Gặp 2 chàng 'trai đẹp' tự đạp xe 14.000 km từ Đức sang Việt Nam

15/05/2017 10:14 GMT+7

Ngày 28.4.2017, hai chàng trai Jakob Steinkuhl (26 tuổi) và Ernest Roig Campi (29 tuổi) đã đến Việt Nam, kết thúc chuyến hành trình hơn 100 ngày đạp xe từ Đức nhằm gây quỹ cho trẻ em đường phố.

Vượt núi Himalaya vì bị từ chối thị thực
Chia sẻ với Thanh Niên, chàng trai người Tây Ban Nha, Ernest, cho biết, ý tưởng đầu tiên đến từ người bạn Jakob, khi cả hai đang học đại học để trở thành y tá tại Đức vào ba năm trước.
Ngay sau khi nghe về kế hoạch đạp xe từ Âu đến Á, Ernest đã đồng ý và hào hứng cho chuyến đi vừa điên rồ vừa thú vị này.
VIDEO: Hai chàng trai khởi hành tại Cologne, Đức
"Hơn nữa, chúng tôi cũng muốn chuyến đi có mục đích nhân văn hơn. Jakob từng là tình nguyện viên ở Đông Timor nên đã liên lạc với tổ chức Don Bosco, một tổ chức từ thiện chăm lo cho trẻ em đường phố. Như vậy, chuyến đạp xe của chúng tôi không đơn thuần là hành trình du lịch, khám phá mà còn để gây quỹ giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn." - Ernest chia sẻ.
Cả hai đi làm để dành dụm tiền trong lúc học. Hoàn tất việc học, đôi bạn làm việc thêm 6 tháng và trước chuyến đi vài tháng tháng, bộ đôi đã tự chuẩn bị khóa tập huấn thể lực, đạp xe từ Đức, qua Bỉ và Pháp.
Ngày 10.4.2016, sau buổi chia tay hai chàng trai miêu tả là "đầy cảm xúc" và là "khởi đầu thú vị", cả hai xuất phát, bắt đầu chuyến hành trình "Pedal for Humanity" (tạm dịch là "Đạp xe vì nhân văn") từ Cologne, Đức đến Việt Nam.
Theo Jakob, khó khăn nhất của chuyến đi có lẽ là quá trình xin thị thực đến các nước. Đặc biệt có lần bộ đôi đã bị từ chối thị thực đến Turkmenistan nên phải đổi kế hoạch và vượt dãy Himalaya để đến Ấn Độ.
Chụp ảnh cùng người dân Nepal Ảnh: Nhân vật cung cấp
"Bị từ chối nhưng chúng tôi phải tìm đường để hoàn thành dự định của mình nên quyết định vượt dãy Himalaya. Chúng tôi đi qua những đoạn đường xấu, và cao. Đó thực sự là quãng thời gian khó khăn, nhưng sau thử thách là niềm vui của việc chinh phục thành công", chàng trai người Đức nói. Trước đó, Jakob cũng từng chia sẻ lí do khiến anh nảy ra ý tưởng cho chuyến đi và quyết tâm thực hiện là do thích mạo hiểm và đam mê thể thao, nhất là đạp xe.
Còn bản thân Ernest, khó khăn của anh là mất đi động lực khi vừa đến Myanmar, anh cảm thấy không còn hứng thú nữa, sau khoảng thời gian ở Nepal và Ấn Độ đông đúc, xô bồ. Điều đó khiến anh mệt mỏi khi đến Myanmar và Thái Lan. May mắn là sau đó, nhận thấy chỉ còn vài bước nữa là hoàn thành chuyến đi, anh đã "hồi phục" tinh thần và "về đích" thành công.
Không chỉ là quyên góp vật chất
Mục đích chính của chuyến đi là gây quỹ giúp tổ chức Don Bosco chăm lo cho trẻ em đường phố ở các nước. Ngoài việc vận động các nhà hảo tâm quyên góp bằng tiền bạc cho chuyến đi và trực tiếp đến tổ chức Don Bosco, Jakob và Ernest còn ghé thăm các dự án của Don Bosco trên đường đi. Tại đây, bộ đôi cùng sinh hoạt, vui chơi và ghi lại những thước phim tài liệu, giúp nhiều người biết đến tổ chức và dự án hoạt động.
Đạp xe giữa miền núi non Himalaya Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ernest kể, khi đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, anh và Jakob đã ở khu chăm lo người tị nạn từ Iraq, Syria, cho đến khi họ có thị thực đến các nước châu Âu, Mỹ hoặc Úc. Bộ đôi đã thực hiện một video clip phỏng vấn 6 phút những người ở đây, về lí do họ rời khỏi đất nước của mình, việc này có ý nghĩa gì với họ và cuộc sống họ ở trại tị nạn ra sao. Sau đó, bộ đôi đăng tải trên kênh youtube cá nhân với mong muốn lan truyền những câu chuyện của người tị nạn và kêu gọi hỗ trợ.
Đến Việt Nam, bộ đôi cũng đến thăm tổ chức Don Bosco, nơi dạy cho trẻ em nghèo nghề nghiệp để nuôi sống bản thân.
Chuyến đi thử thách tình bạn
Khi được hỏi liệu có cãi vả trong suốt hành trình không, Ernest nói: “Tôi chưa từng thấy một mối quan hệ nào gắn khít như vậy”. Theo anh, trong suốt chuyến đi, dù có những suy nghĩ khác nhau nhưng anh và Jakob chưa bao giờ cãi nhau, đây là lí do khiến chuyến đi thành công.
Jakop trong cuộc nói chuyện với phóng viên Thanh Niên tại TP.HCM Ảnh: Yến My
Còn với Jakob, sau chuyến đi này, không chỉ hiểu thêm về đất nước, con người, văn hóa từ Âu đến Á mà còn là hiểu bản thân, hiểu về tình bạn này.
Anh chia sẻ, khi đến với một quốc gia, việc đầu tiên bộ đôi làm là sắp xếp chỗ ăn ở ổn thỏa, sau đó đi gặp người dân, học những từ ngữ quan trọng nhất. Với Jakob, thú vị nhất chính là học “ngôn ngữ cơ thể”:
“Nhiều người hỏi tại sao nói chuyện cứ huơ tay múa chân. Chúng tôi đi qua rất nhiều đất nước, có nơi người ta không hiểu một chữ tiếng Anh, vì vậy, sau chuyến đi, khả năng nói chuyện bằng cơ thể của chúng tôi tiến bộ vượt bậc. Tôi cho rằng đây cũng là một thành tựu trong giao tiếp”.
Ernest khi vừa đến đích tại TP.HCM Ảnh: Diệp Uyên
Chia sẻ cảm nghĩ về Việt Nam, Ernest cho biết rất thích con người và đất nước, và bộ đôi này hầu như cảm thấy thoải mái với các nước trong khu vực Đông Nam Á: “Không ai làm phiền chúng tôi dù đến nơi rất đông người. Chỉ một lần, một người nói với chúng tôi rằng những điều chúng tôi làm thật tuyệt vời và hãy tận hưởng thời gian ở Việt Nam. Tôi rất cảm kích về điều này”.
Bộ đôi này sẽ ở Việt Nam đến ngày 19.5 và trở về Đức, tiếp tục cuộc sống thường nhật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.