Không biết từ bao giờ, khi tôi nhớ được mặt chữ thì đã thấy hàng cà na xanh um dưới bến sông nhà ngoại. Mặc nước sông khi lớn khi ròng, cây cà na vẫn vững chãi nơi mé sông, dần dà thành những gốc cây cổ thụ. Tán cây rộng che mát cả một khoảng bờ, ngoại hay cột sợi dây xuồng vô gốc cây thiệt chặt. Cây cao vững chãi, rễ bám sâu vào đất chắt nịch, giữ xuồng, giữ bến cho mỗi nhà ven sông.
Dọc một khúc sông quê ngoại, không nhà nào là không có cà na trồng ngay trước bến. Nó trở thành thứ cây quen thuộc đến nỗi người ta không nhớ ai trồng, không nhớ nó đã bao tuổi, chỉ nhớ con nước vừa lên là cà na nở bông, ra trái trĩu cành. Là người xứ sông nước miền Tây, đứa trẻ con nào cũng phải ít nhất vài lần trèo cây bẻ cà na. Mỗi độ con nước về, con nít tụi tôi hồi xưa mê trái cà na như mê lồng đèn mùa trăng, mê bánh mứt ngày tết. Chiều chiều lại í ới gọi nhau, đứa bưng rổ, đứa xách cây, gom lại nhà đứa nào có cây nhiều trái to nhất, đứa trèo, đứa lấy cây khều, đứa rung cây cho cà na rụng.
Trái cà na to cỡ bằng ngón tay cái, màu xanh, kết thành chùm, nằm lẫn vào trong lá. Khi già trái ngã sang màu hơi vàng, căng bóng. Cà na ngon là trái to, thịt dày và có vị chua chua chát chát. Tụi con nít chúng tôi ưa nhất là món cà na đập dập chấm muối ớt thiệt cay, thêm món cà na ngào đường, chua chua ngòn ngọt của ngoại tôi khiến mỗi lần nhớ tới lại không khỏi suýt xoa. Như một thông lệ, hễ cứ tới mùa nước nổi, món quà quê ngoại gửi lên thành phố cho đứa cháu học xa nhà sẽ là một hủ cà na ngào đường vàng óng, ăn mãi không chán. Ăn vừa hết là lòng lại rộn ràng mong ngóng đến một mùa nước sau. Giờ đã có giống cà na một năm cho ra mấy mùa trái, nhưng không hiểu sao cà na ven sông quê mình, vẫn thơm dày, làm mứt ngon hơn hẳn. Phải chăng vì chúng được nuôi dưỡng bằng những dòng phù sa ngọt đậm lòng sông do mỗi đợt con nước đổ về?
Nghe ngoại tôi nói bây giờ cà na được giá lắm. Dân quê cũng kiếm được đồng ra đồng vô từ loại trái dân dã này. Cà na đã thoát khỏi chợ quê lên vùng thị thành, tới tận nước ngoài. Tôi vui thầm vì cà na vẫn sống, vẫn sinh sôi, vẫn căng mình giữ từng nắm đất quê và giữ cả ký ức tuổi thơ của nhiều người.
Bình luận (0)