Vì sao học sinh quay lưng với môn Sử? - Kỳ 3: Học trò tôi thích môn Sử

06/06/2014 08:30 GMT+7

(TNO) Cùng nghe những chia sẻ của một thầy giáo dạy Sử tại TP.HCM về các cách truyền đạt bài giảng môn này một cách cuốn hút, khiến học sinh học hoài không chán.

B?u ch?n
Bạn có thích môn Sử?

>> Vì sao học sinh quay lưng với môn sử? - Kỳ 1: Không thích giáo viên dạy sử
>> Vì sao học sinh quay lưng với môn sử? - Kỳ 2: Đầy ắp sự kiện, số liệu


Học sinh mê Sử? Chuyện nghe tưởng chừng rất khó nhưng không phải không thể - Ảnh: Độc Lập

Từ lúc chuyển từ việc làm nhân viên thuyết minh bảo tàng sang làm giáo viên dạy Sử, tôi đã ngầm thấy sự tương đồng trong việc kể chuyện quá khứ và tính tình các “vị khách” của mình - giờ là học trò trên lớp.

Những học sinh khối lớp 7 thích học lịch sử hơn là giáo dục công dân. Thậm chí các em còn đòi thuyết trình về các hình tượng con rồng trong lịch sử. Đây là một mẩu chuyện nói từ đầu năm nhưng ngạc nhiên ở chỗ là bây giờ "tụi nó" còn nhớ và đòi làm thuyết trình.

Hầu hết các em đều trả lời tốt lí do vì sao phải học môn Sử. Cụ thể là “Dân ta phải biết sử ta”, “Học để biết nguồn gốc dân tộc Việt Nam”... Trong số nhiều ý kiến đó, có một ý kiến mà tôi đã hài lòng hơn tất cả của một em lớp 6, “Thưa thầy, chúng ta học lịch sử để tránh lập lại những sai lầm của quá khứ”.

Học sinh khối 10 thì quan tâm đến những tài liệu in ra thêm để bổ sung cho những bài sách giáo khoa còn thiếu. Khối 8 đang đi vào những cuộc khởi nghĩa cuối cùng khi chưa có Đảng Cộng sản lãnh đạo. Niềm vui của các em ở chỗ khi những câu hỏi hay được đặt ra đều được cộng điểm và tất nhiên trả lời tốt cũng phải được như thế.

Đám trò khối 9 thì đang chuẩn bị thuyết trình về các cuộc chiến lược chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Tài liệu thuyết trình được tham khảo từ cả hai phía không phân biệt bên nào, tự do phát biểu ý nghĩ. Những điều đó hứa hẹn một buổi thuyết trình hấp dẫn.

Làm sao để các em “mê” lại môn này?

Về điểm số: Trong những lúc bế tắc nhất vì áp lực điểm số, tôi đã tìm về cô chủ nhiệm cũng là cô giáo dạy Sử của tôi. Và trong một buổi tâm sự kéo dài đó cô đã dạy tôi rất nhiều điều. Cô bảo: “Sự gắn kết giữa thầy - trò là điểm số. Các em ấy sẽ chẳng thèm học nếu không vì điểm thi. Vậy tại sao em phải khắt khe về điểm số để ngay bản thân em cũng như học trò gặp khó khăn như vậy?”.


Đừng quá khắt khe về điểm số - Ảnh: Độc Lập

Kể từ sau buổi nói chuyện đó, việc cho điểm của tôi cũng có phần cởi mở hơn. Tôi đặt nhiều câu hỏi hơn để cho các em bị điểm thấp có cơ hội đạt điểm cộng. Những điểm cộng 0,5 hoặc 1 điểm đó như là một liều thuốc kích thích làm cho các em phấn khởi giơ tay cũng như liên tục suy nghĩ, tìm tòi câu trả lời để dành những con điểm cộng xứng đáng đó.

Đối những học trò học kém và bài kiểm tra điểm thấp, tôi thường mời các em gặp riêng mỗi khi tan trường. Tôi sẽ ngồi lại 30 phút giảng lại từng vấn đề cho các em cho đến khi nào các em hiểu và cho kiểm tra lại, đến lúc các em hiểu bài đủ đạt điểm thì thôi. 

Ngoài ra, cũng nên thường xuyên tạo không khí tranh luận và đặt câu hỏi. Tôi thường chia các em ra làm hai nhóm để phân tích và đánh giá về một sự kiện nhưng theo hai hướng khác nhau. Các em dùng mọi lí lẽ để chứng minh điều mình đang bảo vệ đó là đúng. Sau cùng là người thầy mới phân tích và đánh giá sự kiện theo hướng đúng nhất. Và những tiết học của tôi luôn sôi nổi là nhờ điều này.

Trước những vấn đề nhạy cảm hoặc khó trả lời, tôi thường cặn kẽ giải thích ngay cả những câu hỏi tưởng như không liên quan nhưng kết quả là các em được thỏa mãn với thắc mắc của mình. Đó cũng là cách khuyến khích các em đặt câu hỏi và... không chán giáo viên.

Đã không ít lần học trò đến tâm sự với tôi rằng: “Em rất thích học môn của thầy, tại vì môn của thầy kể nhiều câu chuyện cho bọn em”. Tôi bỏ ra rất nhiều giờ để vào thư viện tổng hợp tra cứu để có dịp kể thêm cho học trò nghe những câu chuyện thú vị khi giảng về thời khẩn hoang mở cõi ở miền Nam.  

Trong lúc giảng cho các em nghe về Thảo cầm viên, tôi có kể trong sách Vương Hồng Sển ghi rằng người thời trước gọi là “Sở Cọp”, vì hồi xưa vùng đất Nam bộ có rất nhiều cọp Đông Dương. Đêm đêm cọp nhớ rừng gầm vang cả Sài Gòn. Tôi còn tìm thêm trên mạng cho các em xem hình người ta bán da cọp ở trước nhà hát thành phố, để các em tưởng tượng ra Sài Gòn khi chưa khai phá hết trong thời Pháp thuộc. Hay chuyện nhà nào có nuôi chó dắt tới cầu Thị Nghè thì không dám đi nữa, vì chó nghe mùi khét của cọp thì sợ hãi. Các em nghe thì rất thích, vì thấy có liên hệ với chỗ mình đã đi chơi qua.

Tôi cũng phải thường xuyên lên internet để cập nhật các hình ảnh làm cho bài giảng thêm phong phú. Trong những ngày đầu tháng 4 này, các trò lớp 6 của tôi rất hào hứng khi học tới bài Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán - bài cuối cùng trong sách giáo khoa. Và ở những bài này các em sẽ được được xem phim hoạt hình “Đại chiến Bạch Đằng” (của nhóm sinh viên Hồng Bàng làm và nổi tiếng trên mạng). 

Riêng học sinh lớp 6 sẽ được ưu ái hơn các khối lớp khác. Tôi đưa các em đến Bảo tàng lịch sử để tham quan trong một tiết học. Vẫn như năm trước, các em sẽ đến học về chủ đề Champa. Năm trước, tôi có yêu cầu các em khi viết thu hoạch phải viết email hỏi nhà nghiên cứu Inrasara về chủ đề các em quan tâm. Có em đã làm và được nhà nghiên cứu trả lời. Mấy em rất hãnh diện và đã viết phần trả lời đó vào bài nộp. Đó là cách tăng tương tác, nghe nhìn, tự tìm hiểu... để học trò cảm thấy mình có tham gia nhiều hơn vào nội dung học.


Lê Dũng
Giáo viên dạy Sử tại TP.HCM

>> Học sinh chê môn Sử
>> Cần đưa vào môn sử những sự kiện có trong thực tế
>> Sau môn sử sẽ là môn gì?
>> Hiếm học sinh chọn thi môn sử
>> Gợi ý giải đề thi môn sử

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.