Chơi đá bóng như ca sĩ chạy 'show'

Phạm Hữu
Phạm Hữu
31/01/2021 08:14 GMT+7

Loại hình bóng đá phong trào phát triển, một số bạn trẻ chọn nghề đá bóng thuê trên sân 'phủi' để kiếm tiền.

Từ đá bóng cho vui đến kiếm tiền mưu sinh

Một ngày như mọi ngày, Nguyễn Hồng Thạch (quê An Giang, 26 tuổi, một cầu thủ bóng “phủi” (bóng đá phong trào), hiện ngụ P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM) nhận điện thoại từ một người quen thuê anh đến sân ở Q.2 để thi đấu giải giao hữu tự phát cho một doanh nghiệp. Thạch không hề biết trước đối thủ, hay ngay cả đồng đội của mình là ai. Đến sân, anh thấy đội bóng gồm nhiều người xa lạ, tuy không có huấn luyện viên, thi đấu có phần cảm tính nhưng ai nấy cũng đều thể hiện gần giống như chuyên nghiệp. Kết thúc trận, anh nhận tiền thù lao rồi đi về.
Dáng người ốm, cao, động tác nhanh nhẹn, khéo léo nên Thạch là một trong những cầu thủ được nhiều đội bóng phong trào gọi đến. “Dân phủi” khắp thành phố gọi anh là “Thạch Neymar” nhờ anh có ngoại hình giống siêu sao Neymar của tuyển Brazil. Thạch cho biết năm 21 tuổi, anh rời quê đến Bình Dương làm công nhân, vừa đi làm anh cũng vừa đi đá bóng để thỏa mãn đam mê. Năm 2016, anh quyết định bỏ việc, rời Bình Dương vào TP.HCM để mong được trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Được ăn tập cùng đội futsal chuyên nghiệp trong 6 tháng, nhưng do không đạt yêu cầu, Thạch lại rời đội tìm kế mưu sinh bằng con đường đá bóng “phủi”.
Nổi tiếng trong giới bóng đá “phủi” ở TP.HCM gần 10 năm nay, Dương Văn Tuấn (biệt danh Tuấn Vinh) cũng chọn nghề đá bóng thuê để kiếm thêm thu nhập. Theo Tuấn, chỉ thời gian gần đây sân cỏ nhân tạo phát triển nên anh em đá thuê cũng có đất sống nhiều hơn, với thù lao từ 500.000 - 1 triệu đồng/trận đấu.
Tuấn cho biết hầu hết các sân bóng đá “phủi” khắp TP.HCM đều có dấu giày của mình, thậm chí ở các nơi như Phú Quốc, Bình Phước, Đồng Tháp đến các tỉnh phía bắc... anh đều có mặt. Mỗi lần đi thi đấu, Tuấn đều được đài thọ chi phí đi lại kèm tiền công, tiền thưởng.
Chơi đá bóng như ca sĩ chạy 'show'

Trần Văn Trung trong những lần đá phủi tại TP.HCM

ẢNH: PHẠM HỮU

Với dân đá bóng thuê, điều quan trọng là phải giành chiến thắng, mang chức vô địch về cho đội thuê mình. Có như thế mới mong có tiếng, được nhiều “kèo” gọi đi đá kiếm tiền nhiều hơn. Thu nhập nghề đá “phủi” cũng như những cơn sóng, tùy vào mùa trong năm. Đỉnh điểm là các giải cuối năm hoặc giữa năm, là thời điểm các công ty tổng kết, tổ chức hội thao nên anh em đá “phủi” có nhiều đất diễn. “Khi mình nổi tiếng rồi thì “kèo” hằng tháng từ 2 - 5, 6 kèo giải là bình thường. Tùy vào mình sắp xếp đủ giải để chơi. Giải ngắn nhất của tôi chỉ 1 ngày, tôi bay ra Phú Quốc đá xong được trả 1,5 triệu đồng. Có giải kéo dài hơn 2 tháng, tính tiền trận, tiền thưởng, tôi cũng có được 20 triệu đồng. Tiền kiếm như vậy nhưng cũng cho mình đủ sống, vì tháng nhiều, tháng ít, có tháng không có gì”, Thạch nói.
Cũng đi đá thuê từ thời sinh viên, đến nay Trần Văn Trung (31 tuổi, hiện làm nghề xây dựng) cũng có thâm niên chục năm trong làng bóng “phủi”. Trung cũng xuất thân từ những trận đá giao lưu ở nhiều sân. Dần dần nhiều người xin số điện thoại, mời đá thuê cho nhiều đội bóng công ty. Có tiếng trong nghề, các ông bầu tìm đến gọi Trung đá liền vài trận với vài giải là chuyện thường.
“Nhiều bữa cuối tuần tôi dính đến 4, 5 giải. Có trận thì trùng giờ, có trận phải chạy qua lại để đá cho kịp. Tôi còn nhớ tôi và người bạn khi kết thúc trận đấu ở một sân phải chạy xe hết tốc lực cho kịp giờ. Có trận tôi bị trễ giờ, có trận buộc phải trễ vì nhiều giải quá”, Trung chia sẻ.
Chơi đá bóng như ca sĩ chạy 'show'2

Ngoài đá bóng thuê ở sân phủi, công việc chính của Dương Văn Tuấn (bìa phải) là nhân viên cấp thoát nước

ẢNH: PHẠM HỮU

Bị hành hung như thường

Ra sân “phủi”, cầu thủ sung nhất là được khán giả đến cổ vũ đông đúc. Khi nhận cúp vô địch, tiền thưởng cũng giúp cầu thủ hưng phấn tinh thần. Ngoài ra, tình cảm gắn kết ngoài sân của ông bầu khiến cầu thủ ai nấy cũng yêu nghề. Tuy vậy, với nghề đá bóng “phủi” cũng xuất hiện không ít mảng tối trong những lần “chinh chiến”. Cách chơi tiểu xảo, đánh nguội, chơi xấu trong “dân phủi” diễn ra thường xuyên. Bóng chưa lăn mà khán giả bao vây quanh sân, nhằm gây sức ép tinh thần cầu thủ đối phương để đội nhà chiến thắng.
Chỉ vết sẹo dài trên cánh tay trái, Tuấn kể: “Tôi bị đánh gãy tay trong một trận ở Đồng Tháp sau màn va chạm trong sân. Vì là môn đối kháng nên dễ xảy ra cự cãi. Mà đá “phủi” thì không có quy chế, chế tài nào cho cầu thủ nên nhiều người không giữ được bình tĩnh, đánh nhau trên sân là chuyện bình thường”.
Cầu thủ đá thuê ở sân “phủi” thân phận rất bạc bẽo. Khi chấn thương, cầu thủ phải bỏ sân thời gian dài kèm không lương, không tiền và không ai chăm sóc. Sau đó cầu thủ sẽ bị lãng quên, khi trở lại sân phải thể hiện mình lại từ đầu. Do đó, người đi đá thuê theo được nghề lâu dài là chưa từng có ai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.