Đám cưới 'đặc biệt' giữa nơi hôn nhân cận huyết

30/10/2015 20:08 GMT+7

(TNO) Sáng 30.10, Tỉnh đoàn, Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh phối hợp cùng chính quyền địa phương và gia đình tổ chức đám cưới đặc biệt cho anh Võ Văn Ánh (24 tuổi, ngụ xóm 1, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) và chị Hồ Thị Xuân (25 tuổi, ngụ bản Rào Tre, cùng xã Hương Liên).

(TNO) Sáng 30.10, Tỉnh đoàn, Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh phối hợp cùng chính quyền địa phương và gia đình tổ chức đám cưới đặc biệt cho anh Võ Văn Ánh (24 tuổi, ngụ xóm 1, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) và chị Hồ Thị Xuân (25 tuổi, ngụ bản Rào Tre, cùng xã Hương Liên).

Anh Nguyễn Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tặng quà của Tỉnh đoàn cho chú rể, cô dâu - Ảnh: Trường DũngAnh Nguyễn Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tặng quà của Tỉnh đoàn cho chú rể, cô dâu - Ảnh: Trường Dũng
Đám cưới diễn ra trong niềm vui, niềm hân hoan, chúc mừng xen lẫn sự bất ngờ của hàng trăm người chứng kiến. 
Trung tá Dương Văn Tịnh, Trạm trưởng Trạm biên phòng bản Rào Tre, cho biết có thể gọi đám cưới trên là đám “đặc biệt” là vì đây là đám cưới do Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh trực tiếp làm mai mối cho chú rể, cô dâu đến với nhau và đây cũng là đám cưới thứ 3 diễn ra tại bản Rào Tre giữa một chàng trai người dân tộc Kinh kết hôn với một cô gái người dân tộc Chứt, dân tộc thiểu số tại Rào Tre đang chịu nỗi đau hôn nhân cận huyết rất nặng nề.
Ông Tịnh cho biết thêm, năm 1991, Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đưa nhóm người Chứt được phát hiện trong hang đá trên dãy Trường Sơn về định cư, lập nên bản Rào Tre. Sau 25 năm, từ 90 người Chứt được tìm thấy, không tên, không tuổi, được đưa về chia thành 18 hộ dân và đều mang họ Hồ, đến nay bản Rào Tre có 39 hộ, 138 người và đã có thế hệ thứ ba.
Nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã đề ra nhiều phương án để “giải cứu” người Chứt khỏi hôn nhân cận huyết, như tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện và khuyến khích bà con trong bản kết hôn với người dân tộc khác; những đôi vợ chồng khác dân tộc, không cận huyết sẽ được địa phương cấp đất, nhà ở và một khoản hỗ trợ bằng tiền để bước đầu ổn định cuộc sống… nhưng đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả.
Thực tế hàng chục gia đình với nhiều thế hệ tại bản Rào Tre vẫn tái diễn hôn nhân cận huyết. Hậu quả, theo thống kê của các cơ quan chức năng, cứ 4 đứa trẻ sinh ra ở bản Rào Tre thì có 1 cháu phải chịu cảnh tật nguyền như cụt tay, cụt chân, hở hàm ếch…, hoặc phát triển không bình thường. Nguyên nhân chính dẫn đến con số thống kê đau lòng này được xác định là do hôn nhân cận huyết.
Anh Nguyễn Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, nói: “Đám cưới của anh Ánh, chị Xuân hôm nay và 2 đám cưới trước đó giữa 2 chàng trai người Kinh và 2 cô gái người Chứt thực sự là những đám cưới lịch sử vì “độc”, vì “lạ” và đang góp phần giảm thiểu nỗi đau của hôn nhân cận huyết tại bản Rào Tre”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.