Trường học, giáo viên đi sau đổi mới giáo dục: 20 năm không thay giáo án

05/01/2016 07:56 GMT+7

Theo nhiều chuyên gia, do thiếu 'bảo hành' trong đào tạo ngành sư phạm mà năng lực của giáo viên là một rào cản rất lớn với đổi mới giáo dục phổ thông.

Theo nhiều chuyên gia, do thiếu 'bảo hành' trong đào tạo ngành sư phạm mà năng lực của giáo viên là một rào cản rất lớn với đổi mới giáo dục phổ thông.

Các chuyên gia cho rằng đổi mới giáo dục thành công trước hết đổi mới từ người thầy (ảnh chỉ mang tính chất minh họa) - Ảnh: Đào Ngọc ThạchCác chuyên gia cho rằng đổi mới giáo dục thành công trước hết đổi mới từ người thầy (ảnh chỉ mang tính chất minh họa) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Các chuyên gia cho rằng việc Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều chủ trương đúng trong thời gian gần đây nhưng lại bị chính giáo viên (GV) phản ứng, một phần do sự thiếu chuẩn bị từ Bộ nhưng cũng phản ánh trung thực bức tranh chất lượng đội ngũ GV hiện nay.
Ngại cập nhật, hay sao chép
Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, kể: “Gần đây khi dự giờ giảng của một GV văn có trình độ thạc sĩ, tôi ngạc nhiên bởi mục tiêu bài học mà cô ấy đưa ra giống như hồi tôi được học ở phổ thông cách đây 20 năm. Tôi còn được biết những bài viết về Nguyễn Tuân đăng trên báo mấy năm gần đây cô ấy chưa hề đọc, dù luận văn thạc sĩ của cô là về tác giả này. Với môn toán của tôi cũng gặp tình trạng tương tự, hiện tượng GV đi dạy hàng chục năm mà kiến thức tham khảo chỉ loanh quanh trong mấy cuốn tài liệu có từ hồi học ĐH là thường”.
Tương tự, một giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Nhìn vào giáo án của một số GV dạy văn ở trường phổ thông, chúng tôi thấy bài giảng của một số tác phẩm xuất hiện trong chương trình từ đầu những năm 1990 tới nay đã hơn 20 năm nhưng giáo án không có gì mới mẻ về nội dung lẫn phương pháp giảng dạy”.
Ông Phan Văn Quang (Tổ trưởng Tổ phổ thông, Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết cứ 3 - 4 năm GV sẽ viết lại giáo án một lần. “Trước khi soạn, GV cần khảo sát học sinh để nhận biết trình độ, khả năng tiếp nhận sau đó mới soạn giáo án cho phù hợp. Về quy định thì không được giữ nguyên giáo án các năm nhưng thực tế nhiều GV giữ nguyên năm này qua năm khác”, ông Quang nhìn nhận.
Theo một khảo sát nhỏ trong khoảng 20 GV phổ thông tại TP.HCM, có hơn một nửa thừa nhận việc soạn giáo án rất nhàn. “Chương trình sách giáo khoa triển khai theo nội dung nên kiến thức giữa các năm thay đổi không nhiều nên GV lười đổi mới, cập nhật bài dạy mà không lo sợ sai về kiến thức”, Hoài Thương, một giáo viên ở Q.Tân Phú (TP.HCM), cho biết.
Một học sinh Trường THPT Lê Xoay (tỉnh Vĩnh Phúc) kể: “Chị em đã ra trường được 7 năm. Khi em lên lớp 11 em cũng học lớp thầy L. dạy sử. Em thường sử dụng tập mà chị em để lại để học bài trước và so sánh thì thấy hoàn toàn khớp và không hề khác nhau”.
Nhiều GV chọn cách soạn giáo án theo kiểu đóng rời, làm tệp từng bài rồi ráp vào với nhau. Khi bị kiểm tra, GV chỉ cần lên internet lấy về một số bài tập nâng cao tháo tệp ráp lại. Thậm chí có GV hoàn toàn sao chép giáo án trên internet. “Trong lớp học nào cũng có 4 đối tượng học sinh yếu - trung bình - khá - giỏi và mỗi nơi, trình độ học sinh cũng khác nhau. Không thể có mẫu giáo án chung vì mỗi đối tượng học sinh là khác nhau. GV chủ quan áp dụng một mức độ kiến thức nhất định cho tất cả học sinh là không khoa học”, GV dạy toán ở một trường THPT Q.Tân Bình (TP.HCM) cho biết.
Sản phẩm thiếu “bảo hành”
Theo tiến sĩ Giáp Văn Dương, người sáng lập Cổng giáo dục trực tuyến Giapschool, GV hiện là những người có thế giới quan rất đóng. Lăng kính nhận thức của GV gắn chặt với những điều được rót từ trên xuống, thường rất bảo thủ và giáo điều. Vì thế, GV thường chậm nhịp so với sự phát triển của học sinh và nhận thức xã hội. Ông Dương nhận xét: “Nếu chỉ nhìn 2 lĩnh vực mà nhà nhà đều quan tâm là kinh tế và giáo dục thì rõ ràng giáo dục đã tụt hậu quá xa so với kinh tế. Trong khi kinh tế đã được tự do hóa một phần lớn và hội nhập sâu rộng với thế giới qua các hiệp định thương mại, thì tư duy của giáo dục chủ yếu vẫn dừng ở thời kỳ trước đổi mới với cơ chế tập trung, quan liêu đóng vai trò chi phối. Với chất lượng GV như thế, khi tiến hành đổi mới giáo dục tổng thể lần này, phần đông trong số họ sẽ không theo kịp và trở thành lực cản. Đổi mới giáo dục chỉ thành công khi đổi mới người thầy”.
Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ cho rằng khiếm khuyết lớn nhất trong đào tạo sư phạm hiện nay là thiếu cơ chế “bảo hành” với chính sản phẩm của mình. “Tốt nghiệp rồi là gần như sinh viên bị cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ với trường, trong đó bao gồm những kiến thức hoặc quan điểm giáo dục mới. Tư duy này cần phải thay đổi. Các trường sư phạm cũng nên có một chính sách “bảo hành” riêng với những GV mà mình đã từng đào tạo”, bà Thơ đề xuất.
Còn theo tiến sĩ Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục ĐH và nghề nghiệp, Viện Khoa học giáo dục VN, vấn đề tự chủ và tính trách nhiệm của GV hiện còn mờ nhạt, vì vậy không tạo được động lực giúp GV vươn lên hoàn thiện mình, trong đó có năng lực dạy học.
Đào tạo hướng tới năng lực thay vì kiến thức
Nhiều chuyên gia cho rằng để giúp GV nâng cao năng lực, việc đào tạo lại hoặc bồi dưỡng GV đồng loạt trong dăm ba ngày như thời gian qua sẽ không có hiệu quả. “Cập nhật kiến thức cho GV phổ thông cần phải làm theo cả 2 cách: GV tiến hành tự học, tự nghiên cứu; các trường sư phạm tổ chức các chương trình bồi dưỡng theo chuyên đề cho các GV phổ thông có nhu cầu”, tiến sĩ Lê Đông Phương đề xuất. Cũng theo ông Phương, chất lượng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông sắp tới phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ GV hiện tại vì số GV đào tạo mới sẽ chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong những năm đầu thực hiện.
Tiến sĩ Vũ Hoài An, Hiệu trưởng Trường CĐ Hải Dương, cho rằng nếu chương trình đào tạo trường sư phạm hướng tới đào tạo năng lực cho SV thì khi ra trường, họ sẽ biết bổ sung kiến thức thường xuyên để đáp ứng với yêu cầu công việc theo từng giai đoạn. Nếu trường đào tạo chỉ quan tâm mục tiêu cung cấp kiến thức cho người học thì không chóng thì chầy, GV sẽ trở nên lạc hậu khi những kiến thức đó không còn được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông. Nếu được đào tạo năng lực, GV sẽ biết tự bổ sung, cập nhật kiến thức sư phạm cho bản thân để có thể tự tin đứng lớp với bất cứ chương trình nào. “Với những các thầy cô đang đứng lớp, Bộ nên giao cho những đơn vị đánh giá độc lập tổ chức những kỳ thi đánh giá năng lực GV. Nếu không đạt, GV phải tự bỏ tiền ra đi học để thi cho đến bao giờ đạt thì mới được tiếp tục đứng lớp”, ông Hoài An chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử, Trường ĐH Kanazawa (Nhật Bản), để có được những GV có năng lực tự đào tạo lại chính mình, trường sư phạm cần thiết kế chương trình đào tạo làm sao để giúp giáo sinh mở rộng thế giới quan. “Cái dở trong đào tạo sư phạm của mình là quá chú trọng vào kỹ thuật dạy học mà ít chú ý đến yêu cầu sinh viên học cách nghiên cứu nội dung học tập, lựa chọn tài liệu sử dụng trong dạy học, sách giáo khoa”, ông Vương nhận xét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.