Chia sẻ cùng người trẻ

21/06/2017 12:22 GMT+7

Phóng viên Thanh Niên dám đi, dám đến, dám đối mặt với thử thách, cùng chia sẻ và tiếp thêm sức mạnh để những người trẻ không ngừng sáng tạo, vươn lên trong cuộc sống...

Tự tìm lối đi
Khoảng thời gian xảy ra sự cố môi trường biển, hình ảnh những người trẻ giống như những đốm lửa thắp lên những tia hy vọng. Chính họ, với sức trẻ của mình đã không cam chịu cái nghèo, tàn lụi bởi sự cố môi trường. Họ đã tự tìm lối đi, hòng tìm lại sự hồi sinh cho vùng biển quê mình, tìm sinh kế cho bản thân và những người dân vốn chỉ quen chài lưới. Không ít người trong số họ đã làm nên những kỳ tích và trở thành biểu tượng cho khát vọng sống, khát vọng làm giàu. Rằng “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”…
Tác giả trong một lần công tác tại quần đảo Trường Sa Ảnh: Thanh Lộc

Những nhân vật trong loạt bài Đứng dậy từ vùng biển chết chưa thể phản ánh đầy đủ về những nỗ lực của người trẻ nói chung ở dọc bờ biển của các tỉnh gặp sự cố về môi trường. Nhưng thật tự hào khi biết rằng, ở những vùng biển đó, còn rất nhiều bạn trẻ đang từng ngày từng giờ nỗ lực để dựng xây quê hương đẹp giàu, trả lại sự yên bình vốn có của biển.
Nguyễn Phúc
Khâm phục ý chí dấn thân
Nghề báo giúp tôi có cơ hội đi đến những vùng đất biên cương xa xôi, hẻo lánh; những vùng biển, đảo đầu sóng ngọn gió nơi địa đầu Tổ quốc.
Phóng viên Phan Hậu trên đảo Bạch Long Vĩ

Ở đó, những gia đình thanh niên như ở làng lập nghiệp Thụy Hùng, góp từng đoạn ống nước, kề vai chung sức đi tìm, dẫn nguồn nước suối chảy về tận các thôn, đến từng gia đình để làm hồi sinh mảnh đất hẻo lánh thiếu nước thành những bản làng tươi xanh.
Ở đó, tôi cảm nhận rõ nhất về tinh thần yêu thương đùm bọc lẫn nhau và ý chí dấn thân, sự hy sinh tình cảm, vật chất của những người trẻ luôn bền gan, vững chí cùng nhau bám trụ trên những vùng hẻo lánh, với khát vọng làm thay đổi vùng đất gian khó.
Với tôi, họ - những công dân, thanh niên đang sinh sống, lập nghiệp ở những vùng biển, đảo tiền tiêu Tổ quốc hay trên những mảnh đất biên thùy không còn là những công dân bình thường, mà mỗi người đang là cột mốc sống, tạo thành “phên dậu” vững chãi góp phần khẳng định ranh giới lãnh thổ, chủ quyền của Tổ quốc.
Phan Hậu

tin liên quan

Hải trình tháng 3: Sức sống Cồn Cỏ
Đảo Cồn Cỏ - đảo Thanh niên (thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị) được ví là 'Đất Việt giữa trùng khơi' có một sức sống rất mãnh liệt. Sức sống đó phần nhiều nhờ dấu ấn của những người trẻ...

Nghị lực, niềm tin và tình yêu
Tôi thường xuyên có cơ hội và thực hiện đề tài về những người trẻ. Các cuộc gặp với họ đã giúp tôi có rất nhiều cảm xúc và cả bài học về nghị lực, về tư duy mới, khát vọng làm giàu, niềm tin vào cuộc sống. Mới đây, khi vượt đèo dốc đến với Làng thanh niên lập nghiệp Trường Xuân (H.Quảng Ninh, Quảng Bình), gặp các hộ gia đình trẻ, tôi vô cùng khâm phục ý chí làm kinh tế của họ. Từ một vùng đất xa xôi, hẻo lánh, hoang vu gian khó, đến nay nhiều hộ đã có thu nhập ổn định, cây trồng vật nuôi tươi tốt.
Trương Quang Nam trao quà cho thanh niên ở vùng khó khăn của Quảng Bình

Qua nhiều câu chuyện, nhiều nhân vật, tôi cảm nhận rằng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào nhưng nếu có nghị lực, có niềm tin và tình yêu thì mọi chuyện sẽ vượt qua.
Trương Quang Nam
Cùng nhau làm giàu trên mảnh đất quê hương
Khi nói về những chàng trai, cô gái trẻ, tôi tự tin khẳng định rằng “đây chính là thế hệ vàng” của VN. Bởi họ tiếp nhận kiến thức không hạn chế để tự tin phát huy tính sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, làm giàu cho bản thân và đóng góp hữu ích cho đất nước.
Hữu Trà

Tôi đã từng tiếp xúc với những giám đốc tuổi 30 năng động, thành công trên nhiều lĩnh vực. Ở TP.Hội An - di sản văn hóa thế giới, những bạn trẻ ở đây tự tin khởi nghiệp qua hàng loạt mô hình kinh tế nông nghiệp đô thị gắn phát triển kinh tế với du lịch, dịch vụ bền vững mà không phá vỡ môi trường sinh thái, hỗ trợ cộng đồng, cùng nhau làm giàu trên mảnh đất quê hương...
Hữu Trà
“Gia đình chị đã không còn cô đơn”
Khi được phân công tham gia viết bài về sự đổi thay của đảo Trần trong loạt bài Hải trình tháng 3, tôi theo chân một đoàn công tác của Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh. Gặp lại chị Nguyễn Thị Cảnh, hộ dân đầu tiên ở đảo Trần, chúng tôi thấy chị và gia đình vẫn mạnh khỏe, hạnh phúc, căn nhà nay đã khang trang, tiện nghi hơn trước.

tin liên quan

Từ thần tượng trở thành người lính đảo
Cũng như chúng tôi - những người trẻ trên chuyến hành trình ra với biển đảo, năm 2011, chàng trai Trần Quốc Hiệp (khi ấy là sinh viên Học viện Hậu cần Hà Nội) là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu được tuyển chọn tham gia hành trình. 

Lã Nghĩa Hiếu

Những thanh niên đi xây dựng và bảo vệ đảo tiền tiêu nay đã ngày một yên tâm bởi cuộc sống trên đảo đã dần bắt kịp với đất liền. Ôn lại chuyện cũ, chị Cảnh nói: “Em thấy đấy, có mấy năm thôi đảo Trần bây giờ đã thành làng đảo rồi. Gia đình chị đã không còn cô đơn. Sức trẻ của các lực lượng thanh niên, các đơn vị quân đội đã khắc phục sự khó khăn khắc nghiệt của thiên nhiên, đầu tư hạ tầng để biến đảo Trần thành làng đảo khang trang, ấm áp”.
Lã Nghĩa Hiếu
Thương những đứa trẻ ở Hòn Chuối
Ở đảo Hòn Chuối, điều ấn tượng nhất với tôi là các cán bộ Đồn biên phòng Hòn Chuối đứng ra mở lớp dạy học cho trẻ và gắn bó với lớp học này gần chục năm qua. Những câu chuyện bất đắc dĩ, các anh phải làm mẹ, làm chị, làm cha hướng dẫn, chỉ bảo các cháu khi cha mẹ đi biển…
Gia Bách

Các em được những thầy giáo áo xanh không chỉ dạy chữ mà còn dạy về giới tính. Và tôi cũng thể hiện trong bài viết của mình về lớp học và nuôi cá bớp lồng cải thiện đời sống của người dân để thấy được sự đổi thay của hòn đảo trên vùng biển Tây Nam này.
Gia Bách
Tình yêu trên đảo Thổ Chu
Tôi lưu lại Thổ Chu hơn 1 tuần, thời gian đủ để hòa vào nhịp sống của người trẻ trên đảo. Tôi ra khơi cùng những chàng trai trẻ, theo chân bộ đội biên phòng trèo lên những vách đá cheo leo của hòn Nhạn, rồi băng qua những dốc đứng xuống bãi Chiến Thắng...
Đình Tuyển

Tôi cảm nhận có những điểm tương đồng ở họ đó là niềm tin, tình yêu, hoài bão và lòng quyết tâm bảo vệ, xây dựng đảo. Tôi đã gặp những câu chuyện tình thật đẹp, đầy hạnh phúc giữa một cô giáo tình nguyện đến từ Hà Nội với một chàng trai của đảo và cũng là cán bộ Đoàn của xã Thổ Châu và một anh bộ đội quê miền Trung với cô giáo trẻ vừa tốt nghiệp cao đẳng ở Kiên Giang, hay mối duyên sau hơn 1.000 lá thư giữa một chiến sĩ quê Phú Quốc với một cô gái Trà Vinh... Tình yêu cứ thế đâm chồi nảy lộc, và cuộc sống ở Thổ Chu mỗi ngày lại thêm tươi đẹp hơn.
Đình Tuyển
Ở làng thanh niên lập nghiệp
Biên giới Tam Hợp (H.Tương Dương, Nghệ An) những năm trước là vùng đất hoang sơ, quá xa lạ với cuộc sống hiện đại giờ đây đã có đường bê tông, điện thắp sáng.
Khánh Hoan

Tổng hành dinh của làng thanh niên lập nghiệp là những mô hình thoát nghèo cho dân bản với những cây xoài ghép xanh mướt và những vườn dưa, những sườn đồi chanh leo trĩu quả. Người dân bản, vốn chỉ quen sống dựa vào rừng, đã bắt đầu chuyển sang trồng chanh leo, cây nghệ, chè tuyết san, những loại cây vốn rất xa lạ với họ, trên những quả đồi hoang do anh em làng hướng dẫn và bảo lãnh đầu ra cho sản phẩm. Giúp dân bản thoát nghèo là mục tiêu của làng và tôi tin, những con người trẻ ở đây sớm làm được điều đó.
Khánh Hoan
Tôi sẽ trở lại
Tôi thấm được nỗi khó khăn vất vả của đội viên trong Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn (xã Sơn Kim 2, H.Hương Sơn, Hà Tĩnh). Họ đã phải ăn nằm với núi rừng hàng năm trời để làm đường, kéo điện, cải tạo lại đất… với mong muốn “biến” cánh rừng nghèo kiệt bằng những đồi chè, cao su, gỗ keo.
Phạm Đức

Để đến nay sau 14 năm, hơn 200 cặp vợ chồng trẻ đã có thu nhập ổn định từ việc thu hoạch chè búp, nhiều hộ đã xây dựng trang trại heo cho thu nhập tiền tỉ mỗi năm, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi thay thế chòi lá, lều tạm bợ ngày trước... 3 năm nay, nhờ tổng đội xây dựng được nhà máy chế biến chè nên chè búp tươi của các hộ đội viên được bao tiêu toàn bộ. Và, tôi tự hứa với mình, sẽ sớm trở lại...
Phạm Đức
Biến đất khó thành miền đất hứa
Tận mắt nhìn những quả đồi nhấp nhô 10 năm trước khô cằn, hoang hóa nay trở thành những đồi mía, đồi cao su, vườn cam, cánh đồng sắn… trải dài 600 ha xanh tốt, tôi mới thấu hiểu công sức của 141 cặp bạn trẻ ở Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng (xã Xuân Hòa, H.Như Xuân, Thanh Hóa).
Minh Hải

Những chàng trai, cô gái người ở vùng biển, người miền núi xa xôi cùng tụ về đây biến đất khó thành miền đất hứa để hiểu rằng ở đâu có sức trẻ ở đó sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Họ - những người trẻ tuổi đang biến những đồi hoang thành miền quê mới, trù phú và bình an ở miền tây Thanh Hóa.
Minh Hải
Người trẻ nghĩ gì về báo chí
Mặc dù những năm gần đây nhiều kênh thông tin không chính thống trên các trang mạng xã hội làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp cận thông tin của công chúng, nhưng tôi thấy rất rõ được chức năng của những tờ báo chính thống. Tôi rất thích đọc sách báo, đặc biệt là báo giấy. Mỗi sáng nhìn những bác hưu trí cầm tờ báo đọc, hay vô tình bắt gặp một bạn trẻ vừa ngồi uống cà phê vừa đọc tờ báo, mình thấy họ rất trí thức và có cái gì đó rất ấn tượng.
Lê Thị Kiều Nhi, (Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM)
Giới trẻ nhờ đọc báo có thể tiếp cận được những thông tin hay, bổ ích. Từ đó, quyết tâm học tập, phấn đấu và rèn luyện để trở thành người có ích. Bản thân mình, mỗi khi đọc được những tấm gương vượt khó học giỏi, thành đạt trong cuộc sống mình cũng lấy làm xấu hổ và tự hứa với bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Phan Thị Thu (Sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM)
Tôi cũng là một độc giả trung thành của báo in vì độ tin cậy, bài viết được thẩm định, kiểm tra qua nhiều nguồn. Với sự phát triển mạnh mẽ của các báo mạng, đòi hỏi các tờ báo in cũng dần phải thay đổi chính mình. Giới trẻ đang mong chờ những bài viết, góc nhìn sâu sắc đối với các vấn đề xã hội; những bài phân tích, bình luận từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm, các học giả đầu ngành trong lĩnh vực chuyên môn, học thuật…
Vũ Nguyễn Minh Trí (Sinh viên Trường ĐH Sài Gòn)
Báo chí mang đến cho người trẻ rất nhiều điều tích cực như cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích, từ đó những người trẻ như tôi lại nung nấu ước muốn khởi nghiệp và học được nhiều kinh nghiệm qua những chia sẻ mà các nhân vật trong bài viết
đề cập.
Nguyễn Chí Minh (Bí thư Đoàn P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM)
Nữ Vương - Lê Thanh (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.