Kiếm 250 triệu đồng/tháng nhờ món bánh tráng cuốn Tây Sơn

25/09/2016 10:11 GMT+7

2 cái bánh tráng sống nhúng nước kẹp với 1 cái bánh tráng nướng, cuốn với thịt, rau, đậu, chả… thành một cuốn và chỉ bán duy nhất món bánh tráng cuốn, mỗi tháng công ty của Chính thu hơn 250 triệu đồng.

Nguyễn Đình Chính (26 tuổi), quê ở Bình Định, chọn cho mình lối rẽ khá khác biệt để khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đó là bán bánh tráng cuốn.
Những cuốn bánh đậm chất quê Tây Sơn (Bình Định) được chào bán tại TP.HCM với những bước đi đáng nể. Chỉ bán duy nhất món bánh tráng cuốn, mỗi tháng công ty do Chính làm giám đốc có doanh thu hơn 250 triệu đồng.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở một vùng quê nghèo, từ nhỏ Chính đã thường xuyên ăn bánh tráng cuốn lót dạ thay cơm. Những cuốn bánh tuổi thơ đó đã theo Chính đến mãi thời đi học đại học. Nhưng có điều lạ là ăn hoài không thấy ngán. Một phần cũng vì nghèo, phần nữa là do thói quen của nhiều người dân Bình Định vốn mê bánh tráng từ trong… máu.
Hơn nữa, bánh tráng cuốn là món ăn chủ đạo của nghĩa quân Tây Sơn mỗi khi hành quân đường dài. Nguyên liệu gồm bánh tráng sống, thịt, chả, trứng vịt luộc, rau sống, đậu, chả ram, nước chấm. Đơn giản và gọn nhẹ nên món ăn dễ mang đi mà lại giúp cái bụng no lâu vì đủ chất.
Món ăn này có giá thành rất rẻ, phù hợp với đông đảo người dân lao động ở quê. Nó còn có cái tên thú vị là món “hai sống một chín”. Nghĩa là gồm 2 cái bánh tráng sống nhúng nước kẹp với 1 cái bánh tráng nướng, cuốn với thịt, rau, đậu, chả… thành một cuốn to cỡ bắp tay người lớn. Người ăn phải ăn theo kiểu cắn bên tả rồi sang bên hữu mới hết một vòng bánh cuốn.
Sáng tạo khởi nghiệp: Món ăn 'hai sống một chín' 2
Bánh cuốn Tây Sơn ngày càng được lòng thực khách Ảnh: Tâm Ngọc
Nguyễn Đình Chính đã khởi nghiệp với quyết tâm phải mang được món ăn độc đáo này vào TP.HCM để phục vụ cho thực khách xa gần, nhất là dân Bình Định làm ăn, sinh sống xa quê. Theo đánh giá của Chính, thị trường TP.HCM sẽ có nhiều “đất” dành cho bánh cuốn theo kiểu không đụng hàng này.
Chàng trai quê xứ nẫu đã khởi nghiệp bán bánh tráng cuốn với 60 triệu đồng vay mượn và thất bại thê thảm sau 7 tháng. Khi trong tay chỉ còn đúng 2 triệu đồng làm vốn, Chính quyết làm lại từ đầu.
“Mình đã ngẫm lại vì sao thất bại, vì chất lượng bánh chưa ngon hay vì món ăn chưa được biết đến rộng rãi? Vậy là mình bắt tay khắc phục từng lỗi một. Dịp tết, mình khăn gói về quê học cô Tâm bán bánh tráng cuốn các bí quyết làm bánh ngon trong một tháng rồi trở lại TP.HCM. Với 2 triệu đồng ít ỏi còn lại, mình không chú trọng mặt bằng hay bày biện ở quán nữa mà đẩy mạnh quảng bá món ăn để nhiều người biết đến”, Chính chia sẻ.
Chính bật mí: “Một cuốn bánh Tây Sơn, rau sống thì phải là loại rau sạch, do gia đình mình tự trồng ở quê. Thịt heo, thịt bò thì phải được lấy từ cửa hàng quen, uy tín. Phải làm hết khả năng để mang đúng phong vị quê, hồn quê vào cuốn bánh. Như vậy mới làm người ăn nhớ, thèm, ghiền mà ủng hộ mình dài dài”.
Chính đã thành lập công ty và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền bánh cuốn Tây Sơn. Chàng giám đốc trẻ cũng đang tiến hành các bước cần thiết để mở chuỗi các cửa hàng phục vụ trực tiếp theo kiểu KFC và liên hệ với những người có tâm huyết mở thêm nhiều đại lý khác tại tất cả các quận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.