'Viết sách khó hơn bài báo khoa học công bố quốc tế'

08/06/2017 08:05 GMT+7

Mặc dù nhiều nhà khoa học không đồng tình với một số quy định trong dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư nhưng trong bản dự thảo gần đây nhất vẫn giữ nguyên những điều này.

Phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hải Thập (ảnh), Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, xung quanh vấn đề này.
Báo Thanh Niên đã có loạt bài về những quy định không hợp lý trong dự thảo quy định bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư
       
Xin ông cho biết quan điểm của Bộ GD-ĐT như thế nào khi vẫn giữ các quy định cứng về viết sách, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, dù giới chuyên môn phản đối quyết liệt, như Thanh Niên đã có loạt bài phản ánh trong tháng 4 vừa qua?
Nội dung của dự thảo này phải được xây dựng trên cơ sở quy định của luật Giáo dục, luật Giáo dục ĐH. Cả hai luật này đều quy định phó giáo sư (PGS), giáo sư (GS) là các chức danh của giảng viên, tức là của nhà giáo giảng dạy ở bậc ĐH. Mà giảng viên thì có 2 nhiệm vụ chính là giảng dạy và nghiên cứu. Việc yêu cầu PGS, GS phải viết sách không chỉ nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu mà còn giúp cho sinh viên có tài liệu để học tập và nghiên cứu tốt hơn. So với việc công bố quốc tế các bài báo khoa học thì viết sách là một việc làm khó hơn, đòi hỏi phải đầu tư về trí tuệ, thời gian và sự tâm huyết. Có được cuốn sách hay không chỉ thể hiện quá trình lao động nghiêm túc của các nhà khoa học mà còn là sản phẩm “để đời” cho các thế hệ sau.
Về vấn đề thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đây cũng là hoạt động nghiên cứu. Để hoàn thành nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong đó đã có công bố bài báo khoa học, thậm chí phải công bố quốc tế các bài báo đó. Mặt khác, kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học còn được ứng dụng vào thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động này cần có sự đóng góp của các GS, PGS.

Theo quy chế đào tạo tiến sĩ, những giảng viên có trình độ tiến sĩ đã tham gia đào tạo, hướng dẫn nghiên cứu sinh. Do đó, quy định ứng viên chức danh GS có hướng dẫn nghiên cứu sinh là hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên, ban soạn thảo cũng không cực đoan về vấn đề này. Trong dự thảo, chúng tôi cũng đã đề xuất: “Ứng viên không có sách thì được bù bằng điểm bài báo khoa học; ứng viên không thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ hoặc không hướng dẫn thạc sĩ, tiến sĩ thì thay thế bằng bài báo khoa học công bố quốc tế”. Có nghĩa là vẫn khuyến khích việc viết sách nhưng ai có thế mạnh về công bố quốc tế thì có thể cho phép thay thế.
Nhưng như GS Ngô Bảo Châu cho biết trong bài phỏng vấn với Thanh Niên, cho đến khi được giải Fields, được ĐH Chicago mời về làm GS thì GS Châu vẫn chưa hề viết một cuốn sách nào!
VN mình khác các nước ở chỗ luật của mình quy định giảng viên (trong đó có GS, PGS) là phải vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, còn các nước thì GS có thể chỉ nghiên cứu thôi chứ không nhất thiết phải giảng dạy. VN cũng có các nhà khoa học chỉ chuyên nghiên cứu, họ làm việc trong các viện nghiên cứu. Hiện nay ở nước ta tồn tại 2 loại chức danh nghề nghiệp, một cho nghiên cứu (theo luật Khoa học công nghệ), một cho giảng dạy (theo luật Giáo dục và luật Giáo dục ĐH).

Có ý kiến cho rằng chưa là GS mà bắt buộc đào tạo tiến sĩ thì e sẽ không đảm bảo chất lượng đào tạo?
Trong quy chế đào tạo tiến sĩ, điều kiện để mở ngành đào tạo tiến sĩ, yêu cầu phải có đội ngũ giảng viên có bằng tiến sĩ trở lên (nếu có chức danh PGS hoặc GS thì càng tốt). Như vậy, trước khi được bổ nhiệm chức danh PGS, nhiều tiến sĩ đã tham gia đào tạo và hướng dẫn nghiên cứu sinh. Một giảng viên có chức danh PGS có đủ điều kiện và năng lực để tham gia đào tạo tiến sĩ. Trong dự thảo đề xuất ứng viên chức danh GS đã được bổ nhiệm chức danh PGS. Do đó, đưa ra quy định ứng viên chức danh GS có tiêu chuẩn hướng dẫn nghiên cứu sinh là phù hợp.
Về cơ bản, các tiêu chuẩn chức danh PGS, GS ở dự thảo đang xây dựng không khác mấy so với quy định hiện hành. Vậy tại sao lại đặt vấn đề xây dựng hoàn toàn mới một quy định thay vì chỉ sửa đổi bổ sung một số nội dung chưa phù hợp?
Dự thảo mới có nhiều điểm mới, ví dụ dự thảo đưa ra việc phân chia riêng biệt nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn. Trước đây không bắt buộc ứng viên phải công bố bài báo quốc tế, nay bắt buộc phải có. Tổng điểm công trình khoa học quy đổi tăng lên, quy đổi điểm bài báo quốc tế cũng có sự phân biệt mức độ khác nhau rõ rệt.
Với những điểm mới này thì việc xây dựng mới một quy định là hoàn toàn hợp lý.

Được chọn tiêu chuẩn thay thế
Về yêu cầu công bố quốc tế kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, với nhóm ngành khoa học tự nhiên, phiên bản dự thảo mới nhất vẫn chỉ giữ mức yêu cầu ứng viên PGS có 2 bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế (thuộc hệ thống ISI hay Scopus), còn ứng viên GS chỉ cần có 3 bài. Từ năm 2020 trở đi mới tăng lên. Các nhóm khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn yêu cầu thấp hơn, chỉ một bài báo ISI hoặc Scopus với ứng viên PGS và 2 bài báo với ứng viên GS. Với 2 nhóm ngành này, ứng viên PGS, GS đều có thể dùng sáng chế độc quyền hoặc sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới (dù chỉ viết một chương trong cuốn sách) thay thế tiêu chuẩn bài báo ISI/Scopus.
Về tiêu chuẩn viết sách, chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học, hướng dẫn thạc sĩ/nghiên cứu sinh..., ứng viên PGS thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ tham gia biên soạn ít nhất một sách phục vụ đào tạo (GS 2 cuốn, trong đó có một sách chuyên khảo). Ứng viên PGS thuộc nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn phải tham gia biên soạn ít nhất 2 cuốn (GS 3 cuốn). Các ứng viên PGS/GS phải chủ trì thực hiện ít nhất 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở/cấp bộ. Hướng dẫn ít nhất 2 học viên đã được cấp bằng thạc sĩ (với PGS), 2 nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ (với GS).
Nội dung mới được đưa vào phiên bản dự thảo mới nhất là cho phép ứng viên nếu thiếu một trong 3 tiêu chuẩn viết sách, chủ trì nhiệm vụ khoa học, đào tạo thạc sĩ/tiến sĩ thì được thay thế bằng tiêu chuẩn bài báo mà ứng viên là tác giả chính đã được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus.
Ý KIẾN
Thất vọng với dự thảo mới
Khi góp ý cho các tiêu chuẩn PGS, GS, tôi chỉ muốn loại bỏ mấy rào cản phi khoa học, cản trở nhiều người rất xứng đáng trở thành GS hay PGS. Nếu có thêm nhiều người xứng đáng thì chất lượng bình quân sẽ tốt hơn, và những tài năng sung sức ấy có thể đóng góp đắc lực và hiệu quả hơn cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của nước nhà. Nhưng khi tiếp cận với dự thảo mới, tôi rất thất vọng.
GS Hoàng Xuân Phú (Viện Toán học, Viện Hàn lâm khoa học VN)
Việc bổ nhiệm quan trọng hơn công nhận
Hiện chúng ta đang quá chú ý tới việc xét công nhận, đẩy quá lớn việc này lên, mà xem nhẹ việc bổ nhiệm. Trong khi việc bổ nhiệm mới quan trọng, bởi từ nhu cầu mới xét những người đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm. Giả sử giờ bộ môn A của trường B có người được công nhận đạt tiêu chuẩn GS nhưng bộ môn đó đủ GS rồi, không bổ nhiệm thêm GS nữa, liệu có được không?
  Hiệu trưởng một trường ĐH kỹ thuật tại Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.