Đi theo xin chỉ giáo
Đi chợ, nấu ăn là chuyện hiếm hoi của các nam SV, đơn giản bởi họ ít có khả năng thiên phú trong chuyện bếp núc. Tuy thế ở làng ĐH Thủ Đức thì khác. Hiện nay tỷ lệ nam SV xắn tay vào bếp lo bữa ăn cho mình hoặc cả phòng ngày càng phổ biến. Đến chợ SV vào các buổi sáng hay khi tan học sẽ dễ dàng nhận ra các đấng nam tử tay xách gạo, tay xách rau... loay hoay lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn của mình. Thật hiếm nơi nào có lượng con trai đi chợ nhiều như xung quanh các trường ĐH. Theo lời kể của chị Lan (bán thực phẩm tại chợ SV trong làng ĐH) thì: "Chưa thấy năm nào SV nam đi chợ, nấu ăn nhiều như năm nay mà phần lớn là SV năm nhất, năm hai".
Khó khăn lớn nhất khi đi chợ là việc lựa chọn món ăn. Thông thường ở mỗi phòng chỉ có 1 đến 2 SV được giao nhiệm vụ chợ búa theo kiểu "chuyên môn hóa", những thành viên khác lo các khâu còn lại. Nhiều bạn khi ra đến chợ cứ đứng ngẩn ngơ không biết mua gì. Một số "chọn mặt gửi vàng" mấy chị bán rau để được tư vấn miễn phí thực đơn. Với phương châm "rẻ và nhiều là số 1" nhiều bạn nam SV vừa mua vừa xin thêm, mấy chị bán hàng thấy các bạn là con trai nên không nỡ từ chối. Cũng theo chị Lan, các món ăn dễ làm như dưa leo, trứng, rau luộc, đậu hũ... thường là sự lựa chọn của nhiều bạn SV bởi vừa rẻ lại dễ nấu.
Đối với những mày râu xưa nay chưa vào bếp thì việc đi chợ và nấu ăn quả không dễ: "Buổi đầu học việc cực lắm. Từ trước đến giờ ngoài mì tôm mình chưa từng nấu món nào, ở nhà toàn mẹ hoặc chị làm. Vào ĐH ăn không quen cơm quán nên tụi mình tự nấu ăn. Tuần đầu phải nhờ các bạn nữ đi chợ cho mình đi theo xin chỉ giáo, mãi rồi mới biết cách mua đồ", bạn Dần (SV khoa Kinh tế) vui vẻ kể lại.
Chọn giải pháp nấu ăn, yếu tố đầu tiên mà các nam SV nghĩ tới là tiết kiệm và đảm bảo vệ sinh. Theo bạn P.V.Hùng (SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn): "Phòng càng đông người, nấu ăn càng có lời. Chỉ thêm bát thêm đũa chứ không thêm nồi niêu". Với một phòng 4 người, trung bình mỗi ngày lời khoảng 8 đến 10 ngàn đồng so với ăn quán và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tiết kiệm kiểu SV
|
Tại "xóm Giáo dục học" chiều chiều lại thấy từng nhóm SV nam "hộ tống" bình nước 20 lít từ trường về phòng. Hỏi chuyện, chúng tôi được bạn P.L.Quân cho biết: "Từ khi nhà trường cho SV được lấy nước về uống đã giúp cho bọn mình tiết kiệm được một khoản tiền khá lớn. Nước này vừa uống, vừa có thể dùng nấu ăn. Một khối nước máy mất 8.000 đồng chứ không ít". Độc đáo hơn là phòng của Long (Trường ĐH Bách khoa) cứ buổi chiều, 4 người thường rủ nhau ra hồ Đá tắm, giặt, về nhà chỉ cần dội qua vài gáo nước là sạch. "Được tắm thoải mái mà hổng lo tốn nước", Long vừa cười vừa cho biết. Việc tận dụng nước giặt đồ để dội, rửa nhà vệ sinh đã là chuyện phổ biến. Gần đây, nhiều "xóm" còn chuyển đổi phương thức nấu từ nấu bếp gas - sang nấu bếp dầu vì giá rẻ hơn gần một nửa. Đến phòng của Hải (SV khoa Kinh tế) vào lúc trời nhá nhem mà trong nhà đã tối om. Hải phân bua: "Đây là cách tiết kiệm điện của phòng tui đó. Bóng đèn neon lớn chỉ bật khi ăn cơm hoặc tiếp khách, còn lại lúc học hoặc tắm giặt mọi người chỉ xài bóng 5W thôi. Quạt máy cũng dùng những loại có công suất nhỏ". Nhờ cách tiết kiệm này mà cả tháng phòng Hải tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ.
Có chung phương châm: "Ăn để sống chứ không phải sống để ăn", rất nhiều bạn nam đã chọn biện pháp tiết kiệm bằng điệp khúc mì tôm hoặc ăn ké ở những phòng khá giả hơn. Ai có họ hàng ở gần thì tranh thủ những ngày nghỉ về chơi khi lên thể nào cũng có đồ mang theo dùng được vài bữa.
Dù ở đâu và thời đại nào, tiết kiệm luôn là bài học quý báu. Với những cách tiết kiệm này, rất nhiều bạn SV nam đã giải quyết có hiệu quả mối lo chi tiêu của mình để yên tâm học tập và nghiên cứu.
H.V
(lớp Báo chí K04 - ĐH KHXH&NV TP.HCM)
Bình luận (0)