Hiệp sĩ rong ruổi khắp nơi dạy trẻ kỹ năng chống xâm hại tình dục

28/09/2016 09:18 GMT+7

Hình ảnh những đứa trẻ trải qua ngày tháng đen tối của trầm cảm... khiến chàng thạc sĩ chuyên ngành tâm lý đau đáu và anh quyết định rong ruổi khắp nơi để dạy những đứa trẻ vùng sâu, vùng xa kỹ năng bảo vệ bản thân.

Thời gian qua, Nguyễn Ngọc Duy (28 tuổi) đã rong ruổi khắp các tỉnh thành trên cả nước để tư vấn tâm lý, dạy kỹ năng miễn phí cho thanh thiếu niên.
Duy kể đã từng chứng kiến nhiều trường hợp trẻ em phải trải qua những ngày tháng đen tối của trầm cảm... Những hình ảnh ấy cứ làm Duy, thạc sĩ chuyên ngành tâm lý, đau đáu trong lòng. Anh cảm thấy vô cùng xót xa cho những đứa trẻ vùng sâu, vùng xa thiếu kiến thức và kỹ năng để bảo vệ bản thân.
Đấy là chưa kể khi đi đến các vùng miền trên cả nước, anh đã nhận ra người trẻ khắp nơi, nhất là ở các vùng quê xa xôi, khó khăn, rất cần kiến thức, kỹ năng để vào đời, thế nhưng họ không có điều kiện.
Mang kỹ năng đến nhiều miền quê
Suy nghĩ, trăn trở về những điều này đã thôi thúc Duy quyết tâm phải làm gì đó để giúp đỡ họ. Và rồi, những chương trình tư vấn tâm lý và giáo dục kỹ năng miễn phí ra đời. Duy đã đặt chân đến nhiều miền quê ở Sóc Trăng, Bình Dương, Vũng Tàu... để hướng dẫn các chuyên đề như: sống đẹp cho giới trẻ, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em...
Bị quấy rối tình dục, đừng im lặng!
Đừng im lặng trước hành vi quấy rối tình dục là thông điệp tại tọa đàm Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, trong đó chú trọng vào cách thức phòng chống và đáp trả các hành vi bạo lực giới.
Duy kể, mỗi chuyến đi dạy kỹ năng miễn phí đều để lại những ấn tượng và kỷ niệm đẹp. Như khi đi dạy kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em ở một xã vùng sâu của tỉnh Sóc Trăng. Địa điểm tổ chức là một hội trường của xã. Học sinh THCS nhưng nhìn vóc dáng cứ như học sinh lớp 2, 3 ở thành phố. Khi thấy máy tính xách tay, máy chiếu, học sinh đã ồ lên vì lần đầu được thấy. “Nhớ lại hình ảnh này mình thương lắm, vì nơi ấy rất thiếu thốn điều kiện học tập”, Duy nói.
Cũng có nhiều phụ huynh sau khi nghe anh chia sẻ, hướng dẫn các kỹ năng dành cho trẻ, đã cảm thấy áy náy, bất an và mong được tư vấn thêm vì từ trước đến nay còn vô tâm trong việc giáo dục con, hoặc chính bản thân mình đã làm gương xấu.
Cứ mỗi lần rong ruổi xuống các tỉnh thành về, cũng là lúc trang Facebook của Duy lại có thêm những người bạn mới. “Nhiều phụ huynh, học sinh liên tục nhắn tin thăm hỏi, kể chuyện, thông báo nhờ những kỹ năng đã được học mà biết bảo vệ mình hơn. Nghe mà hạnh phúc vô bờ”, Duy chia sẻ.
Chạy thận và chạy sô
Duy tâm sự, có nhiều người bạn thắc mắc ai cũng phải có nỗi lo cơm áo gạo tiền, vậy tại sao phải đi dạy kỹ năng miễn phí như thế? Cũng có những người khuyên Duy “bớt hoạt động xã hội lại, lo cho bản thân nhiều vào”, “sức khỏe yếu mà đi đâu lắm thế”...
“Mỗi lần như vậy mình chỉ biết cười và cảm ơn thôi. Và mình vẫn cứ tự nguyện làm, vì yêu thích tham gia những hoạt động xã hội, thiện nguyện từ nhỏ. Cứ sau mỗi chương trình dạy kỹ năng, nhìn những ánh mắt, nụ cười của các em, sự yêu mến của những phụ huynh nông dân lam lũ là mình vui lắm. Nói là miễn phí nhưng mình đã thu lại cho bản thân nhiều, đó là niềm vui của sự sẻ chia, là động lực để sống tốt hơn. Tiền nào mua được những điều ấy chứ?”, Duy trải lòng.
Cả nhà đi học kỹ năng
Sau khi đưa con đến lớp, phụ huynh không quay về như thường lệ mà ở lại đến cuối buổi để cùng học với con mình.
Cũng theo Duy, nhờ lao vào công việc mà mình đam mê đã giúp anh quên đi những đau nhức trong cơ thể, mệt mỏi về thể xác. Ít ai biết được rằng, suốt 7 năm qua, Duy đã phải gánh chịu bao đau đớn vì bị suy thận giai đoạn cuối.
Duy hay thông báo lên trang cá nhân về những chuyên đề dự định dạy miễn phí. Dù là những người chưa từng quen biết nhưng có nhu cầu hay bình luận “mong về địa phương dạy vì trẻ thiếu kỹ năng này” thì Duy lại tức tốc lên đường, dù miền quê sắp đến có xa xôi đến đâu.
“Tôi hay nói vui với mọi người là biết nơi nào cần thì cứ nói, chỉ trừ sáng thứ hai và sáng thứ sáu vì đó là “giờ linh”. Thật ra đó là thời gian tôi phải vào bệnh viện để lọc máu định kỳ. Chỉ mong sao sức khỏe còn cho phép đi được, nói được, thì chắc chắn tôi sẽ tiếp tục đi để chia sẻ với những ai và nơi nào có nhu cầu”, Duy khẳng định.
Duy tâm sự thêm, bản thân hiểu rằng "có thực mới vực được đạo" và "phải giữ sức khỏe thì mới cống hiến được lâu dài" nên luôn cố gắng cân đối hài hòa giữa việc làm và công tác xã hội, giữa công việc và nghỉ ngơi hợp lý.
“May mắn là được các thầy cô, anh chị trong ngành và một số tổ chức, doanh nghiệp yêu thương tin tưởng nên mình cũng có những buổi tham vấn tâm lý, những giờ lên lớp cho sinh viên và doanh nghiệp nên có thêm thu nhập để chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình”, Duy cho biết.
Ước mơ lớn nhất của Duy trong hành trình dạy kỹ năng miễn phí suốt thời gian qua là “mong trẻ em, đặc biệt là các em ở vùng biên giới, vùng sông nước, những vùng miền xa xôi biết được những kỹ năng cơ bản để bảo vệ bản thân mình. Và ước mơ kế theo nữa là xã hội, người lớn cần có ý thức và thực sự chung tay hành động để trẻ em được an toàn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.