Xây dựng TP.HCM thông minh cần vốn nhân lực quốc tế

19/08/2019 09:00 GMT+7

Vì sao TP.HCM phải gấp rút đào tạo nhân lực đạt trình độ quốc tế? Lời giải này được bàn thảo, mổ xẻ, hiến kế tại hội thảo 'Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở TP.HCM' do UBND TP.HCM vừa tổ chức ngày 15.8.

 

Tăng tốc đào tạo tiếng Anh

Theo tiến sĩ Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, trong những năm qua, hệ thống giáo dục của TP.HCM có bước phát triển vượt bậc về số lượng trường học, cơ sở giáo dục được thành lập, số lượng học sinh, sinh viên, người học. Nhờ sự đa dạng hóa các loại hình, các chương trình đào tạo, mở rộng liên kết hợp tác đào tạo đã góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội lẫn đòi hỏi về nhân lực trình độ quốc tế của TP.
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn cũng khẳng định chất lượng dạy - học tiếng Anh của TP.HCM ngày càng cải thiện, nâng cao và chất lượng sinh viên đầu vào có chuẩn tiếng Anh cao nhất cả nước. Tuy nhiên, nguồn tuyển sinh đầu vào các trường ĐH còn gặp nhiều khó khăn do sinh viên không đủ trình độ tiếng Anh để theo học các chương trình theo chuẩn quốc tế.
Còn PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc thường trực ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ: “Để có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển, TP cần có cơ chế đặt hàng đối với các đơn vị đào tạo, đa dạng hóa nguồn ngân sách, nâng cao hiệu quả học tiếng Anh, bởi ngoại ngữ là yếu tố then chốt trong quá trình phát triển”.
Chia sẻ những khó khăn này mà các đại biểu, các trường ĐH nêu, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, chỉ đạo cần phải tăng tốc nâng cao trình độ tiếng Anh cho học sinh, sinh viên TP. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đào tạo giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn, mở rộng kiểm định quốc tế về năng lực tiếng Anh để thực hiện các chương trình quốc tế, triển khai các môn học, chương trình đào tạo quốc tế...
Nhiều ý kiến đề nghị TP cần đầu tư mạnh hơn vào cơ sở vật chất cho các trường học, cơ sở giáo dục để hỗ trợ tốt nhất cho công tác dạy và học tiếng Anh. Bên cạnh đó cần đưa ra các chính sách linh hoạt, khuyến khích, mở rộng đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh cho mọi đối tượng người học.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ đạo TP.HCM cần phát triển mạnh mẽ hợp tác công - tư theo từng nhóm chuyên đề, từng nhu cầu của các cơ sở giáo dục. Qua đó mở rộng hợp tác để tăng tốc nâng cao trình độ tiếng Anh, chuẩn hóa đào tạo giáo viên nhằm thực hiện được chương trình quốc tế, triển khai các môn học, chương trình đào tạo trình độ quốc tế. Cùng với việc kiểm định chất lượng giáo dục theo chuẩn quốc tế cần chú trọng công tác khảo thí, chuẩn hóa đánh giá năng lực ngôn ngữ tiếng Anh theo các chuẩn quốc tế.
Đoàn học sinh TP.HCM thiết kế sản phẩm sáng tạo tại cuộc thi Toán tổng hợp quốc tế tại Thái Lan

Đoàn học sinh TP.HCM thiết kế sản phẩm sáng tạo tại cuộc thi Toán tổng hợp quốc tế tại Thái Lan

Dẫn đầu về nhân lực TP.HCM mới dẫn đầu về kinh tế

Đó là khẳng định của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân tại hội thảo. Theo ông, nhân lực là điểm tựa, khoa học công nghệ là đòn bẩy, vì thế TP phải tập trung nguồn lực, tìm giải pháp phù hợp để đào tạo nhân lực trình độ quốc tế cho mục tiêu phát triển TP thông minh, bền vững.
Trước xu thế bùng nổ của cuộc cách mạng kỹ thuật 4.0, tự động hóa lên ngôi, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc cần phải làm là chuẩn bị, tạo nền tảng đào tạo tốt cho người học thích nghi lâu dài, còn những người đang có việc làm phải học tập nâng cao trình độ của mình. Đây là xu hướng, nhu cầu của người dân về “học tập suốt đời thông minh”.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng cần đẩy mạnh hơn giáo dục thông minh, xây dựng trường học thông minh, hình thành chương trình đào tạo mở trên mạng miễn phí... Tham gia hội thảo này, nhiều trường ĐH, tổ chức giáo dục, doanh nghiệp và chuyên gia nước ngoài đã chia sẻ kinh nghiệm, góp ý, hiến kế để TP.HCM có nguồn vốn nhân lực quốc tế đáp ứng nhu cầu, tiềm năng phát triển bền vững, thông minh.
Ông Alan Malcom, Tổng giám đốc khu vực châu Á Tập đoàn Pearson, cho rằng song song với việc chuẩn hóa dạy và học tiếng Anh, chương trình dạy các môn học khác bằng tiếng Anh cần được đẩy mạnh nhằm nâng cao sự quen thuộc với tiếng Anh cho học sinh ngay từ trên ghế nhà trường. Tiếng Anh không chỉ được dạy như môn ngoại ngữ, mà là một công cụ giao tiếp và công cụ học tập các môn học khác. Điển hình là chương trình tích hợp - dạy tiếng Anh, toán, khoa học bằng tiếng Anh theo đề án được UBND TP.HCM cho phép và do Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với EMG Education triển khai. Học sinh theo học chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh theo phương pháp tích hợp nội dung và ngôn ngữ từ rất sớm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.