Nước mắt không ngừng rơi trên khuôn mặt gầy, xanh xao của chị Lương Thị Nhi, 28 tuổi, người phụ nữ mở quán chè mang tên Mẹ siêu nhân ở đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Dưới vòng tay chị, bé Lê Quang Thạc, 23 tháng tuổi đang nằm bú mẹ, đôi mắt lim dim, bàn tay nhỏ xíu đang vân vê áo mẹ. 13 tháng trước, khi Thạc là em bé 10 tháng tuổi nhưng chưa biết ngồi, chị Nhi bế con đi khám vì chỉ nghĩ con đang thiếu một chất gì đó, như canxi chẳng hạn, để cứng cáp hơn.
Video: Câu chuyện rơi nước mắt nơi quán chè Mẹ Siêu Nhân
|
Chị và chồng đều không ngờ, kết quả chụp MRI não cho thấy con trai mình mắc bệnh hiểm nghèo, cực kỳ hiếm gặp trên thế giới, không có thuốc chữa trị: Lissencephaly và lạc chỗ chất xám dạng dải dưới vỏ 2 bán cầu đại não.
Không dễ dàng để một người mẹ chấp nhận sự thật quá đau đớn cho đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Chị nghẹn ngào: “Nhìn kết quả chụp CT, bác sĩ nói não của con rất xấu, nhưng tôi vẫn tin là có nhầm lẫn. Lúc chồng bế con vào chụp MRI, tôi vẫn mong điều kỳ diệu. Cho đến khi tờ giấy đặt trước mặt tôi, chữ Lissencephaly khô khốc, bóp nghẹt tim, mọi hy vọng đều vụn vỡ”.
"Tôi chưa hề nghe tới những từ khoa học này. Bác sĩ từ chối cho mọi chỉ định về phương pháp điều trị hay thuốc uống. Tôi tra google và bàng hoàng. Mắc bệnh Lissencephaly (não mịn, là một rối loạn hình thành não hiếm gặp), trẻ chậm phát triển, gây khó khăn cho học tập và sinh hoạt, hay co giật… Người mắc bệnh thường chết trước 10 tuổi”.
|
Cả một tháng trời, chị Nhi sống trong khủng hoảng, tuyệt vọng. Chồng đi làm từ sáng tới khuya, một mình chị ôm con và khóc, không dám kể với bất kỳ người thân nào. “Ôm con trong tay, tôi bất lực, hoảng loạn những nỗi lo một ngày con biến mất. Có những giấc mơ, tôi thấy con mình khỏe mạnh bình thường, bệnh kia chỉ là một cơn ác mộng mà thôi. Tỉnh giấc, tôi lại phải đối diện sự thật. Tôi quyết định đưa con đi tập vật lý trị liệu”, người mẹ kể.
Bé Thạc bắt đầu được tập vận động, con bắt đầu biết trườn, bò. Lần đầu tiên thấy con trườn đi được vài cm thôi, người mẹ cũng ứa nước mắt vì hạnh phúc…
Ở đâu còn sự sống, ở đó còn hy vọng
Chị Lương Thị Nhi tốt nghiệp Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, từng làm việc tại một hãng nước giải khát. Chồng chị là Lê Văn Quang, 31 tuổi, tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), từng làm trong một công ty xuất nhập khẩu. Cả hai vợ chồng cùng học thạc sĩ tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cùng nhận bằng thạc sĩ một ngày, khi chị Nhi đang mang bầu bé Thạc được 8 tháng và con trai đầu của họ là Lê Quang Thiện tròn 4 tuổi.
Họ từng có nhiều dự định, nhưng mọi ước mơ vụn vỡ khi biết Thạc mắc bệnh hiểm nghèo. Gác lại tất cả bằng cấp và những gì học được trong bao năm đèn sách, tháng 3.2018 chị Nhi mở quán chè bưởi, để vừa kiếm được tiền, vừa cho con không gian tiếp xúc nhiều người, vừa có nhiều thời gian bên con.
Ba tháng sau, anh Quang cũng nghỉ việc ở công ty mình từng gắn bó 8 năm, dù thu nhập ở mức ao ước của rất nhiều người, để phụ vợ nấu và bán chè, chơi với con, cho con đi bơi, dạy con tập đi… với niềm tin, những đứa trẻ mắc bệnh não đều có thể phát triển, nếu cha mẹ yêu thương và luôn tương tác với con.
|
Đôi vợ chồng trẻ gia nhập Câu lạc bộ gia đình siêu nhân (những bố mẹ có con mắc bệnh về não), tìm hiểu nhiều tài liệu về bệnh Lissencephaly, cách bố mẹ của những em bé mắc bệnh về não từng làm cho con của họ ở nhiều nơi trên thế giới, lời khuyên của nhiều bác sĩ ở nước ngoài. Họ luôn hy vọng, phép màu có thể đến với Thạc. “Bất kỳ điều gì cũng có ngoại lệ. Chúng tôi luôn tin là như thế và không đầu hàng”, chị Nhi bảo.
Còn anh Quang, người cha của hai con trai chia sẻ với phóng viên Thanh Niên: “Tiền thì ai cũng muốn. Nhưng có nhiều tiền cũng không thể vui bằng nhìn con tiến bộ hơn mỗi ngày. Chúng tôi mở quán chè được 5 tháng, tình hình của Thạc lạc quan trông thấy, con hòa nhập tốt hơn với mọi người, để người khác không phải bố mẹ bế và chập chững những bước chân đầu tiên”.
Mỗi ngày, dù có bán được nhiều hơn, vợ chồng anh Quang cũng chỉ làm từ 100-150 ly chè, để vừa đủ tiền trang trải cuộc sống. Hơn tất thảy, họ muốn có thêm thời gian để làm thật nhiều điều cho con trai. Ở đâu có sự sống, ở đó còn hy vọng.
Bình luận (0)