'Giải cứu' rác thải điện tử

Thúy Hằng
Thúy Hằng
25/05/2019 07:03 GMT+7

Cuộc sống con người ngày càng gắn chặt với công nghệ cũng đồng nghĩa với việc sẽ tồn tại nhiều rác thải điện tử .

Loại rác này có nhiều tác hại nghiêm trọng tới môi trường, sức khỏe con người nhưng ít người biết hoặc quan tâm tới việc xử lý sao cho đúng cách.
Theo chương trình VN tái chế (thu hồi và xử lý miễn phí chất thải điện tử đầu tiên tại VN), rác thải điện tử được định nghĩa là các thiết bị điện - điện tử không còn sử dụng như màn hình ti vi, máy tính (để bàn và xách tay), các loại máy in, máy fax, máy quét (scan), máy photocopy, điện thoại di động, máy tính bảng, máy ảnh, máy quay phim, các loại pin, các loại linh kiện liên quan công nghệ thông tin...

Cứ không dùng nữa là cho ra bãi rác!

Tôi tin rằng, nếu tận dụng sức mạnh từ mạng xã hội, các hoạt động phân loại
rác thải, thu hồi rác thải điện tử sẽ được lan tỏa, giúp nâng cao nhận thức của nhiều người hơn
Sinh viên Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Khoa Sinh học - Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)
Anh Trịnh Xuân Thành, Trưởng đại diện quản lý các dự án xã hội - Công ty Green &Book Ambassadors, cho biết những lần cùng các tình nguyện viên nhặt rác, anh phát hiện lẫn trong túi ni lông, chai lọ, quần áo cũ là các thỏi pin lớn nhỏ, thậm chí cả chiếc ti vi cũ cũng bị quăng xuống mương nước. “Ở nhiều địa phương, phân loại rác không phải là điều người dân quan tâm, nên người ta chỉ biết không dùng tới là cho ra bãi rác”, anh Thành kể.
Nguyễn Thị Ánh Tuyết, sinh viên ngành công nghệ sinh học, Khoa Sinh học - Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM (ĐH quốc gia TP.HCM), kể cô chứng kiến ở nhiều vùng quê, bà con gom chung các loại rác và... đốt. “Sẽ vô cùng nguy hiểm nếu đốt rác mà trong đó có rác thải điện tử”, Tuyết nói.
Chúng tôi tới nhiều khu dân cư, chung cư tại TP.HCM hỏi ý kiến người dân về việc họ có biết cách xử lý rác thải điện tử. Nhiều người lắc đầu không biết, có người hỏi ngược lại: “Vậy mang đi đâu thì an toàn?”. Nguyễn Văn Chánh, 29 tuổi, sống tại chung cư 1050 đường Phan Chu Trinh (Q.Bình Thạnh), cho biết trước đây từng nhiều lần vứt các thỏi pin (đồng hồ, máy ảnh, bộ điều khiển ti vi và máy lạnh) đã sử dụng hết vào thùng rác, sau đó vài lần xem tin tức, anh biết điều đó là không nên và sau này đã “gom vào một cái hộp để trong góc nhà”.
Các bạn trẻ dự án xã hội Công ty Green &Book Ambassadors gom rác, vớt được cả một chiếc ti vi cũ dưới mương Bảo Vy
Trong diễn đàn “Bạn sống sao khi thế giới kêu gọi sống xanh” diễn ra tại TP.HCM mới đây, một sinh viên cũng hỏi khách mời, làm sao xử lý các thỏi pin đã hết hạn sử dụng đúng cách. Nhiếp ảnh gia Hùng Lekima (Nguyễn Việt Hùng) cũng băn khoăn, chính anh cũng chỉ biết có một số chung cư thu gom pin cũ, còn lại các bước tiếp sau như thế nào anh không rõ.

Vứt bừa bãi là đầu độc chính mạng sống con người


Sinh viên Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho biết: “Những kim loại nặng trong các thiết bị điện tử như bari, chì trong ti vi, tủ lạnh... khi trở thành phế thải sẽ ngấm vào đất, nước... làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường này, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân khi sử dụng nguồn nước độc hại. Những chất như khí gas CFC trong tủ lạnh không còn khả năng sử dụng là nguyên nhân trực tiếp gây thủng tầng ô zôn, gián tiếp gây ung thư da ở người. Ngoài ra, pin trong những thiết bị điện tử như laptop, điện thoại... là pin lithium ion chứa dung dịch điện ly rất dễ cháy, được nén ở áp suất cao, nên đặc biệt nguy hiểm khi vứt bừa bãi ra môi trường”.
Trong khi đó, chị Mai Hằng, đại diện chương trình VN tái chế, cũng nhấn mạnh: “Rác thải điện tử có chứa hỗn hợp phức tạp các vật liệu, thành phần và các chất khác. Không gây nguy hiểm trong quá trình sử dụng bình thường nhưng những chất này có thể trở nên nguy hại khi thiết bị được tháo tung ra, xử lý không đúng cách như chôn lấp hoặc đốt chung với rác sinh hoạt”.
Chị Mai Hằng đưa ra các ví dụ: “Màn hình CRT của ti vi, máy tính có thể chứa chì, một chất độc hại đối với hệ thần kinh và sinh sản của con người và động vật. Pin có thể chứa các vật liệu nguy hiểm như cadmium, thủy ngân và chì, berili trong bo mạch chủ và trong mực in có chứa các chất xylen và xyclohexane, có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho cả môi trường và sức khỏe chúng ta”.

Có thể tái sử dụng, tiết kiệm tài nguyên

Tuy nhiên, chị Mai Hằng nhấn mạnh nếu thu hồi đúng cách, thì kim loại, nhựa và thủy tinh trong các thiết bị điện tử này hoàn toàn có thể được tái sử dụng, giúp tiết kiệm tài nguyên, còn các chất thải nguy hại sẽ được xử lý an toàn.
Thu gom rác thải điện tử từ người dân Bảo Vy
Anh Trịnh Xuân Thành cũng cho biết sắp tới bên cạnh các dự án nhặt rác, nâng cao nhận thức người dân về việc không xả rác, nhóm cũng sẽ có các sự kiện tại các chung cư, khu dân cư giúp người dân hiểu rõ tác hại nghiêm trọng nếu bỏ chung rác thải điện tử với rác sinh hoạt, khuyến khích người dân mang rác thải điện tử tới nơi thu gom an toàn.
Còn theo Ánh Tuyết, hiện tại trong khuôn viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên có các thùng rác chứa rác thải điện tử. Sinh viên của trường cũng tham gia các phong trào thu gom, phân loại rác. “Tôi tin rằng, nếu tận dụng sức mạnh từ mạng xã hội, các hoạt động phân loại rác thải, thu hồi rác thải điện tử sẽ được lan tỏa, giúp nâng cao nhận thức của nhiều người hơn”, Tuyết hào hứng.
Trong khi đó, chị Mai Hằng cho hay ngày 2.6 tới, VN tái chế tham gia Ngày hội sống xanh của TP.HCM với nhiều gian hàng liên quan nhằm thu hồi rác thải điện tử. Trước đó, chị và các bạn trẻ của chương trình này đã phối hợp 10 trường ĐH và trường học quốc tế ở TP.HCM và Hà Nội, mỗi trường chọn ra một nhóm đại sứ là các bạn trẻ, các bạn này thường xuyên có các hoạt động nâng cao ý thức cho mọi người về rác thải điện tử.
Người dân có thể mang rác thải điện tử tới đâu ?
Hiện tại có một số địa điểm nhận thu hồi rác thải điện tử ở Hà Nội, TP.HCM.
Hà Nội: Nhà văn hóa Nghĩa Tân (Q.Cầu Giấy); UBND P.Tràng Tiền (Q.Hoàn Kiếm); UBND P.Quán Thánh (Q.Ba Đình); UBND P.Thành Công (Q.Đống Đa); Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội.
TP.HCM: UBND P.9 (Q.3); UBND P.15 (Q.4); UBND P.17 (Q.Phú Nhuận); UBND P.2 (Q.Bình Thạnh); Trung tâm MM Mega Market An Phú (Q.2).
Các hộ gia đình có thể liên hệ số ĐT 0933882205 tới chương trình VN tái chế để được gom rác miễn phí nếu có ít nhất một thiết bị lớn như ti vi, màn hình, máy vi tính, máy in, máy fax, máy scan, máy photocoppy... hoặc 10 thiết bị điện tử nhỏ khác, như pin. Với doanh nghiệp cũng có thể liên hệ để được hỗ trợ miễn phí nếu có ít nhất 1 m3 rác thải điện tử hoặc 100 kg...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.