“Tiền đâu mẹ cứu con bây giờ?”
Gia cảnh khó khăn, một mình chị Nguyễn Thị Hạnh (Q.8, TP.HCM) nuôi mẹ già yếu và lo cho đứa con gái ăn học. Ly dị chồng từ khi Nguyễn Thị Hiền (con gái) được 1 tuổi, một thân một mình chị Hạnh nuôi Hiền đến ngày hôm nay. Hằng ngày cuộc sống của 2 mẹ con và người bà già yếu chỉ phụ thuộc vào mấy đồng tiền bán bong bóng dạo của chị Hạnh. Thấu hiểu được những khó khăn của gia đình, từ nhỏ Hiền rất hiếu học với ước mơ sau này lớn lên có công ăn việc làm ổn định để đưa gia đình thoát khỏi cảnh khổ.
Thừa hưởng năng khiếu của mẹ (chị Hạnh từng là vận động viên điền kinh của thành phố), năm học lớp 5, Hiền cũng bắt đầu tham gia vào đội tuyển điền kinh của Q.5. Khoản tiền hỗ trợ hằng tháng từ công việc này giúp Hiền trang trải tiền ăn học. Và niềm đam mê với thể dục thể thao đã thôi thúc Hiền theo học ngành giáo dục thể chất Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
|
Thế nhưng tai họa ập tới chỉ trong phút chốc. “Đang khỏe mạnh bình thường, có hơi gầy một chút chứ từ trước giờ không đau ốm gì nhiều. Tôi thường nói gia đình mình nghèo chắc ông trời thương nên ít đau ốm, thế mà ngờ đâu…”, chị Hạnh kể trong nghẹn ngào.
Theo chị Hạnh, Hiền bị sốt 2 ngày không khỏi, lại nổi mẫn đỏ nên đưa vào bệnh viện nhiệt đới. Lúc đầu xét nghiệm bị nhiễm trùng máu, điều trị vài ngày thì bệnh tình đỡ nên bác sĩ cho xuất viện. Về nhà được vài ngày thì Hiền bị đau bụng dữ dội và đưa cấp cứu ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nhưng sau đó bệnh tình ngày càng nặng và Hiền yếu dần đi rồi hôn mê. Sau đó, ngày 7.12 Hiền được chuyển sang bệnh viện Chợ Rẫy và đến giờ vẫn trong tình trạng hôn mê.
tin liên quan
Ý chí 'làm chủ' của chàng trai khiếm thị“Bác sĩ bảo con tôi bị suy thận, suy tim. Phải chạy thận mỗi ngày và còn đặt máy trợ tim để cứu con. Nhưng lúc đầu gia đình tôi làm gì có tiền để lo cho con, cái máy trợ tim lên đến 112 triệu đồng, rồi chi phí mỗi ngày chạy thận là 8 triệu đồng. Lúc đó đã nghĩ đến việc đưa bé về vì không biết chạy đâu ra tiền, ngày nào tôi cũng khóc trong tuyệt vọng và tự trách lòng mình “tiền đâu mẹ cứu con bây giờ?”. Nhưng được bạn bè, thầy cô của bé động viên và khuyên cứ để bé lại điều trị, rồi đi kêu gọi các tấm lòng hảo tâm. Bệnh viện thấy gia cảnh khó khăn, bé thì còn quá trẻ nên đã thương tình đặt máy điều trị trước và thanh toán sau”, chị Hạnh kể.
“Còn hy vọng nào, thì con hãy cùng mẹ cố gắng”
Ngồi trên chiếc chiếu được trải bên lề đường ở khu phòng chờ của người nhà bệnh nhân, chị Hạnh cứ lâu lâu lại đưa tay lên miệng ra hiệu ngắt cuộc trò chuyện một lát để lắng tai nghe âm thanh từ chiếc loa thông báo.
Ngày cũng như đêm, chị Hạnh chẳng dám chợp mắt vì sợ chiếc loa đó gọi đến tên con gái mình. Nhưng làm sao khỏi, Hiền đang trong tình trạng rất nguy kịch. Chị Hạnh kể, cứ nghe đến tên con là hồn vía chị bay lên mây, vì lần nào cũng thế, cũng chỉ là những tin dữ. “Lúc thì ký cam kết này, lúc ký cam kết khác, lúc thông báo con sốt cao hay tim con tôi yếu dần đi,…Ngồi đây mà không nghe đến gọi tên con mình, là biết con trên đó đang ổn, nhưng cứ gọi đến tên là tim tôi như muốn ngừng thở”, chị Hạnh nói trong nước mắt.
Mỗi ngày được một lần vào thăm con nhưng con cứ nằm hôn mê bất động. Dù thế tôi vẫn thủ thỉ bên tai con, rằng “con ơi cố lên, mẹ chỉ có mình con. Con cố lên vì bạn bè, thầy cô đang chờ con. Còn hy vọng nào thì con hãy cùng mẹ cố gắng”. Hy vọng con nhận biết được giọng nói của tôi, con biết rằng luôn có mẹ ở bên cạnh”.
“Mới ngày nào con còn nói, mẹ chờ con vài tháng nữa, chỉ vài tháng nữa thôi là con đi thực tập rồi đi làm cô giáo kiếm tiền về lo cho mẹ. Mẹ sẽ không còn phải vất vả dầm mưa, đội nắng mưu sinh nuôi con nữa. Hình như đến cả lúc đi ngủ con cũng mơ đến lúc được đi dạy. Thế mà giờ đây….Con ơi, dậy thực hiện ước mơ của con đi mà. Con ơi!....”, tiếng gào như xé lòng của người mẹ trẻ khiến người viết không cầm được nước mắt.
Phan Ngọc Bích Trâm (bạn cùng lớp với Hiền từ THPT đến giờ) kể: “Ngày nào Hiền cũng nói với em về ước mơ làm cô giáo. Hiền nói học giỏi để được đi dạy, được làm cô giáo, rồi có tiền lo cho mẹ. Hiền tính tình hiền lành đúng như cái tên của bạn ấy, dù học đại học nhưng ngày nào mẹ cũng đưa đi đón về trên chiếc xe Wave cà tàng, vì gia tài của gia đình chỉ có mỗi chiếc xe đó. Mẹ Hiền đi làm rồi tiện thể về đón, chứ Hiền không có xe để đi. Nhưng nhìn thấy cảnh đó, em luôn ganh tỵ vì dù nghèo khó nhưng mẹ con lúc nào cũng quấn quýt và yêu thương nhau. Giờ đây em muốn nhìn thấy cảnh đó mỗi ngày nhưng có lẽ quá xa vời. Chỉ cầu mong phép màu sẽ đến với bạn em, mong những tấm lòng hảo tâm hãy cùng giúp đỡ gia đình bạn để Hiền có tiền tiếp tục giành giật lấy sự sống”.
Hiền đã rời xa thế giới này
5 giờ 45 phút sáng 14.12, Hiền đã không qua khỏi và đã trút hơi thở cuối cùng. Tuy nhiên, khoản tiền viện phí, thuốc thang và thiết bị cứu chữa cho Hiền đến thời điểm này, vẫn cần sự giúp đỡ của cộng đồng, để phần nào chia sẻ nỗi đau và khó khăn của gia đình. Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 14710000000115 Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển VN - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ sinh viên Nguyễn Thị Hiền. Báo Thanh Niên cũng sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến gia đình em Nguyễn Thị Hiền trong thời gian sớm nhất.
|
Bình luận (0)