Bất ngờ bài tập lịch sử qua 'Facebook' vua Quang Trung của học sinh lớp 9

15/09/2016 21:21 GMT+7

'Trên quan điểm một giáo viên, tôi cho rằng ý tưởng lập trang Facebook cho vua Quang Trung là một sự sáng tạo thú vị, cách học cần được khuyến khích...', cô Ngô Thị Thu Giang, giáo viên môn Ngữ Văn, người trực tiếp ra đề cho biết.

Ngày 15.9, trên một số diễn đàn mạng xã hội xuất hiện hình ảnh bài tập của một nhóm học sinh lớp 9 với những sáng tạo khá thú vị.

Yêu cầu của đề bài: "Hãy tóm tắt các sự kiện trong cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung ra Thăng Long và đánh thắng quân Thanh vào Tết Kỷ Dậu năm 1789"

Thay vì liệt kê các thông tin, sự kiện gắn liền với nhân vật lịch sử theo dạng bài viết, nhóm học sinh đã táo bạo thực hiện bài tập bằng cách lập cho Bắc Bình Vương một trang 'Facebook' với đầy đủ những thông tin cá nhân nhưng với cách trình bày hết sức thú vị.

Theo đó, ở phần 'profile' (tiểu sử) của vua Quang Trung, các em điền đầy đủ năm sinh, ngôi vị, quê quán và cả mối quan hệ của vị Hoàng đế thứ hai nhà Tây Sơn.

Các sự kiện nổi bật trên dòng thời gian (Timeline) của vua Quang Trung có thể kể đến như “Lên ngôi hoàng đế nước Đại Việt” và thông tin này có 150.000 lượt thích (like). Tin quân Thanh ở làng Hạ Hồi đầu hàng, thu hút 92.000 lượt like. "Bài đăng" Quang Trung đại phá quân Thanh vào ngày 5 tháng Giêng năm 1789, khiến Tôn Sĩ Nghị và Lê Chiêu Thống thể hiện cảm xúc tức tối…

"Facebook" của vị Hoàng đế Đại Việt cũng quan tâm đến các "bài báo" viết về chiến thắng của mình và đội quân, ông liên tục cập nhật tình hình chiến trận lên "Facebook cá nhân".
Trên từng chia sẻ (status) của vua Quang Trung, người xem còn tìm thấy cả những biểu tượng cảm xúc sống động như giận dữ, hy vọng gắn liền với các sự kiện lịch sử đương thời.
Bài tập tóm lược sự kiện vua Quang Trung đại phá quân Thanh của các học sinh lớp 9 gây sốt mạng Ảnh chụp màn hình

Theo tìm hiểu, bản tóm lược giai đoạn lịch sử đầy sáng tạo trên là bài tập nhóm môn Ngữ Văn của các học sinh lớp 9G trường liên cấp The Olympia (Hà Nội).

Chia sẻ với Thanh Niên, cô Ngô Thị Thu Giang, giáo viên môn Ngữ Văn - người trực tiếp ra đề cho biết cô cảm thấy rất bất ngờ và thích thú khi cầm trên tay bài làm đầy sáng tạo của các em.

Cô Thu Giang nói: “Trên quan điểm một giáo viên, tôi cho rằng ý tưởng lập trang Facebook cho vua Quang Trung là một sự sáng tạo thú vị, cách học cần được khuyến khích. Nó không chỉ phản ánh đầy đủ những sự thật lịch sử, bám sát với kiến thức từ sách giáo khoa mà còn thể hiện rõ mục tiêu của bài học, đó là đọc hiểu tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô Gia Văn Phái)”.

“Về mặt nội dung, tôi thấy các em đã tìm hiểu câu chuyện lịch sử sâu sắc ở nhiều khía cạnh, đánh giá đúng vai trò của nhân vật và chạm được đến chiều sâu của tác giả, tác phẩm. Về mặt hình thức, cách trình bày bài theo hướng như trên là thông minh và khơi gợi được nhiều cảm xúc, điều mà tôi luôn khuyến khích học trò mình phát huy”.

Chưa giỏi ngoại ngữ vẫn 'săn' được học bổng

(TNO) Khi nhắc đến 'bí quyết' nhận được học bổng 3 trường đại học của Pháp, Nguyễn Vũ Hưng cho rằng đã thuyết phục hội đồng xét duyệt không phải bằng ngoại ngữ mà là chính khả năng nghiên cứu của mình.

Nhóm học sinh có bài làm sáng tạo này gồm 5 em: Linh Đan, Hoàng Nhi, Thùy Trang, Thu Hằng và Minh Thư.

Vũ Tú Anh để lại bình luận sau khi xem bài tập của nhóm học sinh: "Trên một trang giấy vậy thôi mà bao nhiêu nội dung được đưa vào, bao nhiêu nhân vật xuất hiện. Thể hiện bài học lịch sử qua hình ảnh một trang Facebook cá nhân, các em không chỉ đưa ra thông tin, mà còn giúp người xem như cảm nhận được tinh thần, khí thế, thái độ của nhân vật nữa. Quá tuyệt vời!".
Minh Hưng cũng đồng ý với quan điểm trên. Hưng viết: "Cách này để hệ thống bài hay đấy chứ. Mỗi người có cách ghi nhớ và hệ thống bài khác nhau, miễn sao nhớ lâu nhất là tốt rồi. Bài làm này không chỉ có môn Văn, môn Lịch sử, môn Mỹ thuật mà còn mang cả tính sáng tạo, độc đáo và hiện đại nữa".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.