Làm gì khi con nghiện game online?

23/06/2009 19:08 GMT+7

“Em đến với game online chỉ để thư giãn. Càng chơi càng chưa thấy giỏi, thua bạn bè lại càng ham, giống như bị “con ma điện tử” hút vào vậy”... Mời nghe đọc bài

Đó là tâm sự của Huỳnh Minh Quân (học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Hiền, Q.12, TP.HCM) trong buổi tọa đàm “Internet – Game online có thực sự bổ ích cho con em chúng ta?” do Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM vừa tổ chức. Sau một thời gian, Minh Quân đã từ bỏ game online, nhưng không phải bạn trẻ nào cũng làm được như vậy. “Một người bạn của em cũng chơi game trong đó có nhiều cảnh bạo lực, tự sát, hành hung thầy cô, bạn học... Chơi riết rồi bạn đó bị ảnh hưởng, cũng ăn hiếp bạn bè như trong game vậy”, Quân cho biết.

Từng là người tự nhận đã nghiện game online, Phan Lê Hồng Đức (học sinh lớp 8A6 trường THCS Bình Thọ, Q.Thủ Đức) thú nhận: “Rất dễ để trở thành người nghiện game, dù ban đầu người đó rất “gà mờ”, không biết chơi gì cả. Trong thế giới game online có tiền ảo, đồ ảo, mà để có chúng thì lại phải mua bằng tiền thật. Bắt đầu từ những món đồ nhỏ với tiền nhỏ, rồi những món đồ mới với cái giá lớn hơn..., dần dần nghiện game lúc nào không hay”.

 Giúp con biết chơi để con không sợ bị bạn bè chê cười là tụt hậu, nhưng cha mẹ cũng cần định mức thời gian con chơi game online hợp lý. Khi con làm tốt, nên khen ngợi để con có niềm tự hào rằng mình là người có bản lĩnh.

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn trẻ mê game online. Theo tiến sĩ tâm lý trị liệu Trần Thị Giồng thì bản thân game online rất hấp dẫn và có nhiều tác dụng tích cực như kết nối đám đông, tạo sự hợp tác, thúc đẩy tính sáng tạo và trí tưởng tượng... Game mang lại cảm giác tự do, tạo cho người chơi cơ hội gặt hái thành công từ nhỏ tới lớn, khiến người chơi thích thú khi vượt qua được cạnh tranh, thử thách... Trẻ mê game online còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân nội tâm như: thiếu thốn tình cảm gia đình, căng thẳng dồn nén, không muốn thua kém bạn bè..., dẫn đến việc tìm tới thế giới game để giải tỏa.

Giúp con “cai” game

Cha mẹ cần làm gì khi con mình đã trót quá mê game? Có mặt tại buổi tọa đàm, một ông bố nhà ở Q.12, TP.HCM chia sẻ một cách làm khá đơn giản: Không đặt máy vi tính trong phòng riêng của con mà đặt ở phòng khách để có thể biết được thời gian sử dụng internet và những nội dung con truy cập có lành mạnh hay không. Chị Nguyễn Thị Vy (ngụ ở P.17, Q.Gò Vấp) thì chọn cách quản lý thời gian và tiền bạc của con chặt chẽ: “Gần đây thấy cháu ham chơi game online quá, tôi không cho cháu vô mạng nhiều, cứ khoảng 10 giờ tối là ngưng. Tuy nhiên, tôi không cấm cháu online vì sợ cháu tụt hậu so với các bạn. Hằng tháng tôi cho cháu 60 ngàn đồng, tức mỗi ngày 2 ngàn (40 phút online), và chỉ được chơi ở một tiệm internet gần nhà mà thôi...”.

Ông Trần Vĩnh Sa – Phó phòng Công nghệ thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM) cho biết: Tính đến tháng 2.2009, ở VN, tổng số trò chơi trực tuyến phát hành là 44, có 5 triệu người chơi game thường xuyên. Trong số 27 trò chơi bạo lực, chia ra các cấp độ: đâm chém cá nhân đơn độc có 14 game (52%); đâm chém theo băng nhóm có 6 game (22%); bắn giết theo băng nhóm có 3 game (11%)... Có tới 10 game (37%) đâm chém không phân biệt người tốt người xấu.

Có một cậu con trai nghiện game online, chị Lê Thị Hòa (Q.Thủ Đức) thực sự đau đầu. Chị kể: “Con tôi lúc đầu chỉ chớm nghiện, sau đó ngày càng mê game hơn. Đọc thấy những tác hại của việc nghiện game trên báo, vợ chồng chúng tôi tìm đọc tài liệu, tham gia một khóa học dành cho cha mẹ để hiểu về con hơn, bởi tâm lý lớp trẻ bây giờ khác với chúng ta ngày xưa rất nhiều. Bản thân con tôi cũng muốn thoát ra khỏi thế giới ảo, nhưng tự mình cháu thì không thể dứt ra được. Chúng tôi tiếp tục mang những bài báo về cho cháu đọc để thấy tác hại của việc nghiện game. Khi biết có một khóa học “cai nghiện” game và sử dụng internet hiệu quả thì cháu đã tình nguyện đi và là một trong số những học viên tiến bộ. Chúng tôi đồng hành cùng cháu suốt khóa học này”. Chị cho biết thêm là sau khóa học, con chị đã tham gia vào một nhóm nhảy hip-hop. Vận động thể chất nhiều hơn, say mê âm nhạc, lại giao lưu với bạn bè cùng sở thích, dần dần con chị đã quên hẳn game online.

Tỉnh ngộ sau những ngày sa đà vào game online, Hồng Đức tự rút ra kết luận: “Thế giới game không thực tế mà chỉ ảo thôi. Giống như khi một trò chơi online bị mất đi thì người ta sẽ mất hết đồ. Thế giới ảo mà các bạn nghiền game say mê cũng có thể bị mất bất cứ lúc nào. Bởi vậy chúng ta đừng nên vì nó mà xa rời đời thực”.

Phương Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.