Theo đó, đứng đầu bảng là ĐH Thanh Hoa (Bắc Kinh, Trung Quốc), tiếp theo ĐH Quốc gia Singapore (NUS). Quốc gia có nhiều ĐH lọt vào bảng xếp hạng nhất là Nhật Bản, với 103 trường (năm ngoái là 89 trường). Tiếp theo là Trung Quốc 72 trường (năm ngoái 63 trường).
Riêng khu vực ASEAN, Singapore vẫn là nước nổi lên hàng đầu với 2 trường lọt vào top 10. Có 5 ĐH của Đông Nam Á trong tốp 100, trong đó Singapore có 3 trường, Malaysia 1 trường, Philippines 1 trường.
Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết THE có 2 bảng xếp hạng: châu Á và thế giới. Các trường ĐH muốn tham gia các bảng dữ liệu này đều phải chuẩn bị hồ sơ dữ liệu riêng. Vì bảng xếp hạng châu Á của THE khá mới với nhiều trường nên các trường đều không chuẩn bị kịp. “Việc tham gia xếp hạng không chỉ đơn giản là có thông tin gì gửi nấy mà phải nghiên cứu kỹ, có đối sánh, các tiêu chí mà bảng xếp hạng đề ra”, tiến sĩ Huy nói.
Theo tiến sĩ Huy, hiện nay các trường ĐH, ĐH trong nước mới quan tâm chủ yếu tới bảng xếp hạng QS và đầu tư cho việc tham gia bảng xếp hạng này. Còn với THE, những trường mạnh về khoa học ứng dụng và công bố quốc tế sẽ có nhiều cơ hội hơn.
PGS Vũ Văn Yêm, trợ lý Ban giám hiệu về chiến lược phát triển, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng cho biết bảng xếp hạng châu Á của THE rất mới nên hiện trường mới chỉ dừng lại ở mức độ “nghiên cứu” để nếu có thể thì sẽ tham gia vào các năm sau. “Hiện trường đang tập trung cho QS World (QS thế giới) theo nhóm ngành vì thấy phù hợp nhất với trường, phản ánh đúng thực lực của trường, và tốt cho người học. Nó giúp người học có thông tin khi muốn chọn học nhóm ngành nào của trường nào, bởi một trường không phải mạnh tất cả khía cạnh được”, PGS Yêm cho biết.
PGS Yêm nói thêm: “Tham gia bảng xếp hạng nào thì trường phải nghiên cứu kỹ. Quan trọng là phải thực chất. Theo cái nào mà tốt cho mình thì mới làm. Còn không thì sẽ chỉ tham khảo, để làm định hướng phát triển cho nhà trường, cho người học. Nếu không hiểu bản chất mà cứ chạy theo thì sẽ rối cho sự phát triển của trường”.
tin liên quan
Lĩnh vực vật lý của Đại học Quốc gia Hà Nội lại được xếp hạng thế giớiTheo tiến sĩ Phạm Hiệp, nhà nghiên cứu độc lập về giáo dục, việc không có ĐH nào của VN trong bảng xếp hạng của THE là điều dễ hiểu. Bởi theo quy trình, muốn được xếp hạng, các trường phải gửi dữ liệu cho THE. Hai ĐH quốc gia là có cơ hội lớn nhất có thể lọt vào xếp hạng của THE nhưng hiện đang theo bảng xếp hạng QS.
“Trong bối cảnh hiện nay, việc tham gia bảng xếp hạng quốc tế là điều không thể không làm với các ĐH nghiên cứu ở nước ta vì xếp hạng như THE, QS nói chung vẫn là cuộc chơi của các ĐH nghiên cứu, mà ĐH nghiên cứu cũng có sứ mệnh dẫn dắt cả hệ thống giáo dục ĐH, nên việc họ phải tiên phong hội nhập là đương nhiên. Mặc dù vậy, chúng ta cũng nên cân nhắc lựa chọn tham gia một bảng xếp hạng trong giai đoạn này thôi, vì việc tham gia bảng xếp hạng sẽ kéo theo việc đầu tư nguồn lực để tập hợp dữ liệu, gửi thông tin. Chúng ta chưa nên rải sức tham gia nhiều bảng xếp hạng cùng lúc. Việc đó chỉ có thể làm khi các ĐH của chúng ta lớn mạnh hơn, có nhiều nguồn lực hơn”, tiến sĩ Phạm Hiệp nhận xét.
Bình luận (0)