Bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư: Làm gì để bảo vệ con an toàn?

02/03/2021 08:42 GMT+7

Sự việc bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư may mắn được cứu sống, thử nghĩ, nếu không có người hùng ấy, bé sẽ ra sao? Sẽ là nỗi ân hận của bố mẹ, gia đình, là nỗi xót xa của nhân viên ngành y tế.

Từ câu chuyện thót tim của bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư ở Hà Nội vừa qua, TS-BS Phạm Lê Duy, bác sĩ tại phòng khám dị ứng và miễn dịch lâm sàng, giảng viên bộ môn sinh lý - sinh lý bệnh - miễn dịch của Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đã kể lại những trường hợp đau buồn gây tử vong hoặc để lại thương tật suốt đời cho trẻ vì những tình huống không ai ngờ tới, cũng như là những điều mà phụ huynh nên làm để có thể bảo vệ trẻ an toàn.

Trẻ rơi từ chung cư cao tầng: Phụ huynh vô tình “bắc thang” cho trẻ!

Những trường hợp chấn thương đau lòng ở trẻ

Không thể không xót xa khi nhìn thấy cảnh một em bé trèo ra lan can, rồi rơi từ tầng 12 xuống. Bác sĩ Duy cho biết những vụ việc tương tự đã từng xảy ra cách đây hơn 10 năm, khi bác sĩ Duy đang làm nghiên cứu về chấn thương trẻ em tại khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cùng với PGS.TS.Đoàn Thị Ngọc Diệp (Nguyên giảng viên Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y Dược TP.HCM). Trong quá trình thu thập hồ sơ, bác sĩ Duy đã thấy các ca chấn thương ở trẻ, rất xót xa về những trường hợp tử vong hoặc để lại thương tật suốt đời cho các em vì những tình huống không ai ngờ tới.

Trường hợp đầu tiên là một em bé đang ngủ trong nhà, mẹ thấy bé ngủ ngon nên khóa cửa ra ngoài đi chợ, nghĩ rằng mình sẽ về nhanh thôi. Nhưng khi bé thức dậy, không thấy mẹ và ai bên cạnh nên bé hoảng hốt đi tìm mẹ. Cửa ngoài thì khóa, bé chỉ có cách leo ra cửa sổ nhảy xuống đất từ tầng 2. Bé nhập viện vì gãy 2 chân...

Trường hợp thứ 2 là một bà mẹ đang lau nhà thì có cuộc điện thoại gọi đến, bà để vội cây lau và xô nước ở một góc nhà và trả lời cuộc gọi. Đến khi bà quay lại thì thấy đứa con gần 2 tuổi của mình ngã chúi đầu vào xô nước, bé bị ngạt nước nhập viện và tổn thương não vĩnh viễn.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy tha thiết mong muốn các bậc phụ huynh xin hãy luôn để con trong tầm mắt

NGỌC DƯƠNG

Cũng một trường hợp đau lòng là một em bé 2 tuổi, người nhà để bé chơi với một con chó nuôi trong nhà. Do các hành động bất ngờ của em bé, nên em bị chó cắn nát phần mềm của vùng mặt, biến dạng vĩnh viễn.

Nhiều trường hợp em bé nhập viện vì chấn thương đầu do các thiết bị điện tử như ti vi, máy tính để bàn, kệ tủ rơi vào đầu do các bé hay cầm nắm, lôi kéo các sợi dây cắm điện của các vật dụng ấy.

Rồi cũng có những trường hợp là nhiều em nhập viện vì uống phải các loại hóa chất (dầu hỏa, nước lau nhà, xà phòng...) đựng trong các chai nước uống đã qua sử dụng mà không được bảo quản ở xa tầm tay của trẻ. Nhiều em thì lại nhập viện do ăn phải thuốc của người lớn do tưởng đó là kẹo.

“Còn nhiều những trường hợp khác nữa mà tôi không thể nhớ hết. Lúc tôi làm nghiên cứu, có người đã hỏi tôi rằng 'người ta cũng làm nhiều nghiên cứu như vậy rồi, sao em còn làm nữa?'. Lúc đó tôi trả lời và cảm thấy câu trả lời của mình vẫn còn đúng đến bây giờ 'nhiều người đã làm, nhưng tai nạn vẫn xảy ra. Nên em chỉ mong nghiên cứu của mình góp thêm một lời cảnh báo để có thể giúp các ông bố bà mẹ cẩn thận hơn khi nuôi con, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra...'”, bác sĩ Duy nhớ lại.

Cư dân hoảng sợ sau vụ việc bé gái rơi chung cư

Xin hãy để con trong tầm mắt!

Tiến sĩ, bác sĩ Duy cho biết trong nghiên cứu mà anh tiến hành trên các ca nhập cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 vào năm 2010, các trường hợp tai nạn trẻ em do ngộ độc là thường gặp nhất, sau đó là đến tai nạn giao thông, té ngã, động vật cắn, ngạt nước và bỏng.

“Thế thì các ông bố bà mẹ ơi, đừng bao giờ để con xa khỏi tầm mắt của mình và đừng bao giờ bỏ con một mình, cho dù là trong chính ngôi nhà của bạn, vì gần 50% các trường hợp tai nạn trẻ em là xảy ra trong nhà và xung quanh nhà. Nhà có con nhỏ, xin hãy kiểm tra hết những yếu tố nguy cơ có thể gây tai nạn cho con”, bác sĩ Duy nhắn gửi.

Bác sĩ Duy khuyên các bậc phụ huynh không để con nhỏ chơi với các loại thuốc vì bé có thể ăn phải, bởi lẽ trong các trường hợp ngộ độc do tai nạn thì ngộ độc do thuốc là thường gặp nhất. Luôn đóng các cửa sổ, hoặc gia cố thêm các rào chắn ở cửa sổ, ban công, lan can cầu thang... tránh trẻ leo trèo và té ngã. Trong các tình huống té ngã thì té lầu, gác và cầu thang là thường gặp nhất.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy

NVCC

Bác sĩ Duy cũng đặc biệt lưu ý đối các vật dễ rơi (ti vi, máy móc, hồ cá, chậu cây...) thì phụ huynh nên để thật kiêng cố, dẹp hết các dây nhợ lòng thòng mà bé có thể nắm được. Các thau nước, chậu nước thì luôn phải úp lại hoặc cất đi, không nên để nước bên trong vì bé có thể ngã vào bất cứ lúc nào. Các chai đựng hóa chất phải dán nhãn ghi rõ là loại gì, cất vào tủ, khóa lại, hoặc để trên cao ngoài tầm với của trẻ. Không để bé chơi với các loại đồ vật nhỏ mà bé có thể nuốt vì có thể gây hóc, nghẹt thở cho trẻ. Các túi giấy, túi ni lông phải để xa tầm với của trẻ vì trẻ có thể cho đầu vào đó, gây nghẹt thở. Không để trẻ chơi với các loại thú lớn, đặc biệt là chó, vì chúng dễ bị kích động bởi các hành vi bộc phát và tiếng nói với âm vực cao của trẻ, có thể tấn công trẻ bất cứ lúc nào.

“Còn nhiều những mối nguy hiểm khác xung quanh trẻ mà tôi không thể chia sẻ hết ở đây, một vài chia sẻ mong sẽ hữu ích với tất cả ông bố, bà mẹ. Từ câu chuyện bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư khiến nhiều người thót tim, luôn biết rằng chúng ta cho trẻ tự do vận động để phát triển, nhưng hãy lường trước các nguy cơ gây tổn thương cho trẻ để phòng ngừa, và xin hãy luôn để con trong tầm mắt”, bác sĩ Duy nhắn gửi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.