Chỉ học những môn thi ĐH, những môn khác không học nhưng vẫn có
điểm trong học bạ. Những điều này đang diễn ra tại một số trường phổ
thông ngoài công lập tại TP.HCM.
Học sinh Trường THPT tư thục
Hai Bà Trưng - Ảnh: Bích Thanh |
“Không phải học, chỉ cần cuối năm có điểm”
|
Khi được hỏi chuẩn bị sách vở như thế nào thì ông H. trả lời: “Vì cháu thi khối C nên sách vở cháu đem theo 5 môn là: văn, toán, tiếng Anh, sử, địa. Chỉ cần học một tuần là biết sức học, nếu muốn đi sư phạm thì nên đi sư phạm văn, mà chắc là được, không sao hết, chỉ cần có năng khiếu diễn đạt về văn chương một chút là được”.
Tôi thắc mắc: “Vậy có phải học những môn khác không thầy?” thì vị này lắc đầu và nói: “Không phải học, học chút chút cho qua thôi, cái chính là học mấy môn để thi ĐH… Những môn như giáo dục công dân và các môn kia không phải học, chỉ cần cuối năm có điểm”.
Thấy vậy, tôi tỏ ra lo lắng: “Vậy có phải kiểm tra, có phải thi học kỳ không thầy?” và được trả lời: “Học kỳ thì phải thi nhưng trước khi thi có thầy hướng dẫn hết, chị không phải lo”. Ông H. còn trấn an: “Có đứa cháu ở ngoài quê mới chuyển vô học, ở ngoài đó cứ học miên man các môn vậy đó nên đưa vào đây để học tập trung. Trường công thì bắt buộc phải học hết các môn, còn trường tư có thể sắp xếp được”.
Chúng tôi tỏ ra lo ngại vì theo quy định có một số trường ĐH xét tuyển bằng học bạ. Thấy vậy, ông H. nói tiếp: “Học bạ vẫn có đầy đủ điểm và yên tâm là thi có hướng dẫn hết. Gia đình không phải lo”.
|
Nhân viên văn phòng liệt kê những khoản tiền phải nộp khi nhập học như tiền cơ sở vật chất, học phí, đồng phục, tôi đặt câu hỏi: “Sao không học thể dục mà vẫn phải mua đồ thể dục?”. Ông H. vội giải thích: “Đồ thể dục là như thế này, ban ngày phải mặc đồng phục, nhiều khi buổi tối cháu muốn thoải mái một chút thì mặc đồ thể dục cho mát mẻ hoặc để dành khi giải trí buổi chiều. Mà nó cũng rẻ, có 120.000 đồng”.
Chỉ học 4 môn chính, các môn xã hội... bỏ
Từ phản ánh của một số phụ huynh về việc nhiều trường ngoài công lập bỏ môn phụ chỉ tập trung vào những môn chính, chúng tôi có mặt tại Trường THCS & THPT Hoàng Diệu (P.14, Q.Tân Bình) trong vai phụ huynh của học sinh (HS) lớp 12 có học lực yếu và đang muốn chuyển trường.
Một người đàn ông tiếp chúng tôi. Qua vài câu hỏi sơ sài về học trò, ông tư vấn làm giấy tiếp nhận sau đó tới trường cũ rút hồ sơ để nhanh chóng chuyển về Trường Hoàng Diệu trước ngày 28.11 nhằm kịp gửi danh sách HS thi học kỳ 1 lên Sở GĐ-ĐT TP.HCM.
Vị này cho hay: “Theo đúng chương trình học của Sở GD-ĐT gồm 13 môn. Tuy nhiên, nhà trường kết hợp với phụ huynh bí mật để có cách uyển chuyển”. Ông nói thêm: “Hiện giờ có 3 môn chính là toán - văn - tiếng Anh và một môn tự chọn”. Ông gợi ý cho HS: “Con nên chọn môn lý. Môn thi trắc nghiệm có sẵn các lựa chọn nếu không nắm chắc chương trình thì vẫn có thể lựa chọn kết quả”.
Ông giải thích: “Nếu học cùng một lúc mười mấy môn thì con sẽ cảm thấy khó khăn. Vì con học quá yếu nên nhà trường kết hợp với phụ huynh bí mật bỏ bớt những môn xã hội tập trung cho những môn thi tốt nghiệp. Những môn còn lại thầy sẽ nói giáo viên. Giáo viên sẽ cho điểm con. Tất nhiên, cho điểm con với một tầm nhất định. Thầy hứa với con là 7 phết đi. Cao hơn thầy không dám hứa. Với 7 phết thì chỉ cần thi 3 điểm là đậu. Những môn khác nhà trường sẽ uyển chuyển bằng cách cho phép bỏ. Nếu thầy ra tay giúp con thì gần như là đạt được 90%. Đậu tốt nghiệp là chắc chắn”.
Thời khóa biểu Trường THPT tư thục Hai Bà Trưng có đủ 13 môn nhưng thực dạy chỉ 5 môn - Ảnh: Bích Thanh
|
Ông nói tiếp: “Nếu người khác nghe câu chuyện này người ta nghĩ mình kết hợp với phụ huynh mang tính tiêu cực bỏ môn. Nhưng thực sự ta bỏ bớt để tăng thời lượng dồn dập vào 4 môn chính. Dù chỉ học 4 môn nhưng bé vẫn phải học sáng chiều. Cụ thể sáng toán, chiều văn thì tiếp tục hôm sau cũng vậy. Tiếp đó là Anh văn cứ đảo 4 môn học liên tục các ngày trong tuần chứ không nghỉ”.
Cho rằng ông chỉ là giáo viên, chúng tôi tỏ vẻ lo lắng và đặt vấn đề là việc này nằm ngoài khả năng của một người giáo viên thì ông này khẳng định không phải là quản nhiệm, giáo viên chủ nhiệm mà là người có địa vị, chịu trách nhiệm trực tiếp. “Nếu một ngày nào đó bé không đậu tốt nghiệp thì sẽ ảnh hưởng tới tôi và tới uy tín của trường”, ông khẳng định. Sau đó ông đưa cho chúng tôi danh thiếp trên đó ghi thạc sĩ T.V.M, chức danh là phó hiệu trưởng kiêm chủ cơ sở này. Lúc bấy giờ ông M. yêu cầu: “Phụ huynh đừng hỏi nhiều nữa vì tôi không dám giải thích”. Và khẳng định: “Tất cả việc quyết định điểm số và học bạ đều nằm trong tầm tay của tôi”.
Sau đó ông M. khẳng định: “Bé đậu tốt nghiệp có nghĩa bé đã đậu ĐH. Cái này tôi sẽ giúp bé. Chỉ cần bé ngoan, hiền, nghe lời là có thể vào trường ĐH… Học bạ của bé là học bạ chính quy nên chỉ cần đậu tốt nghiệp là sẽ đậu ĐH. Tôi sẽ lo cho tương lai của bé”.
Sau đó ông M. yêu cầu đóng tiền học phí là 5,1 triệu đồng để được nhận một giấy tiếp nhận có dấu đỏ của trường. Ông M. cho biết hiện tại trường có 1 lớp 12 với trên 10 HS.
Chúng tôi gặp một HS đang học tại trường, HS này cho biết lớp 11 và 12 học chung một chương trình. Chương trình này chỉ học 4 môn sẽ có trong kỳ thi THPT sắp tới.
Theo ghi nhận của chúng tôi, việc bỏ môn không chỉ xảy ra ở những trường vừa nêu mà là thực tế ở rất nhiều trường khác. Hiệu trưởng tại một trường THPT tư thục ở Q.Tân Phú cho biết: “Khi bước sang đầu kỳ 2 của năm học chúng tôi sẽ đầu tư thời gian cho các môn mà HS đăng ký thi THPT quốc gia. Những môn không đăng ký sẽ giảm tải tối thiểu chỉ giữ ở mức đảm bảo chương trình. Thậm chí có thể cho bỏ hẳn”. Bên cạnh đó, ông này cũng tỏ thái độ nước đôi khi chúng tôi đặt vấn đề nếu HS chỉ muốn học những môn thi ĐH, bỏ hẳn những môn xã hội. Ông nói: "Chúng tôi không từ chối nhưng sẽ tư vấn cho HS và thỏa thuận với phụ huynh để nhận HS vào học sớm nhất".
Bình luận (0)