn về điều này.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, giải đáp dù quy chế chính thức chưa ban hành nhưng Bộ đã dự kiến vẫn duy trì kỳ thi THPT quốc gia để vừa xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH và CĐ. Thời gian tổ chức kỳ thi này có thể vẫn diễn ra vào đầu tháng 7. Tuy nhiên, quy trình xét tuyển có thể điều chỉnh theo hướng rút ngắn thời gian xét tuyển xuống 10 ngày (thay vì 20 ngày như trước đây). Thí sinh có thể được đăng ký xét tuyển vào nhiều trường thay vì một trường như năm ngoái nhưng không được điều chỉnh nguyện vọng trong đợt xét tuyển.
Bảo Trân (HS lớp 12A1) băn khoăn: “Năm nay thí sinh được tự do lựa chọn hay bắt buộc dự thi tại các cụm thi theo quy định?”. Tiến sĩ Nguyễn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết theo dự kiến HS không được tự do lựa chọn cụm thi. Tuy nhiên, so với năm trước cụm thi có thể điều chỉnh ở những vùng giáp ranh giữa các địa phương nhằm hạn chế việc thí sinh phải di chuyển xa.
Trong khi đó, một HS khác thắc mắc: “Em nghe nói năm nay các trường được chủ động ra đề thi, điều này có đúng không”?
Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp nói ngay hầu hết các trường đều xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia và kỳ thi này do Bộ tổ chức và ra đề. Còn việc tổ chức thi riêng chỉ diễn ra ở các trường có xét tuyển môn năng khiếu hoặc trường tổ chức thi riêng hoàn toàn như ĐH Quốc gia Hà Nội. Do vậy, năm nay, ngoài ĐH Quốc gia Hà Nội, đề thi các môn văn hóa vẫn do Bộ ra, chỉ môn năng khiếu các trường mới được quyền tự ra đề và tổ chức thi.
Những điểm mới trong tuyển sinh của các trường
Theo thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, năm nay Trường ĐH Sài Gòn vẫn tuyển sinh 4.000 chỉ tiêu theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Điểm mới đáng chú ý là năm nay trường đào tạo giáo viên THCS chỉ ở bậc ĐH thay vì có cả CĐ như các năm trước. Vì vậy, trong cùng một ngành bậc ĐH, trường có phân định chỉ tiêu riêng của giáo viên THCS và THPT. Riêng về ngành ngôn ngữ Anh, năm nay trường chỉ xét theo tổ hợp truyền thống chứ không bổ sung thêm tổ hợp xét tuyển mới như năm 2015.
Còn PGS-TS Nguyễn Đức Minh,Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, thông tin năm nay trường đào tạo 36 ngành về lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, kinh tế. Tiến sĩ Minh nhấn mạnh thí sinh sau khi trúng tuyển vào trường có cơ hội chuyển ngành hoặc học cùng lúc 2 chương trình. Với đặc thù đào tạo tín chỉ, sinh viên được chuyển điểm các môn tương đồng để rút ngắn thời gian học tập của mình.
Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết năm nay trường này xét tuyển theo 4 nhóm ngành gồm: ngôn ngữ Anh, hệ thống thông tin quản lý, kinh tế và các ngành còn lại. Đáng lưu ý năm nay trường giảm 50% học phí với một số ngành khó tuyển: toán tài chính, thống kê kinh doanh, hệ thống thông tin kinh doanh, kinh tế chính trị, kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Trước băn khoăn của HS về cách xác định điểm trúng tuyển của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Phương nói: “Trường xác định môn chính nhân hệ số 2 ở một số ngành, như toán (nhóm ngành kỹ thuật), hóa (các ngành môi trường), tiếng Anh (ngành ngoại ngữ). Với những ngành này, điểm xét tuyển sẽ là tổng điểm môn chính (đã nhân hệ số 2) cộng với điểm 2 môn còn lại, trường xét trúng tuyển thí sinh có điểm từ cao xuống thấp”.
Chọn ngành theo tiêu chí nào ?
Trước một câu hỏi về điều kiện theo học ngành điều khiển và tự động hóa, ông Trần Tấn Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho rằng điều quan trọng trước hết là phải yêu thích công nghệ kỹ thuật. “Bên cạnh đó, điều người học cần quan tâm khi chọn ngành còn là khả năng xin việc. Tất nhiên sinh viên ra trường có thể làm chủ nhưng số lượng này không nhiều, vì vậy chọn ngành theo xu hướng thị trường lao động là cần thiết”. Ông Dũng thông tin thêm để khuyến khích nữ giới theo học các ngành này, năm nay trường CĐ này sẽ giảm từ 25 - 50% học phí cho nữ sinh khi theo học các ngành kỹ thuật.
Tư vấn cơ hội nghề nghiệp ngành nhà hàng khách sạn, ông Đặng Quốc Hòa, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist, cho biết khi học các ngành liên quan đến khách sạn nhà hàng, bên cạnh kiến thức chuyên môn sinh viên phải chú trọng đầu tư tiếng Anh giao tiếp.
Một HS đặt câu hỏi về đặc thù đào tạo và cơ hội việc làm của chuyên ngành điều khiển tàu biển (thuộc ngành khoa học hàng hải). Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ cho hay, ngành học này năm nay xác định điểm trúng tuyển riêng cho từng chuyên ngành. Trong các năm qua, sinh viên ra trường đều tìm được việc làm đúng chuyên ngành hoặc các lĩnh vực liên quan.
Nên làm gì thời điểm này ?
Một câu hỏi khá thú vị được các chuyên gia đặt ra là có bao nhiêu HS đã chọn được nghề nghiệp theo học đến thời điểm này? Cả Trường THCS - THPT Trí Đức chỉ có khoảng 10 cánh tay giơ lên. Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp cho rằng thời điểm này thí sinh nên quan tâm trước hết đến định hướng nghề nghiệp. Trên cơ sở này, thí sinh mới tiến hành tìm hiểu tổ hợp xét tuyển các trường vào ngành đó trước khi chọn lựa môn thi và tập trung lực học để đạt điểm cao nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.