Xét tuyển vào ĐH: Có nên chỉ xét điểm học bạ lớp 12 ?

Hà Ánh
Hà Ánh
10/01/2020 07:55 GMT+7

Câu hỏi này được đặt ra trong bối cảnh ngày càng nhiều trường ĐH sử dụng phương thức xét tuyển học bạ . Trong đó có những trường chuyển từ xét điểm học bạ của 5 - 6 học kỳ sang chỉ còn 2 học kỳ lớp 12.

 

Nhiều trường lựa chọn

Nếu 4 - 5 năm trước đây xét tuyển học bạ chỉ được sử dụng ở các trường tư thục thì nay ngày càng nhiều trường ĐH công lập chọn phương thức này. Cùng với việc mở rộng số lượng trường công, các trường không ngừng mở rộng chỉ tiêu và ngày càng rút ngắn số học kỳ làm căn cứ tính điểm xét tuyển.

Một số trường dừng, không sử dụng phương thức xét học bạ 

Trường ĐH Nha Trang đã có 2 năm sử dụng phương thức xét học bạ và quyết định dừng tuyển sinh sau khi phân tích kết quả học tập của sinh viên. Theo đó, năm 2017 và 2018 trường ĐH này dành 30% xét tuyển dựa vào điểm học bạ lớp 12, nhưng đến năm 2019 trường dừng phương thức này, thay thế bằng xét điểm tốt nghiệp THPT và xét điểm bài thi năng lực.

Trường ĐH Cần Thơ chưa từng xét tuyển bằng học bạ và dự kiến không sử dụng phương thức này trong năm 2020. Theo đại diện trường này, trường chưa muốn sử dụng phương thức mới bởi đến hiện tại phương thức xét điểm kỳ thi THPT quốc gia vẫn giúp đánh giá năng lực người học tốt và trên một thang đo chung đáng tin cậy nhất.

Bên cạnh đó, có trường bổ sung phương thức xét học bạ dựa vào điểm trung bình 5 học kỳ thay vì chỉ xét điểm lớp 12 như trước đó. Mới đây nhất, trong phương án tuyển sinh 2020 đã công bố, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM bổ sung phương thức xét tuyển mới là tổng điểm trung bình 5 học kỳ (bên cạnh phương thức xét 2 học kỳ như trước). Theo đó, điều kiện xét tuyển là thí sinh có tổng điểm trung bình 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12) đạt từ 30 điểm trở lên.
Ngay trong phương án tuyển sinh 2020 vừa công bố, nhiều trường đã chuyển từ việc xét học bạ dựa vào các môn theo tổ hợp xét tuyển lớp 10, 11 và 12 trước đây sang sử dụng điểm 3 môn lớp 12. Thay vì chỉ sử dụng học bạ xét một số ngành như trước đây, có trường mở rộng ra tất cả các ngành. Có trường dành tới 50% chỉ tiêu tại phân hiệu xét bằng cách này. Các trường ĐH địa phương, kể cả trường ĐH sư phạm cũng đang sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ mà chỉ tính lớp 12.

Rủi ro khi đánh giá năng lực người học

Thống kê số liệu từ một trường ĐH công lập có sử dụng phương thức xét tuyển học bạ vài năm gần đây cho thấy sự chênh lệch đáng kể về chất lượng học tập của sinh viên khi so sánh giữa các phương thức xét tuyển. Dựa vào số liệu so sánh kết quả học tập của sinh viên diện xét học bạ và sinh viên các phương thức khác năm học 2017 - 2018, kết quả cho thấy ở học kỳ 1 của năm học này, sinh viên nói chung của trường xếp loại học lực từ khá trở lên đạt trên 50% và loại yếu hơn 30%. Trong khi đó, riêng sinh viên diện xét học bạ không có người nào đạt loại giỏi và xuất sắc, chỉ trên 18% đạt loại khá và có tới gần 70% loại yếu. Kết quả học tập học kỳ 2 của năm học này cũng ở mức tương đương.
Từ số liệu thống kê đó, Trưởng phòng Đào tạo trường này nêu ý kiến: “Thực tế không thể phủ nhận là có một sự chênh lệch đáng kể về năng lực học tập giữa phương thức xét học bạ so với việc xét điểm kỳ thi THPT quốc gia. Có thể các trường cũng biết điều này nhưng việc mở rộng phương thức tuyển sinh, trong đó có xét tuyển học bạ vẫn cần để thu hút đầu vào”.
Tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cho biết: “Qua 2 năm triển khai xét tuyển bằng học bạ, theo thống kê chung có đến khoảng 20% sinh viên nhập học nghỉ học hoặc đuổi học do kết quả học tập yếu kém trong 1 - 2 học kỳ đầu, trong đó có hơn 1.000 sinh viên xếp loại yếu kém”. Theo tiến sĩ Phương, một trong những nguyên nhân chính và chủ yếu khi có tỷ lệ sinh viên yếu kém bị đuổi học là do trường sử dụng phương thức xét bằng học bạ, đặc biệt chỉ xét điểm 3 môn tổ hợp của kết quả lớp 12. Điều này làm cho sinh viên sau khi trúng tuyển không theo kịp chương trình học. “Điểm học bạ tiềm ẩn nhiều rủi ro khi đánh giá năng lực của học sinh”, ông Phương nhìn nhận.
Ông Phương nêu ví dụ điển hình là nhiều sinh viên có tổ hợp 3 môn xét bằng học bạ là 25 điểm, nhưng điểm thi THPT của 3 môn tương ứng chỉ 8 - 10 điểm (tức là chênh lệch đến hơn 17 điểm). Đặc biệt, khi xem kết quả học tập 2 học kỳ tại trường ĐH chỉ đạt điểm trung bình.

Không nên quá tin tưởng vào kết quả học bạ

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận: “Không nên quá tin tưởng vào chất lượng thí sinh tuyển bằng học bạ, dù 1 năm hay 3 năm. Bởi vì công tác đánh giá ở phổ thông chưa đảm bảo độ giá trị, độ tin cậy và tính công bằng. Hệ quả học kém, bỏ học... ở các sinh viên trúng tuyển bằng phương thức này là có thể hiểu được”.
Cũng theo PGS-TS Nghĩa, có thể các trường mở thêm ngành, tăng chỉ tiêu, cạnh tranh... nên chịu sức ép, phải tăng tuyển học bạ cho đủ chỉ tiêu. “Nếu chưa có hệ thống giải pháp hỗ trợ sinh viên yếu kém, tăng giá trị người học thì sinh viên sẽ tiếp tục bỏ học, gây lãng phí lớn cho xã hội”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Nhận định này hoàn toàn có cơ sở trước thực tế độ lệch điểm khá lớn theo thống kê điểm thi THPT quốc gia so với điểm trung bình lớp 12 của nhiều trường THPT tại TP.HCM năm 2017. Theo đó, trong hơn 240 đơn vị có đào tạo bậc THPT, có tới 97 trường độ lệch điểm từ 2 trở lên, có 8 trường lệch từ 3 điểm trở lên. Trong đó, trường lệch nhiều nhất có điểm trung bình học sinh lớp 12 đạt 8,14 trong khi điểm bình quân các môn thi THPT quốc gia chỉ đạt 4,3 điểm.
Do vậy, các trường ĐH cần có những đánh giá trong việc lựa chọn phương thức tuyển sinh nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào, tránh tình trạng sinh viên “đuối” trong quá trình học dẫn đến bỏ học, bị buộc thôi học gây lãng phí xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.