Đứng dậy từ vùng 'biển chết'

03/05/2017 10:33 GMT+7

Không cam lòng nhìn những ngôi làng ven biển dần 'héo hon' bởi sự cố môi trường và nghe những lời ta thán của ngư dân rằng: ' biển chết, lấy gì để sống?', nhiều bạn trẻ ở Quảng Trị đã tự vạch lối đi, tìm sinh kế cho bản thân và giúp hồi sinh vùng biển quê mình.

Không ít người trong số họ đã làm nên kỳ tích và trở thành biểu tượng sinh động của khát vọng làm giàu.
Càng ý nghĩa hơn, những khát vọng làm giàu của họ đã trở thành những hiến kế để Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 11 xây dựng thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên vùng biển lập nghiệp...
* Kiến trúc sư… nuôi vịt biển
“Hạt giống đỏ” trong lớp con em làng chài nghèo được đi học đại học, nhưng khi rời thành phố trở về quê, chàng kiến trúc sư lại ôm mộng phát triển kinh tế nông nghiệp giữa lúc vùng biển quê hương gặp sự cố môi trường.
Giữa trưa, gặp Nguyễn Hữu Giáp (29 tuổi, trú thôn Tân Mật, xã Vĩnh Thái, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) tại khu trang trại giữa trảng cát, tôi ngỡ ngàng khi không còn nhìn thấy “vết tích” nào của một anh chàng kiến trúc sư lãng tử. Da dẻ đen đúa, đôi tay gân guốc, quần ống thả ống xắn... “nghề nào nghiệp nấy thôi mà”, Giáp phân bua nhẹ nhàng.
"Bí mật" mở trang trại
Từ nhỏ Giáp đã nổi lên như một “hạt giống đỏ” về phong trào học tập ở địa phương khi luôn vượt trội so với các bạn. Gia đình anh cũng ổn hơn so với nhiều hộ dân khác, có mẹ là Giáo viên, ba là bộ đội về hưu. Chuyện Giáp thi đậu vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM hồi năm 2008 cũng được người dân thôn Tân Mật xem là lẽ... tất nhiên.
“Nếu nói cho hết lòng thì quãng đời sinh viên tôi đã sống phần nhiều vì ba mẹ, ông bà muốn tôi học cái gì đó ít đụng đến chân tay... Nhưng thực tế, từ thời đi học, tôi đã vừa thiết kế vừa dạy kèm môn mỹ thuật cho các em ôn thi đại học. Ra trường năm 2013, tôi sống được 1 năm ở Sài Gòn với cái nghề kiến trúc”, Giáp trải lòng.
Giáp kể dạo đó, thu nhập của anh cũng được tầm 15 - 20 triệu đồng/tháng, nhưng một lần nữa anh buộc phải đưa ra quyết định hệ trọng của cuộc đời cũng vì... gia đình: “Tôi là đứa con duy nhất của ba mẹ, thời điểm ra trường tôi cũng đã cưới vợ ở quê nhà được 3 năm... Hoàn cảnh đó không cho tôi có cơ hội nán lại thành phố để tìm cơ hội làm giàu”.
Tháng 10.2014, Giáp trở về Vĩnh Thái. Nhưng cũng dùng dằng mãi với nghiệp kiến trúc, đến tháng 7.2015 mới “dứt tình” với công ty cũ ở TP.HCM. Từ dạo đó, có người nhờ anh vẽ nhà, chính quyền thôn nhờ vẽ hội trường... nhưng anh chỉ nhận lời những chỗ thân quen và không lấy tiền thù lao, vì xác định không kiếm sống bằng nghề kiến trúc nữa.
Cuối tháng 4.2016, thảm họa môi trường biển ập đến. Làng chài Tân Mật cũng như bao làng chài khác dọc bờ biển 4 tỉnh miền Trung như hứng một trận cuồng phong. Ngư dân treo lưới, thuyền cá nằm bờ, hàng quán vắng teo. Dân làng biển cũng chỉ biết chống cằm, nhìn nhau thở dài... Giáp cũng buồn nhưng anh không cam chịu. Anh bỗng nảy ý tưởng về sinh kế lâu dài: lập trang trại chăn nuôi trên cát. Nhưng khi vừa hé lộ ý định, gia đình và bè bạn phản đối mạnh. “Mẹ cho mày ăn học không phải để về làm... nông dân”, mẹ Giáp đã nói như thế.
Bị áp lực từ nhiều phía nhưng lần này Giáp đã không xuôi theo. Anh nhìn sâu vào niềm khao khát cùng vùng quê và nghe trái tim mình mách bảo. Rồi âm thầm vay mượn tiền, thuê đất dựng trang trại... “Khi ba mẹ, vợ con biết chuyện thì sự đã rồi, nên dù không ưa họ cũng không cấm cản tôi nữa. Ngược lại, họ động viên, đã làm thì phải... làm cho tới”, Giáp kể.
Giấc mơ từ đàn… vịt biển
Là tay ngang, Giáp đã mò mẫm thể nghiệm với nhiều loài vật nuôi trong buổi đầu lập trang trại vốn có diện tích lên tới 4 ha giữa một trảng cát sát bờ biển. Bước đầu anh thử sức với dê, nhưng sớm nhận ra đây là loài không thích nghi với vùng đất cằn. Tiếp tục tìm tới heo rừng, anh cũng nghiệm được rằng dù loài này có nhiều ưu điểm nhưng đầu ra lại bấp bênh và chưa thực sự độc, lạ. Nhưng khi đã có trong tay đàn dê 35 con, đàn lợn rừng 150 con, Giáp mới “bén duyên” với... vịt biển.
Qua tìm hiểu, anh biết vịt biển là loài có sức đề kháng tốt, có thể ăn được đồ đạm (là cá tươi, các phể phẩm hải sản ở vùng biển, các tạp chất trong nước biển...) mà không bị đau bụng như vịt thường, tất nhiên cũng có thể uống được nước biển. Loài này chỉ nuôi trong 8 tuần đã có thể xuất bán với cân nặng trên dưới 2,7 kg/con, giá bán tầm 45.000 đồng/kg. “Tôi thấy ở các đảo người ta còn nuôi được vịt biển, cớ gì vùng ven biển lại không?”, Giáp lý luận.
Mang ý tưởng về nuôi vịt biển đi trình bày tại buổi tư vấn “Chuyển đổi nghề nghiệp trong thanh niên miền biển” do Huyện đoàn Vĩnh Linh tổ chức cuối tháng 10.2016, Giáp đã thuyết phục được ban tổ chức và ngành chức năng “đầu tư” cho mình. Thông qua "cầu nối" huyện đoàn, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đầu tư 1.000 con vịt biển giống, còn ngân hàng chính sách xã hội cho vay gần 100 triệu đồng để anh khởi nghiệp với lãi suất ưu đãi nhất.
Trời không phụ lòng người, ngay ở lứa vịt biển đầu tiên, tiểu thương từ Quảng Bình đã vào “hốt” sạch, chỉ chừa lại cho anh dăm con để... mời khách. Với số lãi ròng hơn 30 triệu đồng, Giáp lập tức đầu tư lại 1.000 con vịt biển giống và đang tính nâng tổng đàn lên 5.000 con. Công việc thường nhật khá nhiều, Giáp phải thuê thêm 3 thanh niên địa phương phụ giúp với mức lương trung bình 4 triệu đồng/tháng. Nói được, làm được nên không lạ khi Giáp đắc cử vị trí Bí thư Chi đoàn thôn Tân Mật.
Dù đã có vài cá nhân, tập thể ở miền biển đến tham quan học hỏi mô hình chăn nuôi của mình, nhưng Giáp vẫn mới xem đấy chỉ là khởi đầu. “Mơ ước của tôi là muốn phát triển trang trại, ngoài nuôi lợn, vịt biển còn trồng dừa xiêm lùn kết hợp mở nhà hàng... Nhưng để có như vậy, tôi cần được chính quyền cấp đất lâu dài để đảm bảo tính pháp lý và yên tâm đổ tiền của vào đầu tư”, Giáp nói thẳng thắn.
Chia tay Giáp khi ráng chiều đã đổ về làng chài Tân Mật, anh không kịp tiễn khách ra cổng mà quay vào trang trại vì lũ lợn, dê, vịt đã đến giờ ăn... Tôi nhìn theo Giáp, một kiến trúc sư được đào tạo bài bản, mà lòng tự hỏi điều gì đã thôi thúc anh rẽ ngang giữa chừng với công việc chân tay nặng nhọc ấy, nếu như không phải là khát vọng làm giàu và tình yêu quê hương cháy bỏng? 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.