Tuyển sinh 2012: Hàng loạt ngành học phải đóng cửa

29/11/2012 17:30 GMT+7

(TNO) Ngày mai (30.11) sẽ "chốt hạ" thời gian xét tuyển của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012. Mùa tuyển sinh năm nay kéo dài hơn mọi năm, thế nhưng tình hình tuyển sinh ở nhiều trường còn khó khăn hơn các năm trước, hàng loạt ngành học phải đóng cửa.

(TNO) Ngày mai (30.11) sẽ "chốt hạ" thời gian xét tuyển của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012. Mùa tuyển sinh năm nay kéo dài hơn mọi năm, thế nhưng tình hình tuyển sinh ở nhiều trường còn khó khăn hơn các năm trước, hàng loạt ngành học phải đóng cửa.

>> Trường ở vùng ưu tiên vẫn khó tuyển sinh
>> 20 huyện, thị được hưởng chính sách đặc thù tuyển sinh
>> Rối rắm tuyển sinh
>> Ồ ạt xét tuyển bổ sung dưới điểm sàn

Giảm gần 50% thí sinh nhập học

Trường ĐH Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long) tuy là một trong những trường áp dụng chính sách đặc thù trong tuyển sinh ĐH, CĐ nhưng tỷ lệ học sinh nhập học chỉ đạt 30% so với chỉ tiêu.

Ông Nguyễn Cao Đạt, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, cho biết trường chỉ tuyển được khoảng 700 thí sinh, đạt 30% so với chỉ tiêu. Trong khi đó, năm ngoái con số này là 80%.

“Kéo dài thời gian tuyển sinh cũng vậy, không hề có lợi cho các trường vì nguồn tuyển đã cạn”, ông Đạt nói thêm.

Các trường ngoài công lập khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng cùng chung cảnh ngộ như Trường ĐH Tây Đô, ĐH Võ Trường Toản…: vẫn khó tuyển thí sinh.

 
Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM - Ảnh: Hoàng Quyên

Ông Lê Văn Toàn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết mặc dù được phép tuyển sinh kéo dài đến cuối tháng 11 nhưng từ đầu tháng 10, học sinh đã nhập học. “Có kéo dài nữa thì cũng chỉ vài ba thí sinh đến nộp hồ sơ nên trường đã cho các em nhập học sớm để ổn định việc học”, ông Toàn cho biết.

Không chỉ các trường ngoài công lập, trường công lập ở các địa phương cũng gặp khó khăn như Trường ĐH Bạc Liêu, đến nay chỉ mới tuyển được hơn 50% so với chỉ tiêu.

Tại Trường ĐH Đồng Tháp, đến cuối tháng 9, mặc dù mới tuyển được 80%, trường đã ngưng tuyển sinh và cho sinh viên nhập học.

Bà Huỳnh Thị Hồng Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường ĐH Đồng Tháp, cho rằng mặc dù thiếu chỉ tiêu nhưng do nguồn tuyển cũng đã cạn, nếu có chờ đợi và kéo dài thì cũng không tuyển được thêm bao nhiêu.

Đại diện nhiều trường đại học ngoài công lập cho rằng, việc tuyển sinh kéo dài khiến thí sinh đổ vào các trường công lập vì lấy bằng mức điểm nhưng học phí thấp hơn. Trong khi đó, đại diện các trường địa phương lại lý giải thí sinh chọn học ở các trường thành phố thay vì học ở địa phương khi có nhiều cơ hội nguyện vọng hơn.

Giải thích cho tình trạng tuyển sinh khó khăn của năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng việc kéo dài tuyển sinh không phải là nguyên nhân gây khó khăn cho các trường ngoài công lập và trường ở các địa phương.

“Do nhiều nguyên nhân như nền kinh tế khó khăn, nhiều gia đình không gánh nổi chi phí nên cho con đi học nghề, trung cấp chuyên nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải dừng hoạt động nên thí sinh cũng đã ít mặn mà hơn với nhóm ngành kinh tế. Không chỉ các trường ngoài công lập, trường địa phương mà ngay cả những trường lớn cũng không tuyển đủ chỉ tiêu vì thực tế số lượng thí sinh tốt nghiệp THPT đã giảm 10% so với năm trước đó”, ông Bùi Văn Ga lý giải.

Nhóm ngành nông nghiệp phải đóng cửa

Tại Trường ĐH Đồng Tháp, số thí sinh nộp hồ sơ vào hai ngành Kỹ thuật nông nghiệp và Kỹ thuật công nghiệp của trường chưa tới 10 hồ sơ, vì thế hai ngành này phải đóng cửa vì không đủ người học để mở lớp.

Tương tự, nhiều ngành là ngành thế mạnh, trọng điểm của Trường ĐH Nha Trang như Khai thác thủy sản, Bệnh học thủy sản, Quản lý môi trường và nguồn lợi thủy sản, Kinh tế nông nghiệp... cũng phải đóng cửa vì hồ sơ nộp vào quá ít. Những ngành này cũng không thể mở lớp trong những năm gần đây.

Ông Trần Danh Giang, Trưởng phòng Đào tạo của Trường ĐH Nha Trang ngậm ngùi: “Không chỉ ở Nha Trang mà phân hiệu của trường ở khu vực ĐBSCL, ngành nuôi trồng thủy sản cũng không ai chọn học dù Bộ GD-ĐT đã cho 60 chỉ tiêu cử tuyển”.

 
Sinh viên thực tập chế biến thủy sản tại Trường ĐH Nha trang - Ảnh do nhà trường cung cấp

Năm nay, ở Trường ĐH Nông lâm (ĐH Huế), tình trạng khó khăn trong tuyển sinh một số ngành học lại tiếp diễn. Cụ thể là ngành Trồng trọt, Thủy sản, Lâm nghiệp, Quản lý tài nguyên và môi trường phải đóng cửa vào năm nay.

Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cũng không thể mở lớp đối với hai ngành Sư phạm kỹ thuật công nghiệp và Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp.

Ông Hoàng Hữu Hòa, Phó trưởng ban Đào tạo ĐH Huế, cho biết do có một số ngành không thể mở lớp, rất ít thí sinh chọn học nên trường phải dùng phương án gom các ngành học thành 7 nhóm ngành. Sau năm học đầu tiên, sinh viên sẽ chọn chuyên ngành học.

“Việc tuyển theo nhóm ngành để tránh đóng cửa một số ngành khó tuyển. Năm nay, trường tuyển được 95% thí sinh so với chỉ tiêu và kết thúc tuyển sinh từ tháng 10 do đã cạn nguồn tuyển”, ông Hòa cho biết.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng: “Nhóm ngành nông, lâm, ngư, không tuyển được người học là tình trạng nhiều năm nay. Nếu thị trường lao động của ngành nông nghiệp tiếp nhận các em sau khi ra trường thì các em sẽ tự tin nộp hồ sơ học ngay. Hiện Bộ GD-GT chỉ có thể hỗ trợ về ưu tiên trong tuyển sinh cho các trường chứ cơ chế tài chính, hỗ trợ kinh phí cho những ngành này thì cần có tầm cao hơn. Trước mắt, Quy hoạch nguồn nhân lực tới năm 2020 đã được Chính phủ thông qua và hy vọng thí sinh có thể dựa theo bảng quy hoạch này để lựa chọn ngành nghề cho phù hợp”.

Phải bảo đảm quyền lợi tối đa của thí sinh

Những năm trước, do thí sinh chỉ có 3 nguyện vọng, thời gian tuyển sinh ngắn nên nhiều em dù điểm cao nhưng vẫn mất cơ hội vào ĐH, CĐ. Dẫu biết việc kéo dài tuyển sinh như năm nay sẽ khiến hồ sơ ảo tăng lên, việc rút hồ sơ ra, nộp hồ sơ vào của thí sinh gây khó cho các trường. Thế nhưng, quyền lợi của thí sinh vẫn được đặt lên hàng đầu nhằm giúp các em có thời gian để chọn ngành học phù hợp nhất. (Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga)

Nhu cầu nhân lực cao lĩnh vực nông, lâm, ngư ở địa phương

Ở vùng Trung du và miền núi phía bắc, giai đoạn 2011- 2020, tập trung đào tạo cho các lĩnh vực mũi nhọn, chủ lực như: sản xuất, chế biến các loại nông, lâm sản, đặc sản chất lượng và giá trị kinh tế cao, công nghiệp khoáng sản, thủy điện, cơ khí, chế tạo và lắp ráp điện tử, công nghiệp vật liệu, du lịch...

Vùng Tây nguyên tập trung đào tạo đủ nhân lực cho các lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn như: thủy điện, khai thác khoáng sản, chế biến nông, lâm sản, nhân lực kỹ thuật cho phát triển ngành trồng cây công nghiệp, phát triển đào tạo nhân lực tại chỗ cho các ngành dịch vụ.

Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung tập trung đào tạo nhân lực đủ số lượng và đáp ứng yêu cầu về chất lượng cho các ngành và lĩnh vực mũi nhọn, chủ lực: công nghiệp lọc, hóa dầu, cơ khí, chế tạo và lắp ráp thiết bị điện-điện tử, công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến thủy, hải sản xuất khẩu…

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung đào tạo nhân lực có chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực: công nghiệp chế biến nông lâm, thủy hải sản xuất khẩu, chế biến rau quả, chế biến thịt, cơ khí phục vụ nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, cơ khí sửa chữa, điện, điện tử, công nghệ thông tin, hóa chất, dược phẩm, công nghiệp dệt may, da giày… (Theo Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020)

Hoàng Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.