Tự kiếm tiền để đến giảng đường

05/08/2017 08:30 GMT+7

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ngay khi vừa thi THPT xong, nhiều học sinh đã rời quê nhà đến TP.HCM kiếm việc làm để có tiền trang trải chi phí cho năm học mới nếu trúng tuyển ĐH.

Học để có tương lai
Vừa kết thúc bài thi khoa học xã hội buổi sáng, buổi chiều Tôn Thị Mộng Cầm (xã Thạnh Lộc, H.Giồng Riềng, Kiên Giang) đã theo ba lên TP.HCM đi làm kiếm tiền để trang trải chi phí nếu đậu ĐH. Cầm tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình túng thiếu nên ban đầu ba mẹ nói chỉ cho em học hết lớp 12, sau đó theo ba mẹ lên TP.HCM đi bán máy may dạo. Lúc đầu em vâng lời vì nghĩ kinh tế khó khăn, ba mẹ bệnh tật triền miên thì đó là giải pháp duy nhất, không thể làm khác được”.
Vì xác định như vậy nên khi làm hồ sơ đăng ký thi THPT quốc gia, Cầm chỉ đăng ký xét tốt nghiệp mà không đăng ký nguyện vọng vào ĐH. Tuy nhiên, trong những ngày ôn thi, Cầm vẫn luôn mong muốn được trở thành sinh viên. “Mang tâm sự này nói với một số người họ hàng, em được tư vấn là ngay khi thi xong có thể lên TP.HCM kiếm việc làm; số tiền kiếm được từ lúc đó đến khi nhập học có thể trang trải đủ học phí năm đầu tiên. Còn tiền ăn, ở trọ thì vừa học vừa làm vẫn có thể trang trải được”, Cầm chia sẻ. Sau đó Cầm thuyết phục ba mẹ cho đi học tiếp với cam kết “con sẽ tự đi làm thêm kiếm tiền học ở thành phố” và được ba mẹ đồng ý.

tin liên quan

Nam sinh 16 tuổi xuất sắc giành học bổng du học
Trước khi giành được học bổng trị giá 54.000 USD từ trường UWC Maastricht (Hà Lan), Trần Nguyên Khoa (sinh năm 2001, học sinh lớp 11, Trường Phổ thông Năng khiếu TP.HCM) đã trượt nhiều học bổng khác.
Làm công việc phục vụ ở một quán cà phê, Cầm được lo ăn, ở và nhận lương 4 triệu đồng/tháng. Với số điểm khối C là 20, “Em chọn một khoa bình thường ở một trường công lập để học phí nhẹ một chút. Em nghĩ cứ học hành chăm chỉ thì ngành nào rồi cũng xin được việc”, Cầm nói.
Cầm cho biết thêm: “Ở quê em, hầu hết trẻ con đều không coi trọng việc học. Hiện tại cả xóm em hầu hết các bạn đều nghỉ học. Nhìn cảnh đó em cảm thấy rất buồn và nghĩ chỉ có cách học ĐH thì tương lai của mình mới thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đó”.
Càng nghèo càng phải học
Ở quê em, hầu hết trẻ con đều không coi trọng việc học. Hiện tại cả xóm em hầu hết các bạn đều nghỉ học. Nhìn cảnh đó em cảm thấy rất buồn và nghĩ chỉ có cách học ĐH thì tương lai của mình mới thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đó
Tôn Thị Mộng Cầm
Hoàng Thị Thủy (H.Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cũng đang nỗ lực để trở thành tân sinh viên với công việc gia sư.
Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Thủy đạt 23 điểm khối D1. Khi vừa thi xong cũng là lúc mẹ Thủy đổ bệnh nặng. Ba không may gặp phải tai nạn, mất khả năng lao động trong một thời gian dài. Trong hoàn cảnh ấy ai cũng nghĩ Thủy sẽ từ bỏ ước mơ đến giảng đường để phụ giúp ba mẹ, nhưng Thủy lại cho rằng càng nghèo càng phải học.
“Không nghề nghiệp, không kinh nghiệm nên nếu bây giờ em đi làm ngay thì một tháng cũng chỉ kiếm được vài triệu đồng. Với số tiền này nếu đắp đổi qua ngày thì cũng được, nhưng tương lai của em và cả gia đình sẽ chỉ dừng lại ở đó”, Thủy tâm tình.
Nghĩ vậy nên Thủy hỏi một số anh chị sinh viên gần nhà và được giới thiệu nhận một số lớp dạy kèm theo giờ. Với 3 lớp dạy/tuần, tổng cộng một tháng Thủy nhận được gần 5 triệu đồng. Thủy dự định sau khi lãnh lương sẽ gửi khoảng 2 triệu đồng về quê phụ ba mẹ, còn lại để dành đóng học phí và trang trải khi vào năm học mới.
Thủy tâm sự: “Em thấy mỗi người sinh ra đều có số phận riêng. Có nhiều bạn nhà có điều kiện nhưng lại không thích học hoặc học rất kém. Có những người muốn học nhưng vì không có điều kiện nên phải nghỉ. Điều quan trọng là mình không thể đầu hàng số phận mà nên tìm cách vượt lên nó”.
Nguyễn Thị Mai (quê Quảng Nam) cũng vào TP.HCM từ rất sớm để kiếm việc làm. Mai cho biết: “Chị gái của em vừa tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM thì tới lượt em vào ĐH. Khi còn là sinh viên, chị em thường đi làm thêm để kiếm tiền trang trải việc học. Chính vì vậy ngay khi thi xong em đã vào ở trọ cùng chị và đi kiếm việc làm để có tiền trang trải chi phí khi vào năm học mới, bớt phần nào gánh nặng cho ba mẹ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.