Bất chấp tất cả để... khác người?

03/04/2019 07:02 GMT+7

Trong một buổi nói chuyện cùng diễn giả, một bạn trẻ mạnh dạn khoe với mọi người về những đường xăm kín cả phần đầu của mình, hay chàng trai chọn mặc áo dài để tham gia sự kiện... là những biểu hiện đơn cử của sự khác biệt và mong muốn được khác biệt của người trẻ.

Không phải ai cũng chịu được nỗi đau khi xăm những họa tiết vào nơi có nhiều dây thần kinh như phần da đầu, cũng không phải bạn trai nào cũng có thể mặc chiếc áo dài đi ra đường giữa Sài Gòn hiện đại..., nhưng làm được vì các bạn khác biệt và luôn mong muốn được khác biệt.
Câu chuyện khác người được bạn trẻ rất quan tâm. Minh chứng là khá đông người trẻ ngồi chật kín khán phòng của chương trình đối thoại trẻ “Khác người có gì hay?” và cùng MC, nhà báo Trác Thúy Miêu khám phá về câu chuyện khác người.

Không có công thức chung cho sự khác biệt

Hãy khiến người khác nghiêng mình với những gì bạn làm được, bạn đóng góp cho xã hội mà quên mất đi sự khác biệt của bạn. Nếu muốn khác biệt thì hãy khác biệt như vậy
MC, nhà báo Trác Thúy Miêu
Đi ra từ chính câu chuyện của mình, được mọi người nhận định là một người khác biệt từ những phát ngôn gây sốc, hay từ khi học lớp 10 đã nghỉ học và bỏ nhà ra đi..., MC, nhà báo Trác Thúy Miêu cho rằng chúng ta bị quy ước bởi những định lệ, như đàn ông không được mặc váy đầm... Nhưng nếu mình không thấy đó là kỳ dị và mình thích điều đó thì cứ làm. Và nếu phạm trù đó chưa đến ranh giới của sự ác là ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, sinh mạng, nhân phẩm của người khác thì hoàn toàn có thể xác định được điều mình làm là đúng.
Một bạn trẻ thắc mắc: “Tại sao chị chọn sự khác biệt khi mới học lớp 10 đã nghỉ học?”, thì chị Miêu cho rằng đó là bản năng, chị bắt buộc phải ngưng học để đi học được cái mà chị muốn, cái mà nhà trường không cung cấp được cho chị.
Khi các bạn trẻ hỏi công thức để có thể khác biệt là gì, Trác Thúy Miêu khẳng định sự khác biệt cũng giống như những dấu vân tay, nó không lặp lại lần 2 và trên một cá thể khác. Nên không có công thức chung cho sự khác biệt và mỗi người hãy tự xây dựng cho mình một công thức nếu muốn là người khác biệt.
Cũng theo MC, nhà báo Trác Thúy Miêu: “Khác biệt cũng có những yếu điểm của sự khác biệt. Nhưng trong cuộc chiến giữa cuộc đời này, nếu mình giống người khác thì mình chỉ có cùng một thứ vũ khí nhưng nếu mình khác người thì không ai có thể đỡ được những vũ khí khác biệt đó của mình”.
Vũ Thùy Linh, cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại thương, đặt vấn đề: “Sức mạnh nào có thể khiến mình tạo nên được sự khác biệt để bỏ đi những lớp vôi vữa mà cũng chính là những khuôn mẫu xã hội thường gắn lên cho mỗi người?”. MC, nhà báo Trác Thúy Miêu cho rằng nền tảng đầu tiên để các bạn đập bỏ được những “lớp vôi vữa” trên người đó chính là tư duy phản biện.

“Hãy tập cho mình thói quen phản biện và chất vấn mọi vấn đề rằng: “có phải thế không?”, “có chắc không?”... Nếu gia đình, xã hội đặt để ta như thế này, như thế kia, hãy tự chất vấn và khi đó nếu lý luận của người lớn, của xã hội không đủ vững mạnh để lớp vôi vữa kia trở thành lớp bê tông và xây dựng nên tượng đài của bản thân mình một cách chắc chắn thì hãy tự đập nó đi. Nếu bạn cố ôm những lớp vôi vữa đó để đắp lên mình, bạn sẽ là một người cực kỳ bất hạnh”, chị Miêu nhấn mạnh.

Phải là những người khác biệt thành công

Nguyễn Thị Thu Phong, sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, đặt câu hỏi đầy bất lực: “Xã hội bao giờ cũng kỳ thị những đứa trẻ khác người, mình ngày xưa khác người và từng trải qua thời niên thiếu bị kỳ thị như vậy. Vì vậy mình không muốn chứng kiến cảnh những đứa em cũng bị tổn thương vì những kỳ thị như mình ngày trước, nhưng lại không biết cách nào để giải quyết”.
Chị Trác Thúy Miêu cho rằng bạn trẻ khao khát muốn định hình chân dung của mình, muốn xã hội thôi đừng kỳ thị nữa, và muốn được lắng nghe thì điều duy nhất là các bạn phải khác biệt... Cũng giống như giữa nguyên một dàn bè thì bạn phải là một nghệ sĩ solo thì bạn mới được lắng nghe, hoặc có đứa tự dưng muốn hát lạc tông để được lắng nghe...
Chị Miêu khuyên tất cả những sự khác biệt, bạn trẻ cần phải đi theo để xem có cái gì mà người ta cần đến như vậy, để thấy được rằng họ cần được người khác thừa nhận, cần được người khác chú ý, cần khác biệt và thậm chí cần những điều rất mâu thuẫn.
Một bạn gái trẻ tham dự chương trình kể câu chuyện bản thân rằng chính bạn không chịu được những áp lực, những định kiến mà người thân đang gắn cho chính sự khác biệt của bạn. Bạn gái này kể rằng bạn đã tốt nghiệp ngành luật và đi làm văn phòng được 3 năm. Nhưng theo học luật cũng vì nguyện vọng của gia đình vì ba bạn làm luật sư. “Sau 3 năm làm việc ở văn phòng, em cảm thấy rất chán và không tiếp tục được nữa. Nên đã nghỉ việc để thực hiện đam mê là làm MC và làm thơ. Rất nhiều người phản ứng, rồi nỗi buồn của ba mẹ, bao nhiêu tiền bỏ vào nuôi ăn học rồi giờ lại bỏ tất cả... Em thật sự bất lực và không biết làm sao để mọi người có thể chấp nhận được sự khác biệt này của em?”, bạn gái này tâm tư.
Chị Miêu thẳng thắn: “Gia đình xót bạn là đúng, tự dưng bạn trở thành một kẻ vô danh. Nếu bạn chọn đi theo con đường của bạn thì hãy nhanh nhanh làm một cái gì đó ra trò, nếu muốn khác biệt hãy trở thành những người khác biệt thành công. Hãy khiến người khác nghiêng mình với những gì bạn làm được, bạn đóng góp cho xã hội mà quên mất đi sự khác biệt của bạn. Nếu muốn khác biệt thì hãy khác biệt như vậy. Đừng sống vật vờ bên lề xã hội, hay ăn mặc kỳ dị rồi đòi hỏi người ta đối xử với bạn một cách bình đẳng. Đừng đạp đổ tất cả mọi thứ chỉ để sống héo hắt bên lề, nếu khác biệt kiểu đó thì đừng khác biệt”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.