'Chơi' thủy chiến Bạch Đằng

06/11/2016 13:05 GMT+7

Với ý tưởng đưa lịch sử vào lớp học, bạn Nguyễn Thành Nam, sinh viên năm cuối của Trường đại học Tôn Đức Thắng đã sáng tạo bộ đồ chơi Khám phá lịch sử VN qua trận chiến Bạch Đằng năm 938.

Đặt tên cho bộ đồ chơi của mình là Thủy chiến Bạch Đằng, Thành Nam mong muốn “để học sinh lớp 4 hiểu thêm về trận chiến hào hùng của ông cha ta”.
“Chơi” thủy chiến Bạch Đằng 1
Ngoài việc tạo ấn tượng tốt với các thầy cô trong trường, bộ đồ chơi Thủy chiến Bạch Đằng còn lọt vào top 10 cuộc thi Vietnam Creative Festival. Không chỉ ứng dụng trong việc học tập, khi đưa bộ đồ chơi tham gia vào Vietnam Creative Festival, Thành Nam muốn tác phẩm của mình có thể: “Giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước biết đến lịch sử VN. Bộ đồ chơi có thể được du khách chọn làm quà lưu niệm, quà dành tặng cho người thân khi muốn lưu giữ ấn tượng tốt đẹp về chuyến du lịch, đặc biệt là biết đến chiến thắng Bạch Đằng với nhiều ý nghĩa lớn. Có thể truyền tải tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, yêu lịch sử VN đến với bạn bè quốc tế”.
Quá trình sáng tạo ra một bộ đồ chơi để giúp người chơi yêu thích và hiểu thêm về văn hóa, lịch sử của dân tộc không phải đơn giản với Thành Nam, nhất là khi mang Thủy chiến Bạch Đằng đến với thế kỷ 21. Nam cho biết, thay vì sử dụng nhựa như thông thường thì tre là chất liệu được lựa chọn để làm vật liệu chính tạo ra bộ đồ chơi.
“Chơi” thủy chiến Bạch Đằng 2
“Thật ra ban đầu, tôi cũng sử dụng nhựa để chế tạo. Mọi việc gần như đã hoàn thành thì tôi nhận thấy chất liệu này không độc đáo, không diễn tả được hồn dân tộc. Ngày xưa, Ngô Quyền lợi dụng thủy triều trên sông Bạch Đằng nên đã cho quân dựng cọc bằng hàng nghìn cây gỗ lim, sến với phần đầu được vót nhọn và bịt sắt. Cọc được cắm xuống lòng sông tạo thành những hàng dài chắc chắn, đầu cọc hướng chếch về phía nguồn. Nhờ vào bãi cọc này mà quân Ngô Quyền mới tiêu diệt được quân của Lưu Hoằng Tháo và phá tan tham vọng xâm chiếm nước ta của nhà Nam Hán. Dĩ nhiên không thể chọn gỗ lim hay sến làm vật liệu vì chất liệu gỗ quá quý hiếm nên tôi đã quyết định chọn tre làm chất liệu vì tre gần gũi với thiên nhiên và lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước của người VN. Chắc chắn ai là người Việt cũng nhớ đến câu chuyện Thánh Gióng nhổ bụi tre làm vũ khí đánh tan giặc Ân…”.
Nhựa thì dễ dàng tạo được những chi tiết nhỏ và còn có độ bền, dễ lắp rắp. Trong khi đó, với tre, muốn tạo hình một anh lính với bộ giáp và tay chân thì trước hết phải chọn được những ống tre có kích thước gần bằng nhau để lắp ráp cho vừa khít. Chưa kể đến khó khăn khi phải vót tre nhỏ làm tay và tạo ra những lỗ nhỏ chỉ từ 5 mm trở xuống làm mấu.
“Chơi” thủy chiến Bạch Đằng 3
“Ngoài ra còn phải xử lý tre để không bị co giãn theo nhiệt độ. Một trong những bí quyết xử lý là ngâm tre xuống nước chừng hai đến ba ngày. Sau đó mang phơi cho ráo nước… Tre được xử lý sẽ trở nên chắc chắn và chịu được các thời tiết nhiệt độ khác nhau”. Chọn chất liệu khó một thì chuyện phác thảo ra hình ảnh quân Ngô Quyền và quân Nam Hán khó khăn gấp trăm lần. Bởi gần như Thành Nam không tìm được tư liệu và hình ảnh nào về quân Ngô Quyền.
“Nên tôi đã lấy hình dáng từ các bộ trang phục và áo giáp của các tướng, lính thời Lý để phác thảo cho quân Ngô Quyền. Còn hình ảnh của quân Nam Hán thì được lấy từ các bộ trang phục áo giáp của thời nhà Đường. Tàu chiến của quân Ngô Quyền là thuyền độc mộc trong khi thuyền chiến của quân Nam Hán lại phát triển hơn về kích thước và có nhiều tầng phân cấp. Những tư liệu trên tôi tìm hiểu qua internet, sách vở và có trao đổi với các thầy cô cùng những người am hiểu về lịch sử. Quá trình này gặp nhiều khó khăn và có lúc tôi gần như đi lạc đường, nhưng cũng nhờ các thử thách đó mà tôi hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử nước nhà. Mong rằng qua trò chơi này, ngoài chiến thắng hào hùng của dân tộc thì các bạn học sinh sẽ hiểu thêm về văn hóa trang phục và thuyền chiến của hai bên”, Thành Nam chia sẻ.
“Chơi” thủy chiến Bạch Đằng 5
Cách chơi trò Thủy chiến Bạch Đằng gần như giống với trò lego. Người chơi sẽ lắp ráp từng nhân vật như lính, tướng, thuyền và chia thành hai đội là quân Ngô Quyền, quân Nam Hán. Tiếp đến sẽ mô phỏng lại trận địa trên sông Bạch Đằng ngày xưa như đội quân Ngô Quyền sẽ dẫn dụ quân Nam Hán vào khu vực có bãi cọc bằng thuyền độc mộc. Khi thuyền của quân Nam Hán đã bị đắm thì quân Ngô Quyền bắt giặc và chiến thắng oai hùng.
“Không gian lớp học là nơi để bộ đồ chơi phát huy hết công năng. Giáo viên có thể chia theo từng nhóm nhỏ học sinh vừa tìm hiểu vừa chơi lắp ráp. Ngoài ra, bộ đồ chơi còn có thể phát huy ở các khu di tích, bảo tàng, các cuộc chơi nhỏ do các học sinh tự mình bày cách chơi…”, Nguyễn Thành Nam cho biết và nói thêm: “Tôi mong muốn trong tương lai bộ đồ chơi Thủy chiến Bạch Đằng sẽ có những thay đổi về hình dáng lẫn công năng nhưng vẫn sẽ gắn với kho tàng lịch sử VN dựa trên vật liệu thân thiện với môi trường”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.