Nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ nano trong sinh học và dược liệu của thạc sĩ Mai Ngọc Tuấn Anh và cộng sự đã được đưa ra thị trường tiêu thụ.
Thạc sĩ Mai Ngọc Tuấn Anh làm việc tại phòng thí nghiệm - Ảnh: Đình Phú
|
Tại Trung tâm nghiên cứu triển khai thuộc Khu công nghệ cao (KCNC) TP.HCM, thạc sĩ Tuấn Anh (30 tuổi) là một trong những cán bộ nghiên cứu chủ lực về ứng dụng công nghệ nano. Nhờ phấn đấu không ngừng trong quá trình học tập, Tuấn Anh vinh dự được kết nạp Đảng khi còn là sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Tốt nghiệp chuyên ngành hóa học, anh về làm việc tại KCNC và hiện phụ trách phòng thí nghiệm công nghệ sinh học.
Phòng thí nghiệm công nghệ sinh học là kết quả của sự hợp tác giữa KCNC và Trường ĐH Tsukuba (Nhật Bản). Tại VN những năm gần đây, việc nghiên cứu về công nghệ nano thì nhiều nhưng sản phẩm cụ thể “made in VN” còn khá ít. Với mong muốn thúc đẩy ứng dụng công nghệ nano tại VN, Trường ĐH Tsukuba đã tài trợ nhiều máy móc, thiết bị để xây dựng một phòng thí nghiệm hoàn chỉnh cho KCNC. Thạc sĩ Tuấn Anh cho biết: “Các máy móc, thiết bị nghiên cứu lĩnh vực nano rất mới, công nghệ hiện đại. Học cách sử dụng để làm sao vận hành hiệu quả cũng đã là một vấn đề, vì hầu hết chưa được trang bị trong các trường ĐH chuyên ngành”.
Với sự hướng dẫn tận tình của các giáo sư, chuyên gia Trường ĐH Tsukuba, thạc sĩ Tuấn Anh cùng 5 cộng sự (gồm 2 tiến sĩ học ở Hà Lan, 1 thạc sĩ học ở Úc và 2 cử nhân trẻ tốt nghiệp ĐH trong nước) đã nhanh chóng tiếp thu, làm chủ được công nghệ và liên tục cho xuất xưởng nhiều sản phẩm mới.
Hướng đến nhu cầu chăm sóc sức khỏe
Theo tiến sĩ Dương Minh Tâm, Phó trưởng ban Quản lý KCNC kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu triển khai, việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nano ở nước ta hiện nay được đánh giá là lạc hậu khoảng 20 năm so với một số nước châu Á. Tuy nhiên, nếu các cơ sở nghiên cứu trong nước, trong đó có KCNC, chuyển giao hiệu quả công nghệ máy móc, thiết bị hiện đại sẵn có của các nước thì chúng ta hoàn toàn có thể chủ động làm ra nhiều sản phẩm hữu ích từ ứng dụng công nghệ nano, từng bước tiệm cận trình độ của các nước có chiều sâu về nghiên cứu khoa học công nghệ.
Nhóm nghiên cứu của thạc sĩ Tuấn Anh hiện đã làm được các thiết bị phát hiện độc tố trong thực phẩm, kiểm tra chất melamine trong sữa, dư lượng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, thủy sản… Đặc biệt, nhóm đã ứng dụng vật liệu nano vàng (sử dụng vàng với kích thước nanomet) để tạo ra sản phẩm kem làm trắng da Moria Phương Vy, được tiêu thụ khá phổ biến trên thị trường.
Tuấn Anh cho biết hướng nghiên cứu của KCNC là tạo ra những sản phẩm sinh học và dược liệu phục vụ đời sống con người, đặc biệt đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe.
Ngoài công việc nghiên cứu, thạc sĩ Tuấn Anh và các cộng sự đắc lực của anh mỗi năm còn tích cực hướng dẫn thực tập tốt nghiệp cho hàng chục sinh viên các trường ĐH ở TP.HCM.
Bình luận (0)