Những lúc ấy, tôi cho phép mình xả hơi hoàn toàn với chiếc điện thoại. Buổi tối kết thúc khi cả nhà cùng lên giường lúc mười rưỡi. Cứ thế, tôi gần như chẳng có thời gian cho con, trừ lúc ăn cơm cùng nhau hoặc ít phút ngắn ngủi đưa con đến trường, mới có dịp hỏi con vài câu qua loa. Cuộc sống của mẹ con tôi có lẽ sẽ cứ thế trôi qua nếu tôi không vô tình đọc được bài tập làm văn của con.
tin liên quan
Gia đình dấu yêu: 'Luận sách' cùng conBài viết của con có đoạn: “Em vẫn nhớ chuyện “Chú bé nói dối” mà mẹ đã kể. Đó là câu chuyện mà em rất thích dù mẹ rất bận và ít khi kể cho em nghe”. Tôi chợt giật mình, cảm giác vừa nhận ra mình làm sai điều gì đó. Quả thực, có hôm mệt quá, hay có khi chỉ vì lười, tôi “vờ” luôn vụ kể chuyện mặc thằng bé nài nỉ.
Đọc bài văn của con, tôi nhận ra những câu chuyện tôi kể có phần qua quít, hời hợt ấy đọng lại trong tâm trí con đậm sâu hơn tôi nghĩ. Tôi thấy mình nhẫn tâm khi đã cắt đứt một thú vui, một sở thích đáng yêu của con vì sự ích kỷ, lười nhác của mình. Từ hôm ấy, tôi quyết tâm thay đổi.
Tôi lọc bỏ bớt những cái tên ít tương tác, ẩn những ai hay đăng tin vô bổ trên Facebook, tắt thông báo, bỏ theo dõi các trang mua sắm, du lịch, chỉ dành lại những liên hệ công việc. Bấy nhiêu đó giúp tôi tiết kiệm thời gian đáng kể. Tôi cũng hạn chế thời gian online, thay vào đó, tôi trò chuyện với con, dành thời gian cho con nhiều hơn. Những nụ cười sảng khoái khi gồng tay để so “chuột” với cu con hay khi cu cậu vỗ bình bịch lên vòng hai ngày càng phì nhiêu của mẹ rồi khẳng định mẹ sắp có thêm em bé, rồi phụng phịu giận dỗi vì lo mình sắp bị ra rìa… khiến tôi quên hết buồn phiền, mỏi mệt…
Chị bạn tôi làm sếp trong một công ty lớn. Khi ly hôn, các con theo bố vì bố đưa đón chúng đi học mỗi ngày hoặc chơi đùa với chúng trong lúc chị bận suốt. Thu nhập chị cao hơn anh, mức sống của họ cao hơn nhiều nhà khác nhưng chị vẫn chưa hài lòng với vị trí hiện tại. Tòa xử chia cho chị một khoản tài sản khá lớn nhưng ngẫm lại, cái chị mất lại lớn hơn nhiều, ấy là những đứa con không chọn mẹ khi phải quyết định sống với bố hay mẹ.
Quả thực, sự vô tâm của người lớn trong mọi tình huống đều dẫn đến kết cục đáng buồn, không chỉ khiến trẻ thiệt thòi về tình cảm, khiến mối dây liên hệ giữa bố mẹ - con cái lỏng lẻo, con cái lớn lên cũng vô cảm, dửng dưng với bố mẹ mình. Nhiều người trách con bất hiếu khi họ lo cho con vật chất đủ đầy, nhưng họ không nhận ra, sự quan tâm về tinh thần, tình cảm mới là thứ phá vỡ quy luật “nước mắt chảy xuôi” để các con quan tâm ngược lại bố mẹ.
Cũng may, tôi đã nhận ra và kịp thời điều chỉnh để có nhiều thời gian dành cho con hơn. Tuổi thơ con rồi sẽ qua nhanh, nếu không tận hưởng khi còn gần gũi, đến lúc muốn quan tâm đến con e có khi chẳng thực hiện được nữa rồi!
Bình luận (0)