Anh Nguyễn Thanh Hiền (43 tuổi), nhà ngay góc đường Phan Văn Hân - Nguyễn Văn Lạc, P.19, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), cho biết: “Tôi có 2 đứa con sinh đôi, một trai, một gái, đang học lớp 5 của Trường tiểu học Phù Đổng, Q.Bình Thạnh. Cô chị lanh lợi, học giỏi đều tất cả các môn, luôn là niềm tự hào của ba mẹ. Còn cậu con trai hơi trầm tính, ít nói, không có nhiều bạn bè, hơi chậm so với bạn cùng trang lứa. Mỗi lần dạy cháu học bao giờ cũng mất nhiều thời gian hơn cô chị rất nhiều. Biết thế nhưng hai vợ chồng cũng thay phiên nhau dạy dỗ và nhờ thêm thầy cô giáo dạy thêm ngoài giờ học”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thanh Mai (35 tuổi), ngụ tại tầng 11, chung cư Carillon, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú (TP.HCM), cho biết: “Mình có đứa con trai 9 tuổi nhưng cháu rất trầm tính, ít nói. Khi nào hỏi tới thì mới nói chứ ít khi nào chủ động, chia sẻ với cha mẹ điều gì. Có lần hai vợ chồng mình dẫn bé đi bệnh viện khám thì bác sĩ nói bé không có biểu hiện gì khác thường, chỉ là tính tình của cháu hơi trầm nên vậy thôi”.
Cha mẹ cần tỉnh táo, kiên nhẫn
Theo thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nếu cha mẹ có một đứa con quá trầm tính, đầu tiên là bình tĩnh tìm ra lý do. Lý do ở đây có thể đến từ tính khí của trẻ, lối giáo dục của người lớn và đặc trưng lứa tuổi. “Tính khí ảnh hưởng bởi khí chất mỗi người, trong tâm lý học người ta chia khí chất thành 4 loại: Điềm tĩnh, ưu tư, linh hoạt, nóng nảy”, thạc sĩ Huân nói.
Thạc sĩ Huân, chia sẻ: “Theo đặc trưng lứa tuổi, trẻ thường rơi vào các giai đoạn khủng hoảng như tuổi lên 3, tuổi vào lớp 1, dậy thì…, lúc này, trẻ có thể mắc phải các biểu hiện kể trên về hành vi, thái độ. Cha mẹ cần tỉnh táo nhận ra sự khác biệt ở trẻ khi bước vào các giai đoạn lứa tuổi khác nhau để quan tâm và ứng xử sao cho phù hợp...”.
Thạc sĩ Huân lưu ý: “Cách giáo dục luôn được khuyến khích là 'hãy làm bạn cùng con' trên cơ sở hiểu biết đặc điểm tâm lý của trẻ, hạn chế tối đa bạo lực và máy móc, áp đặt trong giáo dục con cái. Tìm sự hỗ trợ từ các nhà chuyên môn tâm lý, giáo dục… là giải pháp hữu hiệu khi phụ huynh bế tắc. Nếu bạn có một đứa con trầm tính hơn những kiểu trẻ có khí chất khác nhưng được quan tâm đúng mức, mọi thứ sẽ được tháo gỡ dần theo chiều hướng tốt hơn mỗi ngày”.
|
Chị Nguyễn Thị Kim Xuyến, thành viên của Nhóm tình nguyện Sắc màu cuộc sống (TP.HCM), chuyên tư vấn tâm lý miễn phí cho các gia đình trẻ, chia sẻ: “Nếu bạn có một đứa con trầm tính, ít nói thì đó cũng là chuyện bình thường chứ không có gì phải lo lắng”.
Theo chị Xuyến, nếu trong nhà bạn có nhiều hơn một đứa con, đôi lúc bạn có thể so sánh hoặc dành nhiều tình cảm hơn cho đứa lanh lợi, hoạt bát, giỏi giang. “Nhưng bạn cũng cần phải dành nhiều thời gian cho đứa con trầm tính để thấu hiểu và khơi gợi sự thể hiện của bé, giúp bé phát triển tốt nhất các tố chất của mình”, chị Xuyến khuyên.
Chị Xuyến khuyên: “Câu thần chú của bạn với bé này chính là sự kiên nhẫn, hãy kiên nhẫn và rất kiên nhẫn. Với tất cả mọi việc, bạn đều phải hướng dẫn bé từng bước, lặp đi lặp lại cho đến khi thuần thục mới thôi. Giảng bài một lần bé chưa hiểu, bạn phải giảng lại lần hai, lần ba, lần bốn… cho đến khi bé hiểu. Nhưng khi hiểu rồi thì bé sẽ nhớ rất lâu và rất sâu. Đặc biệt, bạn có thể sẽ phải trả lời rất nhiều câu hỏi cho bé vì bé sẽ tìm hiểu ngọn nguồn, mọi ngóc ngách của vấn đề trước khi chuyển qua vấn đề kế tiếp...”.
Cũng theo chị Xuyến, với những bé này, chúng sẵn sàng học hỏi nếu có người hướng dẫn và hỗ trợ. Bé cũng có xu hướng học và làm theo nguyên tắc của mình, phải làm từng bước một cho đến khi hoàn thành, càng chi tiết, càng đơn giản, càng cụ thể càng tốt. Vì vậy, khi con trầm tính hoặc học chậm hơn các bạn ở trường, đừng vội lo lắng và dán nhãn con mình là ngu ngốc. Hãy là điểm tựa, là niềm tin, là nguồn động viên, an ủi và là bạn đồng hành của con. Con bạn chỉ chậm thời gian ban đầu nhưng khi con đã nắm vững kiến thức cơ bản rồi thì sẽ tiến bộ rất nhanh, thậm chí khả năng phát triển là đến vô cùng...
Bình luận (0)