Chế tạo robot để phục vụ việc học

17/09/2011 09:01 GMT+7

“Mình học để làm robot và làm robot phục vụ học tập” - Phạm Ngọc Anh Tùng (sinh viên năm 4 khoa điện - điện tử, ĐH Bách khoa TP.HCM) chia sẻ.

Từ thời học cấp III, Anh Tùng đã rất mê những con robot khi theo dõi các trận thi đấu Robocon Việt Nam trên truyền hình. Khát khao có thể tự mình chế tạo robot, Tùng quyết định đầu quân vào ĐH Bách khoa để có nhiều điều kiện và cơ hội thực hiện ước mơ, thay vì thi vào kinh tế như dự định từ nhỏ.

Tập trung tích lũy kiến thức về thiết kế robot, từ năm 2 ĐH Tùng liên tục có mặt trong đội Robocon của ĐH Bách khoa tham gia chung kết toàn quốc Robocon và Robocon Techshow. Sản phẩm “Chiếc xe hai bánh tự cân bằng” của Tùng không chỉ tạo dấu ấn tại Robocon Techshow năm 2011, mà còn giành giải 3 cuộc thi “Sáng tạo tiết kiệm năng lượng” do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ Thành đoàn TP.HCM tổ chức tháng 8 qua.

 
Anh Tùng với những con robot Bibot trong cuộc thi “Raise your arm”  - Ảnh: B.Thanh

Chưa bằng lòng với những giải thưởng từ chiếc xe hai bánh tự cân bằng và một số đồ chơi công nghệ cao có khả năng ứng dụng thực tế, Tùng say mê nghiên cứu và chế tạo các sản phẩm khác phục vụ giáo dục và khoa học ứng dụng. Robot với tên gọi Bibot do Tùng mày mò làm gần hai tháng đã lọt vào nhóm 10 ý tưởng, sản phẩm xuất sắc nhất cuộc thi Khởi nghiệp trẻ Việt Nam (Viet Youth Entrepreneurs - VYE). Với kích thước nhỏ gọn (nặng khoảng 2kg) và chi phí chế tạo hơn 1 triệu đồng, robot Bibot có thể thực hiện các động tác cơ bản như: đi lại, đẩy quà, di chuyển theo quỹ đạo lập trình. Tùy theo mục đích sử dụng, robot Bibot sẽ được nâng cấp và cải tiến để cử động tay, xử lý tiếng nói, tiếp nhận hình ảnh.

“Có doanh nghiệp đã đặt hàng sản phẩm này với số lượng lớn. Đây là niềm vui và cũng là áp lực để mình hoàn thiện sản phẩm với nhiều chức năng mới nhằm đạt hiệu quả cao khi sử dụng” - Anh Tùng nói. Robot này còn có thể áp dụng để nghiên cứu, thực hành trong một số môn học khối ngành kỹ thuật: điều khiển tự động, kỹ thuật chế tạo robot, trí tuệ nhân tạo,...

Với mong muốn tạo sân chơi cho những bạn trẻ mê robot, Anh Tùng (hiện là cố vấn kỹ thuật CLB Nghiên cứu khoa học, ĐH Bách khoa) cùng các bạn trong CLB đã tổ chức cuộc thi “Raise your arm” (diễn ra từ ngày 14-9 đến 1-10) với sản phẩm thi đấu chính là robot Bibot này (thông tin về cuộc thi có tại trang web: www.raiseyourarm.com). Hăng say làm việc với nhiều đêm thức trắng, Anh Tùng cùng các thành viên trong CLB đã cho “ra lò” 30 con robot Bibot sẵn sàng cho các bạn sinh viên tranh tài trong cuộc thi.

Hiện tại Anh Tùng cùng một người bạn vẫn đang hoàn thiện robot Kiến - đề tài nghiên cứu khoa học đoạt giải cao nhất trong lớp kỹ sư tài năng khoa điện - điện tử (ĐH Bách khoa). Với hình dạng mô phỏng con kiến, robot thông minh này có gắn nhiều cảm biến để đo nhiệt độ, góc nghiêng, truyền ảnh từ môi trường thực tế về máy tính để xử lý ảnh, có lập trình hệ thống định vị toàn cầu GPS... “Mình mong muốn sản phẩm robot Kiến sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu trong việc học và nghiên cứu, có thể thay thế các thiết bị nghiên cứu nhập từ nước ngoài với giá cao để sinh viên kỹ thuật có thêm nhiều cơ hội tiếp cận, thực hành” - Anh Tùng ấp ủ.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.